Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Miền hát ru

Miền hát ru

Bà cụ Ba ốm mệt – Đề tài mới nhất trong các câu chuyện dưới gốc đa, quanh ấm nước vối hay bên chiếc điếu cày của người dân làng Vân mấy hôm nay. Chuyện người già đau ốm đâu có phải là chuyện lớn lao gì trong câu chuyện phiếm của những người nhàn rỗi.

ấy thế mà chuyện cụ Ba ốm mệt lại được người ta rỉ tai nhau xem như bản tin thời sự nóng hổi nhất trong làng. Xét cho cùng, chẳng chuyện gì không có lí do. Nhưng chuyện nhà bà cụ Ba, cứ theo lời mụ Di – thông tấn xã vỉa hè của làng, chung quy cũng chỉ tại hoàn cảnh nhà cụ quá khác người.

Bà cụ góa chồng quá sớm, từ khi mới ngoài hai mươi, thế mà ở vậy nuôi bốn anh con trai thành đạt… Bốn người con cụ Ba – bốn anh em ruột thịt nhưng lại như mấy khoảng trời. Một người là tiến sĩ, hai người là giám đốc, còn một anh lại thuộc diện đầu bò đầu biếu trong làng vừa phải ở tù mấy năm… Mọi chuyện chưa ngã ngũ… Bà cụ Ba vẫn nằm trên bệnh viện tỉnh và người làng Vân vẫn rỉ tai nhau, bàn tán về chuyện nhà cụ…
Góa chồng từ năm hai nhăm, bà cụ Ba ở vậy nuôi một bầy bốn người con trai nghịch như quỷ sứ. Người xưa nói: “Tam nam bất phú”, nhà cụ có những tứ nam, vậy mà vẫn bất phú như thường. Bất phú bởi mẹ góa con côi, một mình cụ xoay sở nuôi bốn anh con trai ăn học. Suốt quãng đời tuổi trẻ rồi đến lúc trung niên, dường như người làng Vân chưa khi nào thấy ống quần cụ Ba buông chùng quá bắp chân và chiếc khăn thâm chưa khi nào rời khỏi đầu bà cụ. Người ta đi làm chỉ mang theo chiếc cuốc, đôi quang, hay vác chiếc cày, bà cụ Ba lúc còn khỏe đi làm thường đeo bên mình lỉnh kỉnh không biết bao nhiêu thứ. Cái cuốc đi kèm đôi quang gánh hoặc chiếc cày đi cùng cái gầu sòng. Trời lờ mờ sáng, đã thấy bà cụ thấp thoáng bên con ngòi tát nước ruộng, Nhập nhoạng tối vẫn thấy cụ lúi húi bên bờ mương bắt thêm mấy xóc cua. Giàn bếp nhà cụ treo lủng lẳng đủ loại gói bọc.. nào là cá, tôm, tép cùng su hào, củ cải phơi khô… Ngoài hiên cơ man không biết bao nhiêu loại chai, lọ, hũ, vịm sành. Cái thì đựng nước cua, cái đựng nước cáy, cái đựng tương… Chuyện đi chợ mua thức ăn ở nhà bà cụ Ba luôn là chuyện lạ. Cụ chỉ mua những thứ thật cần thiết mà bàn tay cụ không thể tự làm ra như liềm hái cày cuốc… hay những loại nông cụ bằng sắt khác. Cứ thế, bốn anh con trai của cụ lớn lên, phổng phao như những cái cây được chăm tưới bón. Bốn anh con trai, lớn lên bằng tép khô, rau muống, nước cua mà anh nào học cũng giỏi. Người nọ tiếp nối người kia, ba anh đầu học hết phổ thông rồi vào đại học, chỉ có anh con út học hết phổ thông lại nhất quyết ở nhà, xin đấu thầu chiếc đầm bỏ hoang của hợp tác xã. Khi tấm lưng của cụ Ba cong như chiếc lưỡi liềm thì ba người con đầu thành đạt. Hai anh là giám đốc, một anh là tiến sĩ đang công tác tại nước ngoài… Chỉ có anh con út… Chẳng biết đầm phá, cá mú thế nào, đám người chuyên sống bằng nghề đánh lưới, riu tép bảo anh ta chiếm mất chỗ kiếm cơm nên tìm cách thả thuốc sâu phá hoại. Vài bận cá chết nổi trắng mặt nước, anh ta hận mà chẳng biết làm gì bèn ròng xuống đầm một đường dây điện. Một người chết. Anh con út cụ Ba ra toà. Ba anh lớn xúm vào bàn cách chạy vạy, xin xỏ… Anh út lắc đầu: “Tôi làm tôi chịu, chẳng qua tôi sơ ý, chúng nó phá của tôi nhiều… Phải có thằng chết chúng mới chừa đi. Các anh không cần chạy vạy….” Ba năm tù… Anh con út cụ ra tù mấy năm nay. Giờ đã lấy vợ, yên ổn làm ăn trên cái đầm thuê lại của người bạn. Kể ra với hoàn cảnh ấy, giờ đây bà cụ Ba cũng tạm gọi là thanh thản.
Bà cụ năm nay đã sắp tám mươi. Chân tay run rẩy lắm. Mưa gió, bão táp ngần ấy năm vất vả giờ mới ngấm vào da thịt cụ. Lớp da nhăn nheo, đầy vết đồi mồi đang ngày một khô quắt lại. Đầu gối lủng củng, rặt những xương là xương, cứ trở trời lại nhức buốt. Được cái mắt cụ còn tinh. Anh con cả ở nước ngoài. Hai anh là giám đốc lấy vợ có nhà trên tỉnh muốn đón cụ ra ở nhưng cụ không chịu. “Thằng út, cấn cơm cấn sữa. Nó ở đâu, u ở đấy”, cụ Ba đã dứt khoát với các con như vậy. Anh út quen ngổ ngáo, có cụ ở kề chắc cũng bớt đi…
Anh con út đã cấm không được động chạm vào việc gì nhưng thương cô con dâu vất vả, lấy phải thằng con “giời đánh” của mình, cụ vẫn tìm cách đỡ đần. Lúc nắm lá, lúc mớ rau, cụ lẩn mẩn ra vườn hái đỡ con cháu. Mới đầu hôm, ra vườn hái rau, loạng quạng thế nào, cụ trượt chân quăng mình xuống. May mà không việc gì. Dậy được, cụ lần lần vào thềm ngồi nắn nắn hai đầu gối, không dám nói câu nào về chuyện bị ngã với đứa nào. Thế mà nửa đêm, cụ cứ thấy lẩm nhẩm đau bụng. Lọ dầu cù là con bé mua cho đã xoa mấy lần mà vẫn không đỡ. Càng về sáng bụng càng đau dữ, cụ đành phải gọi cô con dâu. Chị chạy ra trạm xã tìm anh y tá. Thuốc uống rồi mà bệnh không giảm, bệnh xá đành viết giấy cho cụ đi viện.
Bà cụ Ba nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Người khô đét, mỏng dính như tờ giấy trên chiếc ga trải giường trắng toát. Đôi tay như hai cây sậy khô giang ra hai bên đón nhận những giọt huyết thanh và máu đang đều đều nhỏ xuống. Đôi mắt bà cụ nhắm nghiền. Đôi môi trắng bệch. Nhìn cảnh ấy, không ai dám chắc cụ còn kéo dài sự sống được bao lâu. Cô con dâu út ngồi bệt xuống nền nhà bên giường cụ. Cặp mắt đỏ khé của người thức đêm nhìn lơ láo vào hai bộ dây truyền đang nhỏ tí tách .
Ngoài hành lang, ba anh con trai bà cụ Ba đang quây tròn trên chiếc ghế giành cho người nhà bệnh nhân. Ngay lúc đưa cụ đi viện, anh con trai út đã gọi điện thông báo. Vậy mà mãi tối mịt, cả hai anh con trai làm giám đốc của cụ mới về tới nơi. Họ chẳng đi đâu xa nhưng đang bận công việc gì đó với bạn hàng nên bây giờ mới chạy đến được. Mọi thủ tục nhập viện cho cụ, anh con út đã lo hết. Họ đang chụm đầu vào nhau để quyết định xem nên giải quyết công việc ra sao. Bệnh tình của cụ Ba xem ra lành ít dữ nhiều. Xuất huyết dạ dầy, không mổ cấp cứu ngay là hỏng. Người bác sĩ trưởng khoa đã nói vậy ngay từ lúc chuyển cụ vào phòng cấp cứu. Mấy đơn vị máu đã truyền rồi. Nhưng cái dạ dầy của cụ Ba cứ như cái thùng không đáy, máu truyền vào lại chảy ra… Chỉ còn cách mổ. Anh con cả đang ở Pháp điện về:
“Mọi chuyện ở nhà, các chú cứ lo liệu, tất cả các khoản chi phí anh lo”
“Mẹ kiếp – Anh con út lầm bầm – Các chú tự lo liệu, chi phí anh lo. Tiền thì làm được nhiều việc nhưng có việc tiền có lo được chó đâu. Mẹ ốm thế này, không về ngay lại còn…Thôi. Coi như không có anh cả”
“Anh Cả không có nhà, anh hai thay mặt mấy anh em kí vào biên bản để bệnh viện mổ cho mẹ…” – Anh con trai thứ ba lên tiếng.
“Anh Cả không có nhà, mấy anh em ta, ai kí mà chẳng được, cứ gì cứ phải tôi…” – Anh con trai thứ hai giẫy nảy như giẫm phải đống than hồng.
“Không mổ xẻ gì cả – Anh con út từ nãy tới giờ vẫn đứng ngoài, hai tay chống nạnh nghe mấy ông anh bàn bạc, nhảy bổ vào hét tướng lên – Không mổ xẻ gì hết. Mẹ năm nay cũng gần tám mươi rồi. Đến tuổi thì phải đi nghĩa vụ quân sự chứ trốn tránh gì. Tám mươi… Thế cũng là nhiều. Tôi không cần ngươì nào kí cả. Cứ để mẹ đấy. Khi nào chết, tôi đem về làm ma…”
“Chú… Giờ này mà chú còn đùa được à?” – Người con trai thứ hai quay lại.
“Tôi không nói đùa đâu… Tôi không đồng ý cho mổ. Ai kí đơn đồng ý mổ mà mẹ chết đừng trách tôi không nói trước. Cứ để mẹ nằm viện, qua khỏi đận này, tôi rước về nuôi, nếu chết, tôi rước về làm ma…”
Anh con trai út khăng khăng không đồng ý. Hai người con trai làm giám đốc của bà cụ quen chỉ đạo cho người khác thực hiện mệnh lệnh, đưa mắt nhìn nhau. Người em trai vẫn phản đối quyết liệt. Không biết làm thế nào, họ đành cậy nhờ bác sĩ. Nhưng bác sĩ nào dám quyết mổ nếu người nhà bệnh nhân không đồng ý?
Bà cụ Ba lại thều thào đòi đi vệ sinh, máu chảy ra, đỏ lênh láng ở đáy chiếc bô men.
Cô con dâu út từ nãy vẫn ngồi im trên nền nhà, bên cạnh giường cụ bà nghe lỏm câu chuyện của ba người con trai. Ba nàng dâu còn lại của cụ bận công việc chưa ra được. Họ đã có lời nhờ thím út vốn quen tính bà chăm sóc giúp. Cánh cửa phòng bệnh đóng chặt, lại là khu vực cấp cứu nên câu chuyện giữa họ cô chỉ nghe tiếng được, tiếng mất. Chỉ đến lúc, anh con trai út hét lên ngoài hành lang không đồng ý cho mổ, cô mới nghe rõ. Thương mẹ, nhưng phận làm dâu, cô có được bàn soạn gì đâu. Đã mấy đêm cô thức trắng chăm sóc mẹ. Nghe chồng thét lên, cô hé cửa bước ra ngoài. Nhìn hai ông anh loay hoay, bất lực trước thói ương ngạnh của thằng em út, cô đến gần, điềm tĩnh:
“Không ai kí để mổ cho mẹ thì tôi kí”.
Sáu con mắt trợn tròn nhìn cô. Hai ông anh trai như không tin vào tai mình. Còn người con trai út – chồng cô – nhìn cô như nhìn người từ hỏa tinh vừa rơi xuống:
“Cô nói cái gì? Cô kí?”
“Đúng. Không ai kí thì tôi kí. Dâu con, rể khách. Tôi là con dâu, tôi có quyền. Còn nước còn tát… Nếu không may mẹ có mệnh hệ nào, tôi cũng không ân hận vì giá như đã đồng ý mổ cho mẹ. Bệnh này chỉ còn cách mổ, các anh không đồng ý, không ai chịu kí khác gì ngồi nhìn mẹ chết dần. Xem ra công mẹ bấy nhiêu năm…” – Người con dâu út không nói hết câu. Cô xăm xăm đi vào phòng trực của bác sĩ.
Một lát sau, thủ tục mổ cho bệnh nhân Ba – Bà già gần tám mươi tuổi bắt đầu. Ba anh con trai vật vờ ngoài cửa phòng mổ. Cô con dâu út lặng lẽ ngồi một mình trên chiếc ghế băng, đôi mắt nhắm nghiền. Không ai biết cô đang nghĩ gì. Thường ngày, người làng Vân vẫn thấy cô sợ anh chồng cục cằn kia một phép.
Ca mổ kết thúc lúc một giờ đêm. Bà cụ Ba được chuyển vào khoa hồi sức cấp cứu. Hai anh con trai làm giám đốc của cụ đang ngáy ngon lành trên hai chiếc ghế băng dài của bệnh viện ghép lại. Chỉ có vợ chồng anh con út ngồi lặng lẽ bên giường cụ. Thấp thoáng bóng blu trắng vào ra.
Bốn giờ sáng, người con dâu móc túi áo đưa cho chồng chùm chìa khóa:
– Anh về qua nhà xem con cái thế nào. Gửi hết chúng nó sang bà ngoại. Xem nhờ ai trông họ đầm cá rồi ngủ đi một tí. Chắc mẹ chưa tỉnh ngay đâu. Ở lại cả đây, cũng không biết làm gì, thay phiên nhau mà trông mẹ.
Anh chồng nhìn vào đôi mắt quầng thâm, đỏ khé của người vợ rồi lặng lẽ cầm chùm chìa khóa bước ra ngoài. Chính anh cũng chưa hiểu cô vợ nhu mì của mình hàng ngày vừa biến đi đâu. Qua chỗ hai người anh lớn, anh con trai út định đánh thức hai người dậy. Ngập ngừng một thoáng, anh lặng lẽ bước qua.
***
Bà cụ Ba đã tỉnh táo. Cụ đã ăn được chút nước cháo loãng. Không phải nằm ở phòng cấp cứu của khoa hồi sức nữa, cụ được chuyển lên khoa ngoại. Xem ra cụ nhớ nhà lắm rồi. Không biết mấy đứa cháu có biết bảo nhau chăm đàn gà vừa xuống ổ hay không? Ang nước gạo không chịu đậy, không khéo mấy con gà con sa vào đấy là chết. Hỏng ổ gà thì tiền đóng học đầu năm lại khó kiếm đấy. Bà cụ thở dài bảo với cô con dâu út.
“Con đã dặn các cháu rồi. Bà không phải lo.”
“Bà cứ hay lằng nhằng. Vào viện còn gà với qué – Anh con trai út càu nhàu- Mấy hôm nọ thì đến người cũng còn chả biết có giữ được không nữa là gà…”
Chẳng biết có phải bà cụ không nghe thấy hay không thèm nói với anh con út mà chẳng thấy cụ đáp lời. Bưng bát cháo đến bên mẹ, anh ta khẩn khoản, giọng vẫn oang oang:
“Nào, bà ăn cháo đi cho nóng. Con hâm lại rồi đấy. Gớm, cái bếp của viện làm kiểu gì mà khói toét cả mắt. Nếu ở nhà mình, con đập từ lâu rồi”
“Tôi đã điếc đâu mà anh cứ thét bên tai thế. Cứ để đấy, chốc tôi ăn…” Bà cụ giận dỗi.
“Ơ hay…” – Anh ta trừng mắt, nhưng bà cụ đã quay mặt vào phía trong tường.
Người con trai út hậm hực bỏ ra ngoài. Vừa đi anh ta vừa lẩm bẩm:
“Khó tính như ma, ai mà chiều được”.
Chạy ra chỗ vợ đang giặt quần áo ngoài giếng viện, anh ta vung tay:
“Vào ép bà ăn hết bát cháo đi. Đang yên đang lành thì dỗi. Để đấy tôi giặt nốt kẻo cháo lại nguội”.
Cô con dâu út te tái chạy vào. Vừa xúc cháo cho mẹ ăn, cô vừa cười:
“Bà đẻ ra anh ấy, bà còn lạ gì. Tính cứ như hổ lửa. Nhưng nhà con thương bà lắm. Hôm bác sĩ bảo mổ, anh ấy chỉ sợ bà yếu chết trên bàn mổ thì khổ nên nhất quyết không đồng ý. Anh ấy cứ bảo, bà yếu thế này, đằng nào cũng chết, chẳng thà không động dao kéo vào người… Đỡ đau chút nào tốt chút ấy…”
“Thế cá mú, đồng áng, vợ chồng chị bỏ hết à? Còn bọn trẻ con?”
“Nhà con đã nhờ anh em nội ngoại hết rồi. Với lại sáng nào anh ấy cũng đạp về, tối lại đạp lên cùng con trông bà. Anh ấy chỉ sợ lỡ có chuyện gì xảy ra mình con không xoay sở kịp…”
“Sao nó không bảo thằng hai đưa cho cái xe máy mà đi cho nhanh. Nhà nó còn cái xe để không đấy thôi. Từ đây về nhà mấy chục cây số, ngày nào cũng đạp đi đạp về, không khéo ốm thì ai lo?”
“Thôi bà nằm xuống cho đỡ mệt. Con đi rửa cái bát”.
Cô con dâu út đỡ bà cụ Ba nằm xuống rồi bước ra ngoài. Không phải cô không nghe thấy câu nói của cụ nhưng…
Bà cụ Ba mổ đã được gần chục ngày. Vết mổ đã ổn hơn. Hàng ngày, cô con dâu dìu cụ lần lần mép giường tập đi cho đỡ dính ruột. Cụ bước loạng choạng, đôi chân run rẩy như chân người đi mượn. Được vài bước, mồ hôi cụ vã ra. Hai mẹ con ngồi nghỉ. Bưng cốc nước cho cụ nhấp một chút đỡ khô cổ, cô con dâu út ngập ngừng:
“Hôm qua, lúc bà ngủ, bác hai, bác ba có vào thăm bà. Hai bác ấy bảo hôm nay sẽ trông bà một buổi. Nếu chốc hai bác có vào, con nhảo về qua nhà xem thế nào rồi tối con lại lên, bà xem có được không? Mấy lại, phải dặn các cháu nom đến ổ gà cho bà, kẻo chúng lại vứt vạ.”
Bà cụ Ba im lặng không nói gì. Cô con dâu út tưởng cụ chưa nghe rõ, định nhắc thì cụ đưa tay ngăn lại:
“Tôi nghe thấy rồi. Chị cứ về qua xem nhà cửa, trẻ mỏ chúng nó thế nào. Ở đây hàng chục hôm rồi còn gì. Chuyện các chị kia đến trông tôi, cứ để các anh, các chị ấy muốn làm thế nào thì làm. Mấy hôm rồi, lúc đảo qua, anh hai, anh ba cũng đã nói. Tôi đã bảo không phải lo, các anh các chị ấy bận việc cứ đi làm, đã có vợ chồng thằng út…”
“Bà đừng nói thế. Chẳng qua các bác ấy quá bận, lại giờ giấc gò bó, không như nhà nông chúng con…”
“Ờ…” – Bà cụ Ba còn định nói thêm gì nữa thì hai cô con dâu lớn bước vào, tay ôm một bọc chăn gối.
“Thím út về nghỉ đi. Hôm nay hai chị trông bà”. Cô con dâu thứ hai vừa nói vừa gấp gọn chiếc chăn chiên trên giường cụ Ba lại:
“Để con thay cho mẹ chiếc chăn Hàn Quốc cho thơm tho. Cái chăn cũ này bỏ đi được rồi. Ai lại để mẹ đắp cái chăn này, chốc nữa mọi người vào thăm lại bảo con cái không quan tâm.”
” Thôi thế hai bác trông bà nhá” – Cô con dâu út cắp nón, te tái bước ra – “Bà ở đây với hai bác, con về nhà xem thế nào”.
Cô vừa bước ra ngoài hành lang, người con dâu thứ ba đã chạy theo níu lại:
“Tối, thím cố gắng lại lên trông bà hộ các chị. Tối này, chị phải đi dự sinh nhật con đứa bạn, còn bác hai đang bị tiền đình, không thể thức đêm được…”
“Vâng, chị không nhắc thì tối em cũng lên”.
***
Suốt từ lúc cô con dâu út về đến giờ, cụ Ba mệt quá. Không biết bao nhiêu người lũ lượt rồng rắn vào thăm. Toàn những bà, những cô quần là áo lượt cứ như văn công, đeo đầy những nhẫn với dây chuyền, xách vào cơ man nào là xoài, cam, đường sữa. Ai cũng hỏi thăm ríu rít làm cụ nhức hết cả đầu. Họ là bạn làm ăn, là cấp dưới, là chỗ quen biết với con trai con dâu thứ hai, thứ ba của cụ. Người nào lúc ra về cũng tìm cách giúi bằng được chiếc phong bì vào tay cụ để cụ bồi dưỡng. Lúc đầu cụ Ba còn trả lời tất cả những câu hỏi, về sau, thấy hai cô con dâu đon đả trả lời thay nên cụ lặng im. Họ trả lời vanh vách, cứ như từng giờ từng phút họ săn sóc bên cụ không bằng. Hai con dâu ngồi hai bên cụ, người thì xoa lưng, người thì bưng cốc sữa, luôn mồm liến thoắng: Mẹ em… mẹ em… Ai vào thăm cũng khen cụ có hai cô con dâu đẹp người tốt nết, chăm mẹ chồng chẳng khác gì mẹ đẻ.
***
Rồi bà cụ Ba cũng thoát khỏi sự hành hạ của đám người thăm nom chu đáo kia. Chiều. Tiếng muỗi bắt đầu vo ve. Bây giờ cụ mới nhớ ra cả ngày nay mình chưa ăn gì. Cốc sữa cô con dâu cầm cho phải phép chứ cụ đã uống hớp nào đâu. Buổi trưa càng đông người vào thăm nên không thấy hai cô con dâu nhắc gì đến chuyện cơm cháo cho cụ. Bây giờ họ còn đang mải sắp xếp những chiếc phong bì… “để chúng con còn biết mà đi trả nợ”. Họ nói thế nhưng cụ cũng chẳng cần nghe. Mặc xác họ với những chiếc phong bì. Giờ cụ chỉ mong nhìn thấy bóng dáng vợ chồng người con trai út…
Chiếc đèn tuýp trên tường hắt chùm sáng nhờ nhờ xuống căn phòng. Cụ Ba nằm trên chiếc giường bệnh, quay mặt vào trong. Hai cô con dâu kéo nhau ra ngoài hành lang, thì thầm tính toán. Họ đi ra rồi lại đi vào, bồn chồn… Mãi không thấy vợ chồng chú út lên như đã hẹn. Sốt ruột, cô con dâu thứ ba chạy ra cổng ngóng.
Gẫn bảy giờ tối, vợ chồng người con trai út mới lập cập lên tới nơi. Mặt họ nhem nhuốc vết dầu luyn. Cô con dâu thứ hai vừa thấy họ đã sa sầm mặt:
“Đã dặn chú thím thế rồi, sao còn lên muộn thế. Nhỡ hết cả việc của chúng tôi rồi”.
“Vợ chồng em cũng đã đi sớm. Ai ngờ, giữa đường cái xe giở chứng, tuột xích liên tục…” – Cô em dâu út phân bua.
“Thím thì…” – Cô con dâu thứ hai định nói thêm gì nhưng nhìn thấy đôi mắt vằn đỏ của người em trai út nên vội vàng kéo người con dâu thứ ba vào nhà gửi xe. Vừa đi cô ta vừa ngoái lại:
“Bà đang nằm một mình trên phòng. Nhờ chú thím nói hộ, chúng tôi vội có việc nhé…” rồi quay sang cô con dâu thứ ba: “Người đâu mà mắt cứ trợn trụa, long sòng sọc. Trông đến ghê. Nhanh về, tao tắm rửa một cái. Mùi bệnh viện ám vào người không khéo ốm lây…”
Vợ chồng anh con trai út sấp ngửa lao vào phòng. Trên giường, bà cụ Ba nằm thiêm thiếp. Hoảng hốt, họ nâng cụ dậy. Vừa lóng ngóng pha sữa, anh con trai vừa càu nhàu:
“Đã bảo họ nói thế nào kệ họ, cứ ở lại trông mẹ lại không nghe. Lần này, bà mà làm sao thì tao giết…”
Cô vợ không nói gì. Cầm cốc sữa chồng đưa, cô nhẹ nhàng ghé chiếc muỗng sát miệng bà cụ:
“Bà uống tạm chút sữa … Đợi nhà con hâm lại cháo. Đem từ nhà lên nguội mất rồi.”
Bà cụ Ba tỉnh dần. Suýt nữa thì cụ đói lả. Bát cháo nóng anh con trai cho ăn khiến cụ hồi sức lại. Nhìn đống cam xoài để đầy trên mặt chiếc tủ thuốc, bà cụ thều thào bảo cô con dâu út:
“Mẹ nó lấy hai chiếc túi to, cho tất cả vào đấy cho tôi.”
Cô con dâu út lẳng lặng làm theo.
Chiều hôm sau, hai người con trai vào thăm mẹ. Lúc về, bà cụ đưa hai túi hoa quả cho hai người lái xe, nhờ họ đem về nhà cho hai cô con dâu của cụ. Hai người con trai tần ngần nhìn nhau, bối rối.
***
Hôm nay, cụ Ba ra viện. Anh con trai út làm gì mà cả ngày hôm qua không thấy có mặt ở đây. Cụ sốt ruột, hết đứng lại ngồi. Quần áo sửa soạn xong rồi. Chiếc chăn chiên cụ đã gấp lại gọn gàng cạnh túi quần áo. Chiếc chăn Hàn Quốc chỉ đắp hờ hôm hai cô con dâu vào thăm, cụ đã lấy ni lông bọc lại, gửi người lái xe cầm về nhà anh con trai thứ hai. Nghĩ ngợi một lúc, cụ gọi cô con dâu út vào:
“Anh nhà chị hôm qua chắc ở nhà chạy tiền trả viện cho tôi hử?”
“Không ạ…” – Cô con dâu út ngập ngừng.
“Mẹ nó có biết nói dối đâu mà định học người ta… Tôi bảo này. ..”
Cụ Ba xòe bàn tay, lần lần chiếc túi con vẫn bọc trong cái bao tượng thắt quanh người:
” Cả đời tôi dành dụm được chút ít, định để đến lúc làm ma… Nhưng tình thế này, anh chị bán đi trả tiền viện. Thằng cả, thằng hai, thằng ba có đưa cũng không được cầm. Chúng nó đã đành nhưng còn vợ con…”
Cụ Ba mới nói đến đấy, anh con trai út ở đâu xồng xộc bước vào:
“U cất vàng đi. Con cháu biếu tiền, ăn không chịu ăn lại cất để làm ma… Cô quả, độc thân, dân làng còn chẳng để thối nữa là…Tôi tát đầm bán cá rồi, không phải lấy tiền của ai cả. U ra để tôi đưa về. Cả làng đang mong đấy. Gớm. Chuyến này về, tha hồ nhiều chuyện. Cứ tưởng nhớ cụ ông quá, định đi theo nhưng xem ra vẫn còn tiếc ổ gà…”
“Tiên nhân nhà anh…” – Cụ Ba chửi yêu người con trai út rồi lọng khọng định bước ra. ấn bọc quần áo vào tay vợ, anh ta bước đến, xốc mẹ lên lưng, chào mọi người trong phòng rồi lừng lững bước ra ngoài. Chị vợ con cón chạy gần phía sau.
***
Tiếng chim đòi mẹ mớm mồi ríu rít trên ngọn cây xoài giữa sân bệnh viện. Nắng trải tơ vàng lấp lóa khắp mặt đất./.

Trương Thị Thương Huyền

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *