Vắng bóng lực lượng phê bình
Thơ trẻ nói chung và thơ VN nói riêng mấy năm gần đây khá đuối. Tạm coi giải thưởng Hội nhà văn là giải thưởng uy tín nhất thì trong 5 năm liền người ta đều thấy vắng thơ cũng như lực lượng phê bình. Đó là hai lĩnh vực mà trong giới văn học hiện nay coi là đương tối yếu, đặc biệt là lực lượng phê bình với tư cách là bạn, là người phát hiện, dẫn dắt phong trào văn học. Thơ Mới sẽ không thể là Thơ Mới nếu vắng bóng Hoài Thanh và Hoài Chân.
Nói như vậy để thấy lực lượng phê bình không làm nên văn học nhưng nó có thể phát hiện và thổi bùng một phong trào văn học nhỏ thành một trào lưu lớn, biến những tác giả bị khuất lấp thành một cây bút.
Quay trở lại với thơ nói chung và thơ trẻ nói riêng thì có thể thấy những năm vừa qua tương đối trầm lắng, nói cách khác là không có những hiện tượng. Giải thưởng chính thống và uy tín nhất hiện nay vẫn là giải thưởng của Hội nhà văn. Lẽ dĩ nhiên xung quanh giải thưởng này luôn có chuyện này chuyện kia nhưng Hội nhà văn là nơi có năng lực thẩm định tốt, nhưng họ đã không chọn đuợc Thơ hay nói cách khác là không tìm được sự đồng thuận trong việc chọn ra tác phẩm.
Năm nay có 4 giải thưởng thơ trao cho 4 tác giả. Ngoài tác phẩm của Từ Quốc Hoài mọi người còn cảm thấy hơi phân vân, còn lại 3 tập thơ là 3 biểu hiện khác nhau mà dư luận đều đồng thuận. Người ta có thể tiếc một chút về tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung. Mai Văn Phấn là một người cách tân, viết theo lối siêu thực và ông ta kiên trì đi theo con đuờng đó. Thơ siêu thực ở VN mà được chấp nhận và đưa vào một giải thưởng là một bước thay đổi tư duy, một sự ghi nhận của một giải thưởng văn học chính thống, rộng rãi, bao quát hơn đã và dung nhận nhiều xu hướng sáng tác.
Tập thơ Ngày Linh Hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy có thể không được đánh giá cao về mặt thi pháp nhưng ở xứ cao nguyên mà viết về cá nhân, thiên nhiên, những rung động và về nỗi buồn mà đạt đến độ sâu sắc như vậy thì cũng đáng được trao giải. Nhưng tập thơ tôi đọc kỹ nhất lại là Hoan ca của Đỗ Doãn Phương, người trẻ nhất trong số này. Nếu ta nói xã hội đang diễn ra như vậy, chẳng có gì đáng viết cả nhưng dưới góc nhìn của Phương thì những vấn đề đương đại được anh ấy lý giải khá sâu sắc và mang giọng điệu riêng. Tôi cho đó là tín hiệu tốt của phong trào thơ trẻ.
Sức ép của cái gọi là cách tân
Quan sát tôi thấy hình như lâu nay các nhà thơ trẻ đang chịu sức ép của cái gọi là cách tân. Cách tân thì chúng ta luôn hoan nghênh nhưng nếu coi cách tân như một hình thức thì nó chỉ đạt đươc yếu tố lại còn yếu tố sâu sắc và bền vững trong cộng đồng và văn học lại không đáng bao nhiêu. Chính vì thế người ta nói thơ trẻ phát triển rất mạnh, rất ào ạt, từ trình diễn thơ, thơ tân hình thức đến thơ kết hợp với nhạc, múa… Mặt bằng đã cao lên nhưng lại không có những đỉnh cao. Thơ trẻ trong thời gian vừa rồi không được đánh giá cao chính vì không có những đỉnh cao. Nhiều tác giả có thể lấp lánh ở đâu đó một vài bài nhưng để nhô lên cao một chút thì vẫn chưa có. Đó là hiện tượng phổ quát nhất của thơ trẻ hiện nay.
Lẽ dĩ nhiên mỗi giải thưởng chỉ đánh dấu được một chặng đuờng sáng tác thôi còn một tác phẩm văn học phải chịu sự thử thách rất lớn về mặt thời gian và sự đánh giá nghiệt ngã và công bằng nhất thuộc về công chúng. Bên cạnh gải thưởng chính thống của Hội nhà văn cũng có những giải thưởng khác có công phát hiện ra các tác giả. Đó là giải thưởng của các nhà sách, công ty sách. Nhưng rất tiếc những thưởng này chỉ nằm ở sự nhiệt tình của các nhà hảo tâm trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên cái nhìn của họ rất chính xác. Ví dụ giải Lá trầu dành cho Trang Thanh chẳng hạn. Hay bản thân Đỗ Doãn Phương cũng đã từng đoạt giải thưởng Bách Việt và rõ ràng bây giờ anh ấy đã phát triển lên và đoạt giải thưởng của Hội nhà văn. Hay trường hợp của Trần Tuấn, sau khi đoạt giải Bách Việt thì thơ cũng hay hơn nhiều.
Chúng ta cũng thấy có một hiện tượng phổ biến là các nhà thơ đã ý thức được việc quảng bá thơ mình, việc tổ chức ra mắt thơ làm cho cộng đồng biết đến tác phẩm của họ nhiều hơn. Thời gian qua, một số hội nghị về thơ cũng đã được tổ chức nhưng tôi thấy các diễn đàn đó chưa thực sự phát huy hiệu quả và hơi tốn kém. Tôi cho rằng cần phải tổ chức gọn nhỏ, chương trình cụ thể hơn và các vấn đề đặt ra cũng phải tâm huyết hơn. Nhiều buổi ra mắt thơ tuy nhỏ nhưng ít nhất đã tạo đuợc sự lôi cuốn và chú ý của công chúng vào đời sống thi ca. Điều đó rất quan trọng.
Thêm nữa, trên mạng cũng đang tồn tại những diễn đàn thơ nghiêm túc để các nhà thơ và công chúng yêu thơ tìm được các tác phẩm hay và gặt hái nhiều lợi ích. Nếu lấy mục đích thương mại mà đánh giá thơ là hoàn toàn sai lầm. Thơ với tôi giống như là cơ may, có sự lấp lánh và sức hút rêng, luôn hiện diện trong tâm trí và tình cảm của chúng ta. Thơ hiện diện như một phần đẹp đẽ của đời sống tâm hồn. Nếu nhìn ở góc đọ đó thì không đến nỗi phải bi quan lắm đâu.
Nhà thơ Hữu Việt (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phan Hoàng, Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Lãng Ma
Mặt bằng cao lên nhiều nhưng lại chưa có đỉnh
Trở lại với thơ trẻ VN những năm gần đây, như tôi đã nói mặt bằng cao lên nhiều nhưng lại chưa có đỉnh. Điều này thể hiện rõ qua hội nghị viết văn trẻ ở Tuyên Quang cuối năm 2011. Điểm danh đội ngũ thơ thì “quanh quẩn vẫn vài ba dáng điệu, tới hay lui vẫn từng ấy mặt người”. Tôi muốn nói với các nhà thơ trẻ là hãy làm bất cứ hình thức nào mà các bạn muốn, không nhất thiết chịu sức ép của sự cách tân, vần điệu hay thể loại, hãy viết như nó có thì sẽ thành công. Điều này tôi nhìn thấy qua những nhà thơ tham gia LH thơ quốc tế vừa rồi. Họ không quá chú ý đến sự cách tân mà có những thử nghiệm. Nếu chịu sức ép của cách tân mà rời xa cái tính giới, hồn cốt của người bản địa thì tưởng chừng như tiến lên nhưng thực ra đang rời xa gốc.
Hoàng Vy (ghi)