Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Đằm thắm chữ tình con gái xứ Đông

Đằm thắm chữ tình con gái xứ Đông


Lần đầu tiên đọc bài thơ Con gái xứ Đông thấy gần gũi, thân thương lạ. Những câu thơ dung dị, chất chứa cả cái hồn quê mộc mạc đã được Nguyễn Đình Vinh chấp bút vào đề một cách rất tự nhiên. Nguồn cơn cảm xúc bắt đầu từ giấc mộng, giấc mộng chập chờn, nghiêng nghiêng giữa thị thành: Đêm thị thành chập chờn mơ vỡ giấc/Nghe ngọt ngào thương thương lắm chèo quê…
Hàng loạt từ “nhớ” xuất hiện như điệp khúc cảm xúc cho một bản nhạc tình quê ấm áp.

Nhiều người khi nhớ về quê thường nhớ về lũy tre làng, thường nhớ về tiếng sáo diều vi vu, thường nhớ về tiếng chuông chùa bay trong thinh không yên ả… Nguyễn Đình Vinh cũng nhớ những hình ảnh, những âm thanh quen thuộc đã đi vào tiềm thức và ký ức của anh. Chùm vải đỏ, tiếng chim tu hú gọi bầy là những hình ảnh và âm thanh quen thuộc trở thành đặc trưng rất đẹp của quê hương Hải Dương. Từ nỗi nhớ cái cụ thể ấy, nỗi nhớ của anh như sâu đượm hơn, xúc động hơn trong hình ảnh “giọt nắng gầy” và “nỗi miên man tan hoàng hôn châu thổ”. Không hiểu sao hình ảnh thơ “giọt nắng gầy” cứ gợi cho tôi liên tưởng đến dáng mẹ tảo tần với bao nhiêu vất vả, lo toan cho cuộc mưu sinh. Thủ pháp nhòe nghĩa đã tạo cho câu thơ một ấn tượng rất mới. Nỗi nhớ lan truyền từ những cái cụ thể hữu hình sang những ấn tượng vô hình mà người ta chỉ có thể cảm nhận bằng cảm xúc.Nhân vật trữ tình trong đêm khuya yên ả, chợt cảm thấy tâm hồn mình bé nhỏ giữa thị thành và anh nhớ, mọi cảm xúc đổ dồn về miền quê trong tiềm thức. Anh mường tượng tiếng hát chèo quê thương thương đằm đượm nghĩa tình, anh nhớ cả cái ánh mắt giao duyên sắc sảo trong câu hát chèo của cô gái xứ Đông – cái ánh mắt đã để thương, để nhớ, để không thể nào quên mỗi khi anh nhớ về miền quê yêu dấu ấy. Nỗi nhớ của anh đã bắt đầu như thế. Sang khổ thơ tiếp theo nỗi nhớ như xô đẩy, như dồn dập trong mạch cảm xúc dâng trào: Tháng sáu chang chang trĩu cành vải đỏ/Nhớ tiếng gọi bầy chim tu hú chiều nay/Nhớ tiếng ầu ơ, nhớ giọt nắng gầy/Nhớ nỗi miên man tan hoàng hôn châu thổ.

Nhân vật trữ tình lại tiếp tục nhớ, nhớ những hình ảnh vô cùng dân dã, quen thuộc đã quyện thành máu thịt trong lòng mỗi người con xa quê. Nhớ về quê, là không thể nào không nhớ “mùi ngô đỗ”, “sắn lúa”, “bánh gai”. Chao ôi! Biết bao là thân thương gần gũi trong những hình ảnh quê mùa mộc mạc ấy. Ở khổ thơ thứ ba này, tác giả lại tiếp tục nhấn bằng một câu thơ giàu hình ảnh rất gợi: “Nghiêng chén trà xanh nuốt vầng trăng mười sáu”.

Quả là một cách nói độc đáo. Thông thường ở quê, những đêm hè trăng trong người ta thường trải chiếu ra ngoài sân, ngoài hiên, để thưởng thức chén trà xanh tươi non màu nước để cho cái mát mẻ, cái đượm đà vị quê chảy thấm qua từng thớ thịt. Có lẽ từ những nét đẹp ấy, tác giả đã liên tưởng đến hình ảnh vầng trăng sóng sánh trong chén nước, và uống trà là uống vầng trăng đấy, mà phải là trăng 16 kia mới cảm hết được cái vẻ tròn đầy sức sống của nó. Hình như bóng dáng người con gái Hải Dương đã bắt đầu e ấp xuất hiện từ trong câu thơ ấy! Nỗi nhớ như đầy thêm, như chan chứa niềm yêu trong hình ảnh: Cô gái Hải Dương chúm chím môi hồng/Vai quẩy trĩu vồng ngực đồng bằng no đủ.

Tựa đề của bài thơ là “Con gái xứ Đông”, nhưng phải đến cuối bài thơ thì hình ảnh người con gái xứ Đông mới hiện hình vẹn tròn trong câu thơ khép lại. Một hình ảnh đẹp gợi bao sự no đủ, ấm áp, tràn đầy nhựa sống. Cái tứ của bài thơ xuyên suốt là nỗi nhớ sâu đượm ân tình. Tác giả mượn cớ nói về con gái xứ Đông nhưng kỳ thực là để bày tỏ bao nỗi nhớ về quê hương. Hình ảnh của cô gái xứ Đông cũng là một nỗi nhớ nhưng là một nỗi nhớ có niềm tin về tương lai bừng sáng no đủ của vùng đất Hải Dương giữa miên man châu thổ sông Hồng!

Con gái xứ Đông

Nguyễn Đình Vinh
Đêm thị thành chập chờn mơ vỡ giấc
Nghe ngọt ngào thương thương lắm chèo quê
Gửi chút giao duyên ngấm nguýt câu thề
Của cô gái xứ Đông níu mời nhau đó

Tháng sáu chang chang trĩu cành vải đỏ
Nhớ tiếng gọi bầy tu hú chiều nay
Nhớ tiếng ầu ơ nhớ giọt nắng gầy
Nhớ nỗi miên man tan hoàng hôn châu thổ

Bạn ở nơi nào có nhớ mùi ngô đỗ
Thơm thảo quê mình khoai, sắn, lúa, Hải Dương
Bánh gai Ninh Giang dẻo ngậy nếp đường
Nghiêng chén trà xanh nuốt vầng trăng mười sáu

Có con bướm vàng lượn ngang bờ giậu
Vấn vít tơ hồng xe chị buộc em tôi
Kĩu kịt trưa hè tiếng mẹ ru nôi
Cho nỗi vấn vương hoá thành nhung nhớ

Khản tiếng cuốc kêu, tiếng đêm ợ thở
Trĩu nặng hai đầu Hồng Hà nhắc Cửu Long
Cô gái Hải Dương chúm chím môi hồng
Vai quẩy trĩu vồng ngực đồng bằng no đủ.

THIÊN LƯƠNG
Báo Hải Dương

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *