(Thegioianh.vn)Nhiếp ảnh gia Đàm Long Xây sống ở nơi điền dã, làm nghệ thuật nhiếp ảnh bằng chữ Tâm, chữ Nhẫn. Anh mong muốn: “Nếu ví nhiếp ảnh là một cuộc thi sắc đẹp, thì tôi sẽ là một “giai nhân””.
1. Vốn mê nhiếp ảnh và đã có phòng chụp ở nhà, đến tuổi “đăng lính”, chàng trai trẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đoàn quân nhạc Việt Nam. Vào những năm 1990 Long Xây may mắn gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh, được ông chỉ bảo hướng dẫn tận tình. Ngoài người thầy đầu tiên, Long Xây còn học hỏi nhiều điều từ nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải. Từ đó, với năng khiếu, sự đam mê và trau dồi kiến thức, anh nhanh chóng thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Điển hình là Triển lãm “Nét đẹp mảnh đất và con người Hải Dương” năm 2010 trưng bày 100 bức ảnh nghệ thuật của Đàm Long Xây, tác phẩm “Duyên Việt” đoạt Huy chương Bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ IX, tác phẩm “Lão ngư” giải Nhì Triển lãm ảnh thời sự – Nghệ thuật năm 2008, tác phẩm “Tình yêu người lính” Giải Ba – Cuộc thi ảnh thời sự – nghệ thuật Hải Dương năm 2011, v.v…
Vừa sáng tác, Long Xây vẫn làm dịch vụ mưu sinh. Studio ảnh của anh ở xã Phú Tảo, Thạch Khôi trong khuôn viên gần 1.000 mét vuông, hầu như không bao giờ vắng khách. Khách đến chụp ảnh, khách đến chơi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa hiện đại vừa cổ điển của studio độc nhất vô nhị nơi điền dã này. Hoa ngoài vườn rực rỡ sắc màu, hoa đào, tường vi, mãn đỉnh hồng, trâm ổi,… soi bóng xuống hồ cá cảnh, đẹp đến nao lòng. Long Xây rất mê hoa. Từ hồi còn nhỏ xíu, anh mơ ước lớn lên sẽ làm kỹ sư lai tạo các loài hoa và trồng thật nhiều hoa ở vườn nhà. Theo quan niệm “Trồng cây dưỡng khí, nuôi cá dưỡng thần” anh thiết kế studio ấn tượng, trang nhã trong không gian ấm cúng, hài hòa với không gian nơi đây.
2. Mặc dù đã làm hình ảnh của nhiều ngôi sao thuộc giới showbiz Việt (hoa hậu Alex Trần, Hoa hậu Hương Giang, Hoa hậu người Việt tại Đức Lê Thị Thanh Hoa, Nam vương Ngô Tiến Đoàn, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Tân Nhàn, Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, người mẫu Chung Thục Quyên, người mẫu Vĩnh Thụy… ) trở nên lung linh hơn qua ống kính của mình, nhưng Long Xây rất ít xuất hiện trước công chúng. Anh thích sống ẩn dật, nên cũng có người bảo anh kiêu. Thực ra anh sống rất ấm áp và chan hòa. Với ai đến nhà anh cũng lấy chữ tâm, lòng nhiệt tình và nụ cười để đối đãi. “Tôi sống ở quê mà. Tôi “chơi” ảnh thôi. Nơi phố phường đông đúc làm dịch vụ thuận tiện hơn nhiều vì có thị trường lớn. Còn ở quê, muốn mọi người đến thì tôi phải nỗ lực cố gắng gấp 10 lần. Song điều quan trọng hơn là nhiếp ảnh luôn mang đến cho tôi thật nhiều niềm vui, được đi nhiều nơi, ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp. Qua nghệ thuật tôi lại có thêm nhiều bạn mới, được chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công việc cũng như trong cuộc sống” – anh khiêm tốn nói.
Lịch lãm, tinh tế, thông minh, hào hoa, nên Long Xây được nhiều bè bạn quý mến. Nhà tạo mẫu thời trang David Minh Đức nhận xét: “Nói về Long Xây, tôi dùng mấy từ ngắn gọn: thông minh, tài năng, tinh tế. Được sống trong gia đình nề nếp, trong anh hội tụ sự phúc đức, văn hóa, gia phong”. Ca sĩ Trọng Tấn nói chân tình: “Long Xây là người sáng tạo, tinh túy, có tâm trong nghề. Anh làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và mang tính nghệ sĩ. Đối với bạn bè, chắc không còn sự nhiệt tình nào hơn. Dù “trải lòng muôn nơi” nhưng anh là người yêu quê hương từ trong tâm hồn nghệ sĩ, từ không gian sống của mình…”.
Nhiều người hỏi vì sao người như anh không đến lập nghiệp ở những nơi phồn hoa đô hội, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội? Anh chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất người xưa gọi là xứ Ðông – nơi có nhiều di tích danh thắng nổi tiếng, nơi thấm đẫm giá trị đặc trưng của văn hoá, lễ hội truyền thống, lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ dân gian: tuồng, múa rối nước, xiếc, hát ca trù, hát trống quân, hát đối, hát ru, ca dao, tục ngữ… Không bỗng nhiên mà Anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi 500 năm trước đã chọn thắng cảnh Côn Sơn làm nơi ẩn dật cuối đời. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được sinh ra, lớn lên và làm việc ngay tại nơi quê hương. Tôi không muốn rời xa vì quê hương còn mang tình thương của mẹ”. Đó cũng là tình cảm trong bài văn cấp ba của anh trong một kỳ thi học sinh giỏi. Bài văn chỉ duy nhất một câu, đã đoạt giải đặc biệt: “Tôi không thích chiếc áo len này về cả màu sắc lẫn kiểu dáng nhưng tôi vẫn mặc, vì nó mang hơi ấm của mẹ và do chính tay mẹ đan”.
3. Long Xây cho rằng, để tạo nên vẻ đẹp đích thực trong tác phẩm nhiếp ảnh thì ý tưởng rất quan trọng, đồng thời cần phải hội tụ đủ ba yếu tố chân, thiện, mỹ. Nếu chụp chân dung, phải có sự rung động cộng hưởng giữa người chụp và người mẫu, làm sao để bức ảnh toát lên “cái thần” của người mẫu mà phong cách người chụp vẫn thể hiện được “cái tôi” của mình. Ví dụ khi chụp một cô gái có cá tính, mạnh mẽ mà nhìn bức ảnh lại thấy cô ấy thùy mị, nghĩa là chụp chưa thành công và ngược lại. Khai thác đề tài phong cảnh, cần biết đặc điểm thời tiết các mùa, đặc điểm địa lý các vùng miền… Đặc biệt, chụp nude thì cơ thể của người mẫu phải hòa quyện với không gian, tùy bối cảnh bố trí ánh sáng sao cho thích hợp với các yếu tố (đất, nước, lửa, gió)… Làm bất cứ nghề gì cũng vậy, điều quan trọng là phải có văn hóa nền. Bạn không thể đến vùng biển để thưởng thức thịt lợn, hoặc lên núi ăn cá biển. Điều đó là không thích hợp. Quan niệm về nhiếp ảnh như vậy cộng với niềm đam mê, khổ luyện, chịu khó học hỏi, đọc sách, sáng tạo tìm tòi trong thực tiễn sáng tác, Long Xây đã có bước thành công. Nhưng anh chưa nhận mình là người thành công mà nhận mình là người hạnh phúc. Bởi theo anh, người hạnh phúc không phải là người đã đến đích mà là người đang trên chặng đường đua.
Ngày ngày anh vẫn nhẫn nại, tự tin cầm máy sáng tác. Hôm nay chụp chưa đạt, mai lại chụp tiếp đến ưng ý thì thôi. Trong cuộc sống luôn có hai lực động và tĩnh tác động. Tĩnh là chết, cho nên anh muốn mình luôn chuyển động. Anh cũng không sợ sự “vỡ”, bởi những tấm gương vỡ luôn có sự phản chiếu không mòn. (Một tấm gương vỡ vẫn thực hiện chức năng của một tấm gương. Ở đây, thực tế không phải được tái tạo, mà là được xếp thành những mảnh để một thế giới khác được dựng lại (tiếp tục phá vỡ và dựng lại) bằng những mảnh vụn đổ nát của mình – PV).
Sống ở nơi thôn dã điền viên, làm nghệ thuật nhiếp ảnh bằng chữ Tâm, chữ Nhẫn. Như một cuộc rong chơi, nhưng từ thẳm sâu trong cõi lòng, Đàm Long Xây gửi vào tác phẩm tình cảm ấm áp, tình yêu quê hương đất nước con người vô bờ bến. Anh mong muốn: “Nếu ví nhiếp ảnh là một cuộc thi sắc đẹp, thì tôi sẽ là một giai nhân”.
Dưới đây là những tác phẩm của nhiếp ảnh gia Đàm Long Xây :
Anh Hoa
( Tạp chí thế giới ảnh )