Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Tiếng vạc chiều

Tiếng vạc chiều

Biết Hạ đã có gia đình, cô chỉ cười buồn. Nụ cười lặng lẽ, mơ hồ tan vào sóng nước. Mắt vẫn xa xăm, cô lầm bầm như nói một mình: Em là người đến muộn! Lòng Hạ xót xa. Tái tê! Hoá ra, hành trình tìm tình yêu của anh chẳng hề bằng phẳng.

Hạ ngồi bó gối sát mép nước. Chiều đang chìm chầm chậm, kéo theo màn sương bảng lảng lan khắp mặt hồ. Cả khoảng mặt nước mênh mông nhấp nhô bao hòn đảo lớn nhỏ bỗng chốc chìm xuống, tan ra trước mắt. Năm ngày rồi. Mặc màu, mặc toan, mặc những gì đang sục sôi trong gan ruột,

đôi tay Hạ vẫn không thể trải lên mặt toan những gì anh đang nung nấu. Vẫn hình khối, vẫn màu sắc, vẫn đường nét, sao như chết, như vô hồn. Lạ thật!

Ngày đầu tiên bước chân đến chốn này, Hạ đã khấp khởi. Cái vẻ tĩnh lặng đến mông lung làm anh rộn ràng. Thoát khỏi sự ồn ã của cuộc sống thường ngày anh sẽ được vùi mình vào màu, vào toan, vào tất cả những gì anh vốn say mê, ấp ủ. Anh sẽ được vẽ. Sẽ vẽ! Nhưng dường như bất lực. Có gì không ổn chăng? Hạ thật khó lý giải. Tại đôi mắt ấy chăng? Không lẽ nào…

Đôi mắt cứ chìm sâu sau cái nhìn của rất nhiều người. Đôi mắt của một chàng trai! Nhưng sao giống cái nhìn của người ấy đến thế. Mình có gì lạ à? Hạ tự hỏi – Hạ có gì khác mọi người xung quanh chăng? Không! Hạ nghiêm túc nhìn lại. Không tóc bù, răng bựa. Không nhếch nhác đến thảm hại mà cũng chẳng sang trọng đến xa lạ. Anh cũng như bao người đang có mặt tại nơi này. Vậy tại sao nhỉ?

Bỏ toan. Bỏ màu. Hạ lang thang dọc triền đê. Cỏ may xám trắng vương đầy hai ống quần, bay đậu cả trên vai áo. Anh lững thững bước. Chân vô định đưa Hạ xuống mép hồ.

Không thể lý giải được! Hạ lắc đầu một mình thừa nhận. Anh duỗi chân, nhìn đăm đắm mặt nước. Tiếng thở dài không hẹn trước chợt bật ra. Ngoài bốn mươi, trưởng phòng của một sở vai vế, một gia đình bề ngoài yên ấm… Kể ra sự nghiệp ấy cũng đáng để người ta bằng lòng… Miên man nghĩ, Hạ không nhận ra một màn sương trắng đục màu khói đã lan khắp mặt hồ. Từng đàn cò trắng chấp chới bay về. Năm, bảy con một, xếp theo hình cánh cung, cứ xấp xoã, xấp xoã có lúc tưởng sắp rơi xuống mặt nước rồi lại vòng lên, đáp xuống rặng cây xanh um phía hòn đảo trước mặt. “Chiều đấy! Cò về, vạc đi, chiều rồi”. Tiếng mẹ than thở ngày Hạ còn nhỏ lại vọng về. Bỗng Hạ nghiêng người. “Vạc, vạc”. Không lẽ Hạ nghe nhầm? “Vạc, vạc”. Không nhầm! Bay cuối cùng của đàn cò trắng xoá kia là túm lông màu xám đặc biệt của họ nhà vạc. Loài vạc vốn ăn đêm, sao con vạc này lại trở về lúc chiều tà? “Vạc, vạc, vạc…”… Hạ ngồi thẳng dậy. Đôi mắt chàng trai trẻ anh gặp hôm trước thấp thoáng, đăm đăm… Hạ chợt giật mình… Không lẽ?

Chuyện lâu lắm rồi. Với nhiều người, đó có thể coi là một câu chuyện cũ. Thậm chí quá cũ. Nhưng với Hạ, nó vẫn mới tinh khôi mặc dù anh cố tình dìm nó xuống, phớt nó đi, nhấn nó dưới bao tất bật lo toan, bon chen của cuộc sống thì nó vẫn cứ hiển hiện.

Đã có lần, rất lâu, Hạ không nghĩ đến nó. Anh những tưởng đã quên được hẳn nhưng đến một hôm, nó lại động cựa để rồi từ một góc khuất của miền ký ức thăm thẳm kia, nó lại trồi dậy, hiện hình.

Hai mươi tư – Rời giảng đường đại học, Hạ nhập ngũ. Lính thời bình, lại là “lính cậu”, chỉ qua ba tháng huấn luyện, Hạ được phân công về làm công tác tuyên huấn tại một phòng công tác chính trị cỡ quân khu. Hào hoa, lịch lãm, thêm chút hoa tay cộng với ánh nhìn thăm thẳm từ đôi mắt nâu lúc nào cũng như vô định, anh thành “điểm hẹn” của rất nhiều đối tượng. Nhưng như định mệnh, Hạ cưới Đức, chỉ sau vài tháng “tìm hiểu”. Ai cũng bất ngờ. Đức xinh gái, khéo nói, say Hạ như người nghiện say thuốc lào. Nhiều tiếng xì xầm “Đức giỏi thật, hoa già hơn bướm… Vớ được con bướm rõ hào hoa”. Nhưng ai xì xầm nổi ba năm, những tưởng cuộc đời Hạ thế là hạnh phúc. Một xe đạp lắp giữa thời buổi người ta chỉ đi bộ, hai vợ chồng cùng cơ quan, vợ khéo léo, biết kiếm thêm, lại được lòng thủ trưởng, đôi chim cu ríu rít bay vào cuộc sống. Đứa con trai đầu lòng ra đời. Hạnh phúc quá vẹn tròn.

Rồi cuối thời bao cấp, đầu thời mở cửa, cuộc sống mở ra với biết bao khó nhọc, nặng nề. Cơm áo, gạo tiền chất lên đầu như đá tảng. Niềm say mê Hạ của Đức một thời thoắt chốc biến thành sữa cho con, gạo, rau, củi mắm cho mấy miệng ăn. Những lời oán thán như vô tình mà cay nghiệt: “Tưởng tài ba, ai ngờ chỉ được cái mã…”, “Chồng người thì khôn nhờ, làm ăn ầm ầm… đằng này tứ đời dồn hết lên vai vợ….”. Mắt Hạ vằn lên. “Ông Hạ lấy bà Đức để dựa vào uy bố bà ấy thôi, không thì đời nào. Vợ hơn tuổi chồng như nhà hướng tây, có mà… Quanh năm mát, anh Hạ nhỉ”. Giọng mấy cô phải giương mắt nhìn Đức cưới Hạ một thời, lanh lảnh. Ngực Hạ nghẹn lại. Không thể… Thằng Hoài nhìn Hạ toét miệng cười. Giọt đắng ngấm vào trong, khuôn mặt Đức loãng ra. Hạ nhìn khắp gian phòng như nhìn vào khoảng không vô định. Anh tập quen. Có mà như không có, nói mà như không nói. Thằng Hoài lớn dần. Hạ thành người lạnh lùng như một tảng băng trôi. Lừ lừ đi làm, lừ lừ ăn cơm… Vợ chồng không cãi cọ, không sứt mẻ. Ai cũng khen gia đình họ hạnh phúc!

Nhưng! Lại là cái chữ “nhưng” chết tiệt. Nhưng cái chút tài hoa lại cứ như bùa mê ngấm vào mạch máu Hạ. Nó hành anh nhưng cũng đem đến cho anh niềm an ủi những lúc anh muốn quên hiện tại. Anh lao vào nó. Vừa kiếm tiền, vừa gửi gắm. Nỗi lòng trải ra. Nào đâu phải ai cũng hiểu?

Rồi như trời đầy, khi cái thói quen một mình lang thang dọc bờ sông vắng trở thành nhu cầu không thể thiếu sau mỗi buổi làm việc lại sinh chuyện với anh. Một trong những buổi chiều như thế, anh gặp cô. Gương mặt không đẹp, thậm chí khó coi. Cũng lạnh lùng, dửng dưng, cũng khô cứng như một hòn đá tảng. Cô ngồi bó gối sát mép nước, mắt dõi xa, u tịch, chẳng thèm biết có người đang nhìn mình. Cô cùng đi tập huấn với anh – Một nghị quyết gì đó – mãi mấy ngày sau, Hạ mới biết điều này khi chiều nào cũng gặp cô ngoài mép nước. Anh thoáng khó chịu – đàn bà gì mà vô tâm, có người đến trước mặt cũng không thèm hiếng mắt. Kệ. Hai người, hai thế giới, chẳng ảnh hưởng gì tới nhau. Cô ta có thế giới riêng của cô ta. Còn Hạ, anh có điểm nhấn riêng của mình.

Hạ nhíu mày. Cuộc điện thoại của người bạn nói tình hình trong cơ quan khiến Hạ khó chịu. Tại sao người ta lại có thể nói về Hạ như thế nhất là lúc anh đang không có mặt tại cơ quan? Bực bội, Hạ co chân. Viên đá trước mũi giầy của anh bật tung lên, rơi bộp vào cái lưng thon đang ngồi phía trước.

– Tôi xin lỗi – Hạ bối rối. Người ấy ngẩng lên. Cô ta đã định im lặng quay đi, nhận ra Hạ, lại lạnh lùng quay lại:

– Không sao đâu. Anh chẳng cần xin lỗi làm gì.

Vẻ lạnh lùng ấy trêu tức Hạ. “Không khéo cô ta nghĩ mình cố tình, ai thèm cơ chứ. Đã thế thì,….” Hạ tiến lại gần, giọng lạnh băng:

– Thật lòng tôi không cố ý, mong cô hiểu…

– Tôi đã nói rồi, không có gì… Cô ta vẫn không quay đầu lại, mắt vẫn dõi ra xa. Chợt cô ta đứng lên. Từ lùm cây trước mặt, đàn vạc bay túa ra. Chúng bắt đầu vào bữa kiếm ăn mới. Cô ta nhìn hút theo những đốm xám rồi lững thững quay về, coi như không có Hạ đang ở đó.

Hạ lắc đầu. Anh nhìn ra mặt hồ. Nước đã thành màu sữa đục lẫn vào màn sương. Sau buổi chiều ấy, họ như hai đầu của thanh nam châm. Hút mạnh, tan hoà. Không ai muốn tìm lời lý giải: Tại sao họ yêu nhau?

Hạ yêu. Cuống quýt, hờn ghen. Lúc ấy anh mới hiểu thế nào là tình yêu đích thực. Hoá ra, trước đây anh cưới Đức hoàn toàn không phải vì tình yêu mà chỉ vì một lý do na ná mà anh tưởng thế. Hay anh được Đức chăm sóc, săn đón quá nhiều. Từ lúc yêu cho đến lúc cưới, Hạ chưa một lần hờn ghen. Và hình như Hạ cũng chẳng ngỏ lời yêu với Đức lần nào… Không hẳn. Thật khó lý giải!

Biết Hạ đã có gia đình, cô chỉ cười buồn. Nụ cười lặng lẽ, mơ hồ tan vào sóng nước. Mắt vẫn xa xăm, cô lầm bầm như nói một mình: Em là người đến muộn! Lòng Hạ xót xa. Tái tê! Hoá ra, hành trình tìm tình yêu của anh chẳng hề bằng phẳng.

Họ gặp nhau. Thảng thốt và vội vã. Họ sống cho nhau. Cuống quýt! Tội lỗi ư? Mỗi lần sống cạn mình, họ lại chìm vào cảm giác ấy. Rồi lại tự ru mình. Không! Không hề! Đấy không là tội lỗi!

Hai mươi năm rồi! Hôm nay, Hạ lại giật mình bởi đôi mắt ấy. Đôi mắt đã ám ảnh anh suốt một đời trai trẻ. Và đã tưởng quên, ngỡ quên. Không ngờ hôm nay lại ùa về…

Gần một năm sau, vợ Hạ biết chuyện. Một phần lỗi do Hạ. Anh đã gắng, đã cố. Dù biết cần phải thế. Anh vẫn là người cha tốt, nhưng người chồng thì… Khoảng cách băng giá ngày một lạnh thêm. Hạ về nhà, ngoài những câu giao tiếp thường nhật, anh như cái bóng. Thẫn thờ, hư vô. Nhưng cũng không thể chia tay, không thể làm gì khác. Anh ở nhà ít hơn. Anh muốn ở gần cô. Dẫu chỉ ngồi bên nhau im lặng, dẫu chỉ để ngắm đôi mắt cô buồn buồn nhìn vào xa xăm. Họ cứ ngồi như thể cảm nhận từng nhịp đập, từng hơi thở của nhau. Cho mãi đến khi mất cô, Hạ mới tỉnh ngộ. Nhiều lúc Hạ tự trách mình. Giá anh cứ làm tốt vai trò người chồng, biết đâu, anh giữ cô lại được. Nhưng anh lại không thể sống dối lòng, không thể cứ làm cái việc mà chỉ có tình yêu mới có thể cắt nghĩa được tại sao. Cũng có lúc Hạ tự xỉ vả mình là đồ hèn nhát, thằng khốn nạn… Yêu mà không dám thừa nhận, yêu mà không dám sống là mình, yêu mà chẳng dám lựa chọn. Rồi anh lại đổ lỗi tất cả cho định mệnh – cách đổ lỗi dễ nhất nhưng cũng chẳng làm vơi mặc cảm tội lỗi trong anh.

Sau buổi chiều đứng chắn trước mặt Hạ, đối diện với Đức để nhận hết lỗi về mình, cô ra đi. Mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác, đúng là chẳng còn gì níu kéo cô ở lại mảnh đất này. Hạ đã lại đến muộn. Anh đến khi chuyến phà cuối cùng cập bờ bên kia. Xuôi ngược mãi mới nhờ được người chèo chiếc thuyền nan. Bập bềnh giữa dòng sông ngầu bọt, đoàn người sang sông trên chuyến phà trước đó chỉ còn trong ký ức những người trên bến nước. Cô đi về hướng nào? Hạ đã ngược xuôi lao vào tất cả các ngả đường bắt đầu từ bến nước. Anh chạy và gọi như người hoá dại. Đáp trả lại anh chỉ có im lặng của đêm, tiếng thở than của gió và đôi ba ánh nhìn thương hại của những kẻ qua đường. Hạ mất cô từ chiều ấy. Hai mươi năm rồi!

Chuỗi ngày sau với anh thật tồi tệ. Anh sống vật vờ như một bóng ma. Giằng xé là cảm giác tội lỗi. Bao bọc trong anh là cảm giác trầm lặng. Rồi anh thu mình như vỏ ốc. Anh tồn tại giữa đời với trái tim băng giá và mặc cảm tội lỗi đầy mình. Anh lao vào màu, vào toan. Đường nét, hình khối hiện hình rồi lại mất. Anh tham gia tất cả các chuyến đi. Vừa để trốn chạy, vừa để truy tìm. Trốn chạy điều gì, Hạ biết. Truy tìm điều gì? Hạ biết! Đến lúc tưởng như mất hết, tưởng như không còn hy vọng gì nữa, ánh mắt ấy lại ùa về!

– Này! Anh bạn! Hạ bật lên tiếng gọi không định trước khi nhìn thấy chàng trai ngồi ngoài bến nước. Trời ơi, dáng ngồi. Chỉ khác, người ấy bất động, còn chàng trai? Anh ta đang chơi trò ném thia lia. Những viên sỏi văng ra khỏi tay cậu nhảy chồm chồm trên mặt nước, vẽ theo những vòng tròn sóng khỏa lấp lên nhau.

– Chú gọi cháu ạ? Khi Hạ cất tiếng lần thứ hai, cậu ta mới quay đầu lại, ngượng nghịu hỏi.

– Có tớ với cậu đang ở chốn này, không lẽ tớ gọi đàn cò đang chấp chới trên kia?… Hạ nheo mắt cười. Cậu thanh niên cười theo. Khấp khởi! Hạ mừng thầm. Chí ít anh cũng gợi được mối thân thiện ban đầu với chàng trai. Không biết vì lý do gì, Hạ rất muốn làm thân với cậu thanh niên ấy. Dường như cậu ta tạo cho anh cái cảm giác tìm lại được những gì anh đã mất.

Cuộc trò chuyện bên bến nước với chàng trai trẻ tạo cảm hứng cho Hạ rất nhiều. Màu sắc và hình khối đêm ấy cứ tuôn trào trên tấm toan trắng. Vẫn là cái không gian mênh mông của mặt nước, vẫn là cái tĩnh lặng của hồ chiều nhưng ẩn sâu thấp thoáng dưới tấm toan là dáng hình của đôi mắt ấy. Không hẳn đẹp nhưng ai vô tình hay cố ý chạm vào bức họa ấy đều bị ám ảnh. Chỉ một đêm, đôi mắt Hạ trũng sâu, má hóp lại, gò má nhô lên, râu ria tua tủa. Tang tảng sáng, Hạ ghi ký hiệu của riêng mình dưới bức vẽ. Mặc nguyên bộ quần áo lấm lem màu, keo, Hạ nằm vắt ngang giường. Anh chìm vào giấc ngủ. Nhìn anh, người ta ngỡ anh chưa bao giờ có một giấc ngủ sâu và bình thản đến như thế. Đôi mắt Hạ khép chặt, hơi thở đều đều, trên môi vương vấn nụ cười. Nhưng lạ chưa, khoé mắt anh lại vương đầy những giọt nước mắt.

Chia tay. Khi Hạ hỏi anh thanh niên kia muốn tặng gì, cậu ta chỉ cười. Đôi mắt buồn của cậu lại dõi ra xa. Hạ nhìn chàng trai rồi nhìn bức vẽ. Mặt nước hồ trong bức tranh bỗng nhoà đi. Cậu thanh niên mỉm cười. Hạ biết, dầu chưa nói thành lời. Anh đã tìm lại được, ít nhất cũng là một góc cái quãng đời xa xưa ấy. Hy vọng bức tranh ấy sẽ là tín hiệu đầu tiên. “Vạc, vạc, vạc”… Tiếng vạc reo vui khi nhập lại đàn.

 

 

Tác giả: Trương Thị Thương Huyền

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *