Home > Contend > Trang văn > Tùy bút > Thăm lại vùng lũ quét

Thăm lại vùng lũ quét

Hôm ấy, trận bão Sơn Tinh từ Biển Ðông đang tiến dần vào vùng duyên hải Bắc Bộ nhưng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và chúng tôi vẫn thực hiện chuyến đi lên Chiến khu Việt Bắc. Thực ra chúng tôi chỉ hẹn nhau ở Quân khu I, còn việc chính, ông Hiệu muốn thăm lại một vùng quê miền núi đã để lại trong ông những kỷ niệm không dễ quên.

Ðó là mùa thu năm 2005, một trận lũ quét bất ngờ đổ về huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, một trận lũ hung dữ, lạ lùng hiếm gặp trong lịch sử. Do nạn phá rừng và thay đổi khí hậu, nước mưa tích lại trên núi cao rồi bất ngờ vỡ ra như một quả “bom nước” đổ xuống các thung lũng. Sức nước chảy dữ dội đến độ tất cả những gì nó gặp trên đường đi đều bị cuốn phăng, nào nhà cửa, cây cối, cầu cống, người, vật nuôi.

Với cương vị Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có mặt ở nơi xảy ra trận lũ đúng lúc cần ông nhất. Và ông đã làm tất cả những gì cần làm để hạn chế thấp nhất những mất mát và thương vong. Chính vì thế mà đồng bào các dân tộc ở đây thường nhớ và nhắc đến ông. Họ nói về ông qua người này, người khác rồi mời ông lên thăm. Lần này Tướng Hiệu đã nhận lời. Tính ông, đã hứa thì không bao giờ sai hẹn, cho dù là trời đang rập rình cơn bão.

Trong cuộc đời binh nghiệp, ngoài những kỷ niệm về chiến trường, Nguyễn Huy Hiệu còn có những kỷ niệm trong những chuyến đi phòng, chống thiên tai, bão lũ không thể quên. Trong những năm ông giữ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn ứng với những năm liên tiếp có những trận lụt lớn, nhất là khu vực miền trung và Tây Nguyên. Dẫu là ở nơi nào chăng nữa, khi xảy ra bão lụt, Nguyễn Huy Hiệu cũng có mặt đúng lúc và tìm ra những giải pháp ứng phó thông minh, hữu hiệu nhất. Nguyễn Huy Hiệu đã viết và đứng vai chủ biên hẳn một cuốn sách có tên là Vận dụng phương châm bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2009. Trong cuốn sách này, độc giả đặc biệt chú ý tới một phát kiến của Nguyễn Huy Hiệu: Bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai. Diễn giải ra: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ. Phát kiến này trở thành phương châm hành động cho các ủy ban phòng, chống thiên tai từ trung ương đến địa phương.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà xuất bản đã dành cho Nguyễn Huy Hiệu những lời trân trọng: “…Từ kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường nên trong nhiều năm được Chính phủ và Bộ Quốc phòng phân công làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, Tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đến nhiều địa phương, có mặt ở những vùng được gọi là điểm nóng, chỉ huy “mở đường ra biển” để tìm ra phương án cứu giúp nhân dân bị lũ lụt chia cắt…”. Ðánh giá về giá trị cuốn sách, lời nhà xuất bản còn viết: “Vận dụng phương châm bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu đã cung cấp cho người đọc nguồn gốc và quá trình hình thành phương châm bốn tại chỗ. Trong từng phương châm có diễn giải một cách sinh động những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả với từng tình huống xảy ra. Cuốn sách cũng cho người đọc thấy được các địa phương, các đơn vị đã vận dụng phương châm bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai lụt bão đạt hiệu quả cao. Ðồng thời có thể coi cuốn sách như một cẩm nang để các địa phương, các đơn vị có thể vận dụng trong các lĩnh vực khác…”.

Là người Việt Nam, nhất là người miền trung, hẳn chúng ta chưa quên trận lũ ở Quảng Ngãi năm 1999. Có người gọi đây là trận đại hồng thủy, trăm năm mới có một lần. Nước lũ dâng cao, chảy xiết, rất lạnh, chia cắt toàn bộ Quảng Ngãi với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Bình Ðịnh. Sự có mặt đúng lúc của các đồng chí lãnh đạo cùng cán bộ và nhân dân ứng phó với trận lụt đã được ông Trần Lê Trung, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi viết: “Ấn tượng của chúng tôi về Tướng Nguyễn Huy Hiệu thì nhiều, nhưng nhớ nhất hình ảnh ông đội mũ cối, mặc bộ quân phục mầu cỏ úa xắn tay áo, ống quần lên cao, đi dép cao-su xăm xăm phía trước. Ông lắng nghe các giải pháp của địa phương, gợi ý cách giải quyết, rồi kiên quyết chỉ đạo cho bằng được cách cứu dân có hiệu quả nhất…”.

Trong năm 1999, ở Quảng Bình cũng diễn ra một trận lũ lớn chưa từng có. Nước sông Long Ðại lên trên báo động ba là hai mét, có nơi lên 3,15 m. Nước sông Kiến Giang lên trên báo động ba là 2,07 m. Huyện Lệ Thủy ngập hoàn toàn 14 xã. Huyện Quảng Ninh ngập bảy xã. Mưa lớn trên diện rộng nên thời gian đối phó với lũ kéo dài tới 20 ngày. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng đã có mặt kịp thời. Trong bài “Từ kinh nghiệm bốn tại chỗ phòng tránh lụt bão”, Ðại tá Nguyễn Quốc Trị, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Quảng Bình đã viết: “Tướng Nguyễn Huy Hiệu xông xáo, có sức khỏe, thường đi nhanh hơn mọi người. Ông hầu như không có thời gian nghỉ, liên tục lên xuống ô-tô, máy bay trực thăng, có ngày 3 – 4 lượt hạ, cất cánh…”, “… Là người lính từng sống chết ở chiến trường, Tướng Nguyễn Huy Hiệu rất gan góc, táo bạo, quả cảm, sẵn sàng xộc thẳng đến nơi rốn lũ để chỉ đạo trực tiếp. Trên chiếc ca-nô, Tướng Nguyễn Huy Hiệu đi với Ðại tá Hoàng Cao Thắng, Quyền chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình kiểm tra tình hình thiệt hại của lũ trên các đầm, phá và sông Kiến Giang. Ca-nô không có đèn pha, ban đêm, đi e không bảo đảm. Chúng tôi hơi ngần ngại vì độ an toàn cho cấp trên, nhưng tính xốc vác, cụ thể, ông quyết định đi, đành phải dùng các loại đèn pin, đèn bão soi đường…”.

Năm 1999, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng bị lụt nặng, và đương nhiên Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có mặt kịp thời. Trong bài “Vị tướng nặng lòng với chiến trường xưa, với nhân dân”, ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế viết: “Tôi nhớ anh Hiệu mặc quân phục lính, tay xách giày, chân đi trần. Với tác phong người lính xông xáo năm xưa, vừa xuống máy bay anh đã về trụ sở Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão. Thấy chúng tôi, anh ôm chầm lấy hỏi: “Lũ lớn thế này, đồng bào ta có mất mát nhiều không? Ðồng bào Phú Vang, Quảng Ðiền, Phong Ðiền… lũ ngập có sâu không? Cửa biển Hòa Duân vỡ như thế nào? Bao nhiêu đồng bào bị trôi ra biển? Bao nhiêu nhà bị trôi, bị sập?”. Sau đó anh ân cần chia sẻ với từng đồng chí cán bộ lãnh đạo chính quyền, cán bộ ban, ngành chức năng rồi khẩn trương bàn công việc cứu nạn, cứu trợ. Với kinh nghiệm trận mạc của người chỉ huy luôn sâu sát chiến trường, gần gũi với nhân dân, sau khi hội ý, bàn phương pháp tiếp tục lập cầu hàng không thả hàng cứu trợ những vùng bị cô lập, anh đã cùng với sở chỉ huy tiền phương chỉ thị cho Sư đoàn không quân 372 lập ngay các chuyến bay thả hàng cứu trợ cho nhân dân trong toàn tỉnh…”.

Trong các sách báo còn rất nhiều người viết về Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu với cương vị một “ông tướng đi chống bão lụt”. Nếu trích thêm ra đây e bài ký sẽ quá dài. Thiết nghĩ, ông phải là người dành trọn trái tim cho nhân dân thì người đời mới viết về ông như thế.

***

Lên thăm lại vùng lũ quét ở Ðồng Hỷ (Thái Nguyên) hôm nay, chúng tôi đi trong tiết trời xấu, các tỉnh miền núi Việt Bắc mưa rong bão, cứ mưa một đợt lại gió một đợt. Những cán bộ của các xã vùng lũ quét như Tân Long, Hòa Bình, Văn Lãng, Quang Sơn cũng đã có mặt từ rất sớm. Bước vào trụ sở, được mời phát biểu, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã rưng rưng cảm động khi ông nói rằng, ông rất vui khi thấy những xã bị lũ quét tàn phá năm xưa nay đã phủ một mầu xanh mơn mởn của rau màu, cây cối, hoa trái, đó là mầu xanh của sự sống đang lên. Rồi ông nhắc lại những kỷ niệm không thể quên về cái đêm ông cùng anh em trong Ủy ban  Quốc gia tìm kiếm cứu nạn lăn lộn cứu vớt người và tài sản thoát khỏi sự hung dữ của trận lũ như thế nào.

Những chiến hữu ở Quân khu I và những người đồng hương lên đây xây dựng quê mới mời chúng tôi và những cán bộ bốn xã lên thăm một bản làng ở cách trung tâm xã khoảng hơn chục ki-lô-mét. Bản làng này có tới gần chục tộc người sống với nhau gắn bó, đoàn kết. Chúng tôi được ăn một bữa cơm “cây nhà lá vườn” cùng với dân bản rất vui. Hầu như tất cả mọi người tham dự đều coi việc được chụp ảnh, nâng và chạm cốc với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là điều vinh hạnh. Tôi thì nghĩ, nhân dân ở đây chân thành, chí cốt với sự nghiệp của cách mạng, cho nên thời kháng chiến chín năm, chọn Việt Bắc làm cơ sở, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, cách mạng thành công cũng là dễ hiểu.

 

Lê Hoài Nam

ND cuối tuần

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *