Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Tình yêu màu xanh

Tình yêu màu xanh

Đã từ hơn một tháng, quán chè của chị Thanh trở thành nơi “trú chân” của Linh sau buổi học chiều, để chờ học tiếp một ca lúc 16 giờ sắp tới. Cái Hiền bảo, nếu thời gian ôn thi đại học cứ kéo dài khoảng 4, 5 tháng thế này thì Linh sẽ lên cân một cách “tự do”. Linh tự nhủ: “Học gì thì cũng phải “nạp năng lượng” đã chứ ! Hơn nữa đường về lại xa, làm sao mà kịp.
Xuất hiện đến tuần thứ hai thì chị chủ quán đã quá quen với sở thích của Linh:

Một chiếc ghế mây, một góc bàn khuất sau chậu cảnh dù lúc đó quán vắng teo. Và khi Linh đến, dù cassette đang rên rỉ hát hò kiểu gì cũng “stop” và thay vào đó bản nhạc không lời Linh rất mê: “Tình yêu màu xanh”. Có gì tuyệt hơn vừa nhâm nhi ly chè, vừa thả hồn theo bản nhạc. Không gian sẽ rộng ra, chẳng còn bàn còn ghế, chẳng còn những bức tường nữa, mênh mông trước mắt Linh là thảo nguyên đầy hoa và cỏ, là bầu trời xanh như cổ tích, là một cảm giác ngọt ngào và êm ái.
Có lần, đang mơ màng gõ gõ chiếc thìa lên miệng ly, Linh chợt giật mình khi “chạm” phải một ánh mắt đang nhìn mình chăm chú từ dãy bàn bên kia. Hậm hực cúi xuống với ly chè, Linh cũng đã kịp liếc thấy “thủ phạm” làm đứt mạch cảm hứng âm nhạc của mình. Đó là một tên “đực rựa” có mái tóc bồng bềnh chải hất lên với một chiếc cặp sách trên mặt bàn (chắc cũng dân “dài lưng tốn vải” đây !). Ly chè vơi đi tới hai phần ba, Linh ngẩng lên và ngạc nhiên thấy tên đối diện mình đang ngả người trên ghế vẻ mặt mơ màng như cũng đang bị cuốn theo tiếng nhạc. “Thì ra đó cũng là sở thích của ngươi. Tại sao lại dám “phạm thượng” như vậy?” Linh bật cười với ý nghĩ của mình và lặng lẽ rút lui khỏi quán, không biết rằng tên kia cũng đang nhìn theo.
Dần dần, Linh và “tên ấy” đã quen với sự có mặt của nhau trong quán chè vào đúng giờ tan học chiều như có một quy ước ngầm. Có điều cả hắn và Linh chẳng bao giờ nói với nhau câu nào, vẫn góc của ai người ấy ngồi, chỉ chung một thứ duy nhất là bản nhạc. Có một lần Linh dám táo bạo ngồi “ngắm nghía” hắn một lúc lâu như khiêu khích. Hắn ngẩng lên, ban đầu thoáng nét bối rối, nhưng ngay sau đó lấy lại sự bình thản, thậm chí ánh mắt nhìn Linh còn như cười cười làm Linh “đầu hàng” nhìn xuống. Trời mưa, hắn vắng mặt, Linh mặc kệ ly chè đang tan dần đá lễnh loãng, băn khoăn đoán định nguyên nhân để rồi tự cười mình vớ vẩn. Và bản nhạc trôi hết lúc nào chẳng biết. Chắc hắn cũng như Linh, đang ôn thi đại học. Nếu không, ai dở hơi mà vào quán chè “nghỉ ngơi” trong lúc lẽ ra phải về nhà với mâm cơm hấp dẫn của mẹ đang chờ sẵn.
Cái Hiền chuyển từ ngạc nhiên sang bái phục khi Linh trở thành đệ tử ruột của quán chè. Nó chọc Linh: “Ăn chè tăng trí nhớ và sự thông minh có phải không? Hay nó giúp mày “nuốt” gọn gần hai trăm đề Văn – Sử – Địa một cách dễ dàng?”. Linh cười bí mật, chợt nhớ đến một hôm mình nhìn thấy cuốn bộ đề Văn để trên bàn của tên người lạ trong quán chè.
Quãng thời gian ôn thi rút ngắn dần. Linh phải bù đầu với hàng núi bài vở, thậm chí trong quán chè còn phải lôi bài ra lẩm nhẩm, có điều là vẫn lẩm nhẩm trong tiếng nhạc. Như bắt chước, ở dãy bàn bên kia, tên “người lạ” cũng chúi mũi vào mấy cuốn vở. Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố tình bắt chước? – Linh nghĩ thầm. Nhưng nhìn thái độ chăm chú ấy, Linh biết hắn lôi vở ra không phải để chơi. Hai tuần nữa thi tốt nghiệp, Linh chợt thấy buồn buồn khi nghĩ đến những ngày sắp tới không còn được đến trường, không còn những ca học ồn toát mồ hôi và cả những chiều nghỉ chân trong quán chè thế này. Rồi sẽ tất bật vì thi cử, sẽ phải đi xa, chia tay với từng góc phố, gốc cây quen thuộc của thị xã nhỏ bé và thân thương. Thỉnh thoảng, tên “người lạ” nhìn Linh với vẻ ngập ngừng như muốn nói một câu gì đó, nhưng khi thấy Linh nhìn sang lại hiền lành cúi xuống trang vở và ly chè của mình. “Đúng là đồ con gái – lại còn thích ăn chè nữa chứ !”.
Thi tốt nghiệp xong môn cuối cùng, vẫn sớm, Linh cùng Hiền và nhóm “tam quái” của Phương ra công viên chụp ảnh. Lang thang chán, giỏ xe của đứa nào cũng đầy phượng vĩ và hoa bằng lăng. Đến lúc cả bọn chia tay ở ngã ba đầu vườn hoa, Linh đạp xe quay lại. Linh hiểu cảm giác thiêu thiếu của mình là chưa rẽ qua quán chè quen thuộc của chị Thanh. Quán vắng teo, cả tên “người lạ” cũng không nốt. Có gì như là thất vọng. Linh chậm chạp đi vào chỗ ngồi quen thuộc của mình và chợt sững người khi thấy ở trên bàn băng nhạc hằng yêu thích: “Love is blue” chặn ngang mảnh giấy nhỏ: “Thân tặng người cùng sở thích !”. Chị Thanh mang ly chè đến, cười cười: “Cậu thường ngồi ở góc kia nói là gửi cho em đấy. Hôm nay cậu ta đi đâu vội, chỉ ghé qua một chút dặn chị”. Linh cảm thấy ly chè hôm nay buốt lạnh hơn và bản nhạc thêm da diết lạ lùng.

– o O o –

Tháng bảy, nắng bỏng rát và từng quầng hoa phượng nở tung đỏ nhoi nhói. Tiến ve rền rĩ khắp các nẻo đường. Qua kỳ thi đại học, Linh gầy đi trông thấy. Mẹ xót xa nhường luôn cho con gái xuất đi nghỉ mát nửa tháng ở Sầm Sơn. Rồi quê nội, quê ngoại vẫy gọi. Bố đùa: Linh đang nghỉ “báo thù” những ngày vùi đầu vào học. Cảm giác thấp thỏm vỡ òa thành niềm vui khi giấy báo điểm quá mức học bổng là 5 điểm. Cu Tuấn còn mơ màng: “Liệu chị Linh có được thủ khoa không nhỉ?”. Buổi liên hoan cho Linh đi học đại học có đầy đủ bạn bè và các thầy cô giáo. Hoa, quà tặng và lời chúc mừng tới tấp.
Buổi chiều, Linh đạp xe đến quán chè chị Thanh, ngồi lặng người với bản nhạc không lời quen thuộc và khoảng trống ở dãy đối diện. “Người lạ” ơi ! Mùa hè đã vơi đi quá nửa rồi. Bản nhạc được tặng, Linh chưa một lần mở nghe.

– o O o –

Nhập trường, Linh ngẩn ngơ nhìn dãy nhà cao tầng đồ sộ với sự nhộn nhịp, huyên náo. Thật khác xa với nhịp sống yên ả trong thị xã của Linh. Chẳng một ai quen biết, những dáng người, khuôn mặt lướt qua Linh đều thấy giống nhau lạ lùng. Ước gì gặp được một đứa bạn – dù đó có là con nhỏ Mai “la sát” lớp bên cạnh – thì cũng tốt biết bao !
“Chào bạn !” – Linh chợt giật mình ngoảnh lại, một gương mặt rất quen và nụ cười tươi tắn. Trời ơi ! Còn cả mái tóc chải bồng bềnh lên nữa. Linh buột miệng “Ôi! Người cùng sở thích !”. “Người lạ” nhìn Linh cười lém lỉnh: “Và giờ là cùng trường nữa. Tình yêu màu xanh ạ !”.

 

Nguyễn Thị Việt Nga

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *