Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Biển Ngọt

Biển Ngọt

– Chồng ơi! Ha ha ha… Chồng!… Hơ hơ hơ… Chồng ơi!
Chuỗi cười cùng những tiếng gọi thảng thốt lan dài trong biển chiều khiến người nghe rùng mình, sởn gai ốc. Không có tiếng trả lời. Những con sóng vẫn mải miết đuổi nhau xô bờ. Tiếng gió quện sóng biển rì rầm, rền rĩ. Người đàn bà ấy vừa cười vừa gọi. Tiếng chị lẫn vào tiếng sóng.

Bộ quần áo đen bạc màu, tả tơi. Chị đi dọc bờ biển, cất lên chuỗi cười man dại và những tiếng gọi cồn cào, thảm thiết, miên man dọc bãi biển. Chỉ có tiếng gió ì ầm, tiếng sóng dạt dào như than như khóc, như trêu như ghẹo đáp lại lời chị. Người đàn bà cứ lang thang như thế suốt bờ biển, đến lúc không gọi, không cười được nữa, chị ta nằm sấp trên mặt cát, mặc cho sóng biển rập rờn, liếm nhẹ vào thân hình tiều tuỵ của mình. Những con dã tràng miệt mài xe cát bên cạnh.

Đêm. Biển sẫm lại như chảo thuốc nhuộm khổng lồ đang sôi bùng bục. Xóm chài nhỏ nhoi chìm dần, chìm dần trong bóng tối mịt mùng của trời, của biển. Chỉ còn vài ánh đèn leo lét. Người xóm chài dường như đã quá quen với câu chuyện về người đàn bà ấy. Bà cụ Tảo chờ đến khi tiếng gọi, tiếng cười tắt lịm mới dò dẫm ra bãi biển. Cụ nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc của người đàn bà, kê mái đầu bù xù, bết nước biển của chị lên đôi cẳng chân lòng khòng của mình. Cụ Tảo cất lời ru… Tiếng ru của bà cụ lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng nghe nỉ non như tiếng vọng:
“ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đanh
Cầu tre lắc lẻo…. ầu ơ… Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó ờ… ớ đi
Khó đi… ơ… Khó đi mẹ dắt con đi… ầu ơ…”

Tiếng ru của bà cụ Tảo nổi chìm cùng tiếng biển. Những người đàn bà lam lũ của xóm chài nghe tiếng bà cụ hát ru lại lẳng lặng kéo nhau ra bãi cát. Họ ngồi thành vòng quanh hai người đàn bà khốn khổ một trẻ một già. Và đến lúc cụ Tảo nấc lên:
“ầu ơ… Gió đưa cây cải… ơ… ầu ơ… Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại … ơ… ầu ơ… Rau răm ở lại chịu lời đắng ờ ớ.. cay…”

Những người phụ nữ sẽ đứng dậy. Họ im lìm và cam chịu. Những cái bóng lầm lũi xúm lại đưa người đàn bà tội nghiệp kia về căn lều ọp ẹp của cụ Tảo ở cuối ghềnh.

Chị đẹp. Điều đó thật dễ nhận ra. Sống mũi cao thanh tú. Đôi lông mày không tỉa vẫn gọn gàng như nét vẽ của người hoạ sĩ tài hoa. Nước da trắng như màu hoa bưởi cho dù đã bao ngày chị dầm dề cùng nắng gió. Nhất là mái tóc… Nó chảy tràn như dòng suối trên tấm thân thon thả của chị. Đôi mắt đen thăm thẳm. Chị đang ngồi đó, ngoài bậu cửa căn nhà cụ Tảo đón bình minh trên biển. Vẻ mặt tưởng chừng thanh thản và vô tư. Mắt chị dõi mông lung phía xa khơi. Nơi ấy, mặt trời như quả hồng khổng lổ đang từ từ đội biển nhô lên. Viền mây quanh nó đổi màu như da lưng con kỳ nhông bảy sắc, vừa thoắt biếc xanh xà cừ đã lại phớt hồng lòng đào rồi thắm lại. Không ai nghĩ chị chính là người đàn bà đã lang thang trên bãi biển, cất những chuỗi cười rổn rảng như tiếng kim loại va nhau và gọi những thanh âm thảm thiết chiều qua…

Mặt trời đã nhô hẳn lên trên mặt nước, hồng hào, tròn trịa và nguyên khôi như gương mặt người con gái đồng trinh. Những tia nắng đầu tiên của ngày hớn hở, tinh nghịch rọi luồng ánh sáng lấp loá. Mặt biển mơ màng. Hơi sương dịu dàng lan nhẹ trên mặt nước màu ngọc bích.

– Bà ơi! Con ra bãi chợ đây bà ạ. – ánh mắt chị luyến tiếc rời bình minh mặt biển. Chị đứng dậy, gọi với vào trong rồi tất tả cắp nón bước ra. Cụ Tảo nhìn hút theo bóng chị lầm lũi trên mặt cát, buông tiếng thở dài.

Chị không phải là con gái, cũng chẳng phải con dâu cụ Tảo. Chị chỉ là người hàng xóm. Nhìn chị người ta dễ dàng nhận thấy, chị không phải người gốc vùng này. Đàn bà vùng biển, nước da bánh mật, mặn mòi, ăn sóng nói gió. Còn chị… Chị cứ như đoá quỳnh giữa bộn bề những nhánh xương rồng xù xì, thô ráp. Cụ Tảo còn nhớ như in ngày đầu tiên chị xuất hiện ở xóm chài nghèo. Khi nghe tiếng cọt kẹt của tấm liếp che cửa bên nhà hàng xóm vọng sang, và tiếng “vâng” khô khốc đáp lại lời cụ hỏi, cụ đã thấy lạ lắm. Hàng rào xương rồng che khuất tầm nhìn khiến cụ không nhìn rõ nhưng tiếng bước chân thật rõ ràng. Hôm nay, nó không về một mình. Bước chân đi sau nhẹ nhàng, rón rén hơn.

– Ai về cùng mày đấy Mạnh?
Người tên Mạnh bên kia chưa kịp trả lời, một giọng con gái nhỏ nhẹ cất lên:
– Cháu chào cụ ạ. – Tiếng chào nhẹ và trong.
– Vào đi. Nhà đấy – Tiếng người tên Mạnh gắt gỏng phía bên kia và tiếng bước chân nhẹ nhàng của người phụ nữ ấy vào nhà. “Vậy là cô ta về cùng thằng Mạnh” – Cụ Tảo ngẫm nghĩ – “ Hình như chúng đã gắn bó lắm thì phải. Cái cách nói chuyện ấy không phải của những người lần đầu mới gặp. Thôi thì cũng là số phận. Có thế thằng Mạnh mới mong có bạn. ở cái xóm chài nghèo khó này, người ta làm bạn với nhau để lấy chỗ dựa, để lấy người cùng lèo lái cạy bát trong những chuyến đi khơi, thằng Mạnh một thân một mình mãi cũng tội. Nó mồ cồi, bố mẹ không còn, anh em cũng hết. Đã vậy, tính lại cục cằn, cấm cảu, khiến chẳng đứa con gái nào muốn gần gũi. Cụ Tảo thương và lo cho thằng Mạnh nhiều lắm. Nhưng cô ta là người ở đâu mà theo thằng Mạnh về đây nhỉ”? Cụ Tảo thắc mắc. Rồi cụ lẩm nhẩm một mình.

Có đến cả tuần sau, cụ Tảo không thấy Mạnh ra biển. Không biết anh làm sao mà nằm bẹp mãi trong nhà. Cô gái vẫn lầm lũi vào ra, dọn dẹp, nấu nướng. Nóng ruột, cụ Tảo lần sang. Căn nhà che liếp kín, tối mờ mờ. Cụ Tảo thấy Mạnh nằm trên giường, khuôn mặt sưng húp, tím bầm. Đôi môi bầm giập, rách tươm. Hoảng hốt, cụ Tảo lọng khọng lần đến. Nghe tiếng động, Mạnh mở mắt. Nhìn thấy cụ Tảo, anh gắng gượng nở nụ cười. Nhưng đến lưng chừng, chắc đau quá, nụ cười của anh vụt tắt trên gương mặt thảm hại. Nhìn đôi mắt lo lắng như dò hỏi của cụ Tảo, Mạnh lại gắng gượng lần nữa. Anh thều thào:
– Con không sao đâu bà. Mấy hôm nay con ốm không đi biển được.
– Sao đến nông nỗi này hả Mạnh?
– Sơ sơ thôi. Con đánh nhau với tụi trên thị trấn. Chúng mạnh tay hơn con tưởng.
– Đang yên lành lại đánh nhau với chúng nó làm gì?

Mạnh nhắm mắt. Anh làm như không nghe thấy câu hỏi của cụ Tảo. Thấy Mạnh không trả lời, cụ Tảo thở dài, lắc đầu, lò dò bước ra ngoài hiên. Vừa lúc cô gái đi chợ về. Nhìn thấy mái tóc bạc phơ của cụ Tảo lắc nhẹ, cô ta cúi đầu như người mắc lỗi. Cụ Tảo gật đầu đáp lại câu chào lí nhí của cô gái rồi bước ra ngõ, lòng chất chứa băn khoăn.

Trời chiều. ánh nắng chiếu xuống mặt biển lấp lánh màu mận đỏ. Mạnh ngồi bó gối trước thềm, mắt đắm vào mặt biển mênh mông. Gần bốn mươi, Mạnh vẫn một mình. Không thấy con thuyền nhỏ Mạnh vẫn đi câu mực dập dềnh ngoài bãi trước. Bà cụ Tảo thấy Mạnh trầm ngâm cũng chẳng hỏi. Người đàn bà theo Mạnh về hôm trước vẫn lui cui trong căn bếp nhỏ. Chạng vạng tối, Mạnh bưng bát canh sang. Cũng như anh, cụ Tảo sống một mình. Người đàn bà già nua, cô độc ấy sống bằng lòng hảo tâm của bà con xóm chài và những gì cụ nhặt nhạnh được trên bãi biển. Cụ Tảo, Mạnh và bao con người khốn khó trong xóm chài từ lâu đã coi nhau như ruột thịt. Chuyện đỡ đần sớm tối không phải chuyện của riêng ai.

Mạnh bước vào mảnh sân con. Những ngôi nhà của làng chài cất ngay trên bãi biển. Thềm hè thường cao không quá một bước chân người. Nhiều nhà còn chẳng thèm làm thềm, người ta chỉ cần rũ chân cho bớt cát rồi bước thẳng vào trong. Cụ Tảo ngồi trên bậu cửa. Thấy Mạnh bước vào, cụ nhẹ nhàng:
– Hôm nay thế nào rồi?
– Con ổn rồi bà ạ. Có bát canh, con mang sang…
– Cứ để đó. Ra bà hỏi một tí…
– Con biết bà định hỏi gì rồi. Hôm nay con cũng định sang thưa chuyện với bà. Cả làng chài nghèo này, bà thân thiết nhất…
– Chuyện mày với cô gái kia thế nào? Hôm rồi mày đánh nhau có phải vì…
– Hôm ấy, trúng mẻ mực lớn… – Mạnh rỉ rả bắt đầu câu chuyện – Thằng Thiên gọi con lên thị trấn xả hơi. Đang ngồi uống bia trong quán nhỏ, con thấy cô ta bị một lũ đuổi đánh. Chúng lao vào đấm đá, xâu xé khiến quần áo cô ta rách tơi tả. Không biết chạy đằng nào, cô ta xô vào quán bia con và thằng Thiên đang ngồi rồi chúi đầu xuống dưới chân con. Lúc ấy con chỉ nghĩ, chắc người ta cũng cùng đường rồi mới đến nước này, có gì từ từ hỏi. Nếu không ngăn lại chắc chúng đánh cô ta chết mất. Bọn người kia lao đến, con ngăn lại. Nhưng bọn kia lao vào túm lấy con, đấm đá túi bụi. Con không chịu nổi, đánh lại chúng. Còn cô gái một mực van xin con cứu giúp. Thế rồi, cô ta theo con về đây.
– Biết người ta thế nào mà…
– Cô ấy kể hết rồi bà ạ. Cũng cảnh áo ngắn khố đen với nhau cả thôi. Cũng côi cút, bị lừa gạt… Con quyết rồi. Đời người thôi thì ai cũng một lần. Đằng nào cũng vậy, con cũng chẳng có điều kiện để cưới xin đàng hoàng. Côi cút như con, trời thương đến đâu biết đến đấy. Từ từ rồi cô ấy sang thưa chuyện với bà. Cái thuyền nhỏ của con, con đã bán để chuộc cô ấy rồi. Ngày mai con theo thuyền thằng Thiên đi biển, ở nhà có gì bà bảo ban thêm cho cô ấy. Lạ nước, lạ cái, chẳng quen biết ai ở nơi này.
– Được rồi, mày đã nói thế thì cứ đi đi.

Chuyến ấy, Mạnh đi biển có dễ đến hơn hai tháng. Cô gái được bà cụ Tảo bảo ban thêm quen dần với công việc ở xóm chài. Hàng ngày, cô cùng những người đàn bà khác chạy chợ buôn cá. Bộ quần áo bà ba đen, chiếc nón sùm sụp trên đầu, ngoại trừ nước da trắng mịn, còn lại cô đã ra dáng là vợ một ngư dân. Vừa chạy chợ kiếm sống, vừa chăm chút công việc của hai nhà, cả xóm chài nghèo nhìn cô thân thiện dần. Có người đã khen bà cụ Tảo cuối đời thế mà may mắn. Không đâu, ông trời tự nhiên đem đến cho cô con gái hiếu thảo, nhẹ nhàng. Cụ Tảo cười. Cái miệng trống cả hai hàm răng móm mém.

Sau những chuyến đi biển dài, những người đàn ông trong làng chài lại quây quần uống với nhau một bữa rượu trên bãi biển. Trước đây, lần nào uống Mạnh cũng say. Mỗi lần say, Mạnh thường hay đập phá. Vì vậy trong nhà anh chẳng có vật dụng gì đáng giá, có chăng cũng chỉ là những thứ không thể bị vỡ hoặc chẳng bao giờ có thể bẹp hơn. Rượu vào, chếnh choáng, anh chỉ cần đạp chúng đổ chỏng chơ ra đất để đến lúc tỉnh rượu lại hì hụi nhặt nhạnh xếp lên. Nhưng từ khi có vợ, người xóm chài ít thấy Mạnh say hơn. Anh chí thú làm ăn, căn nhà nhỏ rộn ràng, ấm áp những tiếng cười.

Bữa rượu đêm ấy có thêm người cháu của Thiên trên thị trấn về chơi. Gần tàn cuộc, khi thấy vợ Mạnh mang thêm mồi nhắm cho chồng, người đàn ông ấy đã ngật ngưỡng lại gần, nắm cổ tay người đàn bà cười sằng sặc:
– Chào cô em, dạo này lại phục vụ mãi tận bãi biển này cơ đấy. Lâu lắm mới gặp lại.
Trong bóng tối nhờ nhờ, khuôn mặt người đàn bà tái đi. Chị không ngờ quãng đời ô nhục mà chị cố vùi chôn lại bị xới lên đúng lúc này. Chai rượu trên tay chị thảng thốt rơi xuống, vỡ tan tành. Chị lập bập bỏ chạy. Mạnh lao đến. Nhưng thằng cháu khốn kiếp của Thiên vẫn không chịu dừng lại. Hắn chỉ tay vào mặt Mạnh lè nhè:
– Con bé đó là gái ôm ở quán bia, đâu có phải vợ mày mà mày phát khùng lên thế?

Mạnh đã táng cả cái vỏ chai bia vào đầu hắn rồi lảo đảo về nhà. Vợ anh không có trong nhà.. . Hơi men nồng nặc bủa vây. Máu nóng bốc lên trong đầu. Những câu nói của thằng cha trong bữa rượu khiến Mạnh càng thêm điên ruột. Anh vớ chai rượu, dốc ngược. Rượu đắng xít, ồng ộc tuôn vào miệng Mạnh Nhưng lạ quá. Hôm nay Mạnh uống mãi mà không say. Gái ôm! Gái ôm! Mấy tiếng ấy cứ lởn vởn trong đầu Mạnh. Anh thấy chân tay mình ngứa ngáy, bứt rứt… Bóng dáng thằng cha khốn kiếp lởn vởn trước mặt anh… Những tiếng đổ vỡ loảng xoảng vang lên. Hình như có ai đó ôm chặt lấy anh. Mẹ kiếp! Nó đã xỏ xiên lại dám giữ anh lại à? Đã thế thì… Mạnh thấy bộ mặt của thằng cha kia chao đảo. Anh vung tay. Đồ đạc không bay nữa nhưng hình như có một người vừa ngã dúi dụi bên bậu cửa. Mạnh hả hê… Mạnh thấy tay mình nện vào một vật gì đó rất mềm. Anh không dừng lại được. Anh phải đấm vào đó cho hả giận.

Mạnh tỉnh giấc. Mặt trời chiếu những tia nắng gắt gỏng vào tận chỗ Mạnh nằm. Cốc nước lạnh để sẵn trên bàn, bên bát cháo còn âm ấm. Chắc vợ anh đã chuẩn bị sẵn. Tối qua… Thế nào nhỉ? Anh không còn nhớ gì cả. Hình như anh đã uống rất say và đã đánh nhau thì phải. Nhưng anh không nhớ mình đã đánh ai. Uống cốc nước, ăn xong bát cháo, Mạnh thấy tỉnh hơn nhưng đầu anh vẫn như có hàng nghìn hàng vạn con ong đang thi nhau xây tổ. Tiếng chúng đập cánh u u, i i bên tai anh. Mạnh loạng choạng bước sang nhà cụ Tảo. Không thấy cụ vồn vã hỏi chuyện như những lần trước. Cụ nhìn anh. Cái nhìn như trách móc. Mạnh hỏi thế nào, cụ cũng một mực lặng im. Ngồi chán, anh lê bước về nhà. Mùi khói bếp bốc lên khiến Mạnh tỉnh thêm chút nữa. Bên cửa bếp, dáng người thon thả vào ra. Vợ anh đã đi chợ về.

Mạnh không tin vào mắt mình. Gương mặt xinh đẹp của vợ anh giờ sưng húp híp. Những vết bầm tím xen những vết xước dài. Mạnh xô đến. Vợ anh nghiêng mặt tránh cái nhìn của anh. Hỏi thế nào, vợ anh cũng chỉ trả lời nhẹ nhàng: “Em đi chợ … bị ngã.” Mạnh cằn nhằn mấy câu, dặn lần sau đi cho cẩn thận rồi ngồi xuống mâm cơm dọn sẵn. Anh vô tâm không thấy vợ mình quay mặt lén lau nước mắt. Suốt bữa ăn, nhìn gương mặt bầm tím của vợ, Mạnh thấy miếng cơm nghẹn lại nơi cổ họng. Từ ngày về ở với nhau, Mạnh chưa khi nào to tiếng. Vợ anh ngoan, hiền, lại chăm chút việc nhà, có cớ gì đâu để mà nổi nóng. Nhưng Mạnh vẫn không tin chuyện vợ mình bị ngã. Anh lại lẩn thẩn sang nhà cụ Tảo.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi như những con sóng nối nhau lao vào bãi cát rồi lại mải miết lùi mãi ra khơi. Nghỉ ở nhà vài hôm để chuẩn bị và khi những vết bầm tím trên mặt vợ còn chưa tan hết, Mạnh lại lên đường theo một chuyến đi biển mới. Lần này, anh sang dặn cụ Tảo kỹ càng hơn. Giọng anh dè dặt, trầm ngâm như kìm nén điều gì đó. Cụ Tảo nhìn anh, cái nhìn thật lạ nhưng rồi cụ cũng gật đầu.

Lại một chuyến đi biển trúng mùa. Lần này, đám đàn ông cùng đi trên tàu với Mạnh lại kéo nhau lên thị trấn. Họ vừa đi tìm mối đá mới chuẩn bị cho chuyến đi sau sẵn đà lai rai một thể. Mạnh đã ngập ngừng. Anh không muốn đi nhưng không đành ở nhà trước rời chèo kéo của những người cùng hội cùng thuyền.

Bà cụ Tảo tỉnh giấc. Qua khuôn cửa sổ nhỏ, biển đã thẫm lại như lọ mực khổng lồ. Tiếng sóng dội vào đất liền nghe vừa quyến rũ vừa xa xót… Cụ Tảo không sao ngủ tiếp được. Nghe tiếng sóng vỗ róc rách vào mép bãi, cụ biết đã nửa đêm. Chợt cụ nghe như có tiếng ai thút thít ngoài thềm. Tiếng thổn thức ngày một rõ. Cụ Tảo đẩy cửa… Vợ Mạnh nhào vào. Khuôn mặt lại bầm giập rớm máu trong ánh đèn tù mù. Cụ Tảo thở dài:
– Nó lại say rồi phải không? – Người phụ nữ gật đầu, gương mặt nhoè nhoẹt nước.
– Sáng mai tao phải bảo nó mới được… Lần này thì không có ngã ngạy gì đâu nhá. Không thể để nó mãi thế được. Con người có đâu cục đất.
– Thôi bà ạ. Anh ấy vất vả. Anh ấy uất ức. Chắc lại có kẻ nào đó xúc xiểm. Mà cũng tại con chẳng ra gì. Ai bảo trước đây con lại đi làm nghề ấy.
– Thì mày cũng có muốn thế đâu. Tại bị lừa gạt nên mới thế… Cụ Tảo an ủi.
– Nhưng dù sao đấy cũng là nỗi đau của anh ấy. Anh ấy đã cứu con ra khỏi chốn nhơ nhớp, giờ anh ấy muốn đánh chửi con thế nào con cũng cam lòng.
– Không được. Vợ chồng còn có cái nghĩa. Chấp nhận lấy nhau rồi, chia xẻ, gánh đỡ cho nhau còn chưa ăn ai, huống hồ còn vật vã với quá khứ để hành hạ nhau làm gì. Thằng này chỉ mượn rượu…
– Không phải anh ấy mượn rượu đâu. Anh ấy cũng buồn khổ lắm. Thôi con về đây. Mai bà đừng nói gì bà nhé, kẻo anh ấy lại nghĩ…

Nhưng nhìn gương mặt bầm tím của người đàn bà tội nghiệp, cụ Tảo không thể im lặng mãi. Sáng hôm sau, khi Mạnh loạng choạng bước sang, cụ đã nói hết. Ngồi nghe cụ Tảo nói, Mạnh ôm mặt khóc. Anh không nghĩ mình khốn nạn đến thế. Đúng là anh buồn. Đúng là anh cay cú khi nghe người ta nhắc lại quá khứ của vợ mình. Anh đâu có định đánh chị. Anh chỉ buồn, chỉ giận những kẻ lắm lời đưa chuyện… Nhưng người ta chẳng thể kiểm soát được những việc mình đã làm trong lúc say và anh đấm vào mặt chúng nó đấy chứ. Mạnh hứa sẽ không uống rượu nhưng Mạnh không thực hiện được. Sau những chuyến đi biển, trong những cuộc rượu tàn canh, Mạnh lại say khướt và ngày hôm sau, khuôn mặt vợ Mạnh lại bầm giập, tím tái. Và người đàn bà ấy vẫn không một lời phàn nàn. Những người phụ nữ trong xóm chài nghèo phẫn nộ thay cho chị. Bà cụ Tảo giận Mạnh ra mặt. Sau mỗi lần say, Mạnh lại vác bộ mặt hối lỗi sang nhà cụ Tảo và sau mỗi lần đi biển, Mạnh lại là người đàn ông trụ cột của cả hai nếp nhà nghèo khó ấy.

Cơn bão biển ập đến chẳng hề báo trước. Trước đó hai ngày, những con tàu nhẹ tênh của xóm chài nghèo nối đuôi nhau rẽ sóng xa khơi. Khi ấy, bước lên boong, Mạnh còn ngoái đầu dặn vợ:
– Ở nhà nhớ trông nom cụ Tảo cẩn thận. Mấy hôm nay, cụ khó ở đấy. Tôi đi chuyến này cùng lắm chỉ nửa tháng là về thôi.
Sóng gió ầm ào át đi tiếng nói của anh. Chỉ thấy vợ anh đứng ngóng mãi nơi chân sóng. Cái dáng cao gầy của chị lẻ loi, mảnh khảnh trước những cơn gió từ biển thổi vào ào ạt. Mấy người phụ nữ đứng cùng vợ anh lầm bầm: “Lâu về, vợ càng đỡ bị đòn”.

Cơn bão đi qua. Cả xóm chài xơ xác. Cả xóm chài ngơ ngác. Không ngày nào không có người ra bãi biển ngóng người thân. Những chiếc tàu mang theo niềm vui của các gia đình lần lượt vào bờ. Tám tàu đi, bảy tàu đã cập bến, chỉ duy nhất có tàu của Thiên và Mạnh là chưa thấy trở về. Nửa tháng, rồi một tháng trôi qua. Ngày nào vợ Mạnh cũng ra bãi biển ngóng chồng. Biển vẫn xanh ngăn ngắt. Sóng vẫn vô tâm vỗ ào ào và gió vẫn thì thào ve vuốt. Nhìn dáng vẻ cô độc của chị trên bãi biển mỗi lúc hoàng hôn, những người đàn bà xóm chài không đành lòng. Họ đã khuyên nhủ chị nhiều. Nhưng dường như tất cả niềm vui, hạnh phúc, nỗi đau chị đã gửi cả vào Mạnh. Anh không về, mái nhà với chị chỉ còn là cái xác khô. Thật vô lý nhưng chị mong chờ quay quắt những trận đòn đến bầm giập mặt mày của chồng. Chị khao khát được thấy lại những cái tát nảy lửa. Còn những điều đó, cho dù đớn đau cũng có nghĩa là anh còn có mặt. Nhưng biển xanh vẫn vắng. Không một bóng tàu nào tiến vào bờ từ ngoài khơi.
Trên trời, bóng con hải âu lạc đàn lượn vòng kêu chíu chít.

Mạnh không về. Ngôi nhà chỉ có mình chị chông chênh trên bãi biển. Nhà vắng đàn ông. Mụ chủ cũ đã có lần chập chờn bắn tin đến chị. Người đàn bà như con thỏ đã một lần mắc bẫy. Chị hoảng sợ. Không còn người che chở. Chị rối trí thật sự. Bà cụ Tảo đã già. Những người khác trong làng cũng không thể chắn che cho chị mãi. Người xóm chài thấy chị lang thang dọc bãi biển nhiều hơn. Thân hình thon thả trước kia của chị giờ gầy rộc như cái xác ve vừa lột. Mái tóc dài bết lại, đỏ quạch, khô như chết chị cũng chẳng thèm chăm chút. Chị cứ đi như thế. Mặt trời bắt đầu chênh chếch bên rặng núi phía biển xa là lúc chị đi dọc bờ cát, dõi ánh nhìn ra phía xa xăm. ánh nhìn thất vọng, vô hồn. Rồi chị cất tiếng gọi. Chị không gọi tên anh, chị cứ “chồng ơi” mà gọi. Chẳng có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng sóng gió nhại lời chị vọng lại thêm khắc khoải. Ngày nào chị cũng đi, cũng gọi như thế. Chị gọi đến lúc không thể cất tiếng được nữa, khi biển sẫm lại thành cái chảo mực khổng lồ, và những đèn câu ngoài xa nhấp nháy vằn đỏ như mắt người say thì chị buông mình nằm úp mặt xuống đất thì thầm với cát. Chị hy vọng sóng biển đẩy mình tìm đến được chỗ anh… Không ai hiểu được chị. Những người đàn bà trong xóm chài làm sao có thể hiểu được nỗi đau của chị khi mất anh. Họ chỉ thấy anh là con người cục cằn thô lỗ và vũ phu đến tàn bạo. Họ đâu có hiểu anh chính là người đã cứu vớt cuộc đời chị ra khỏi vũng bùn đen. Và họ cũng không thể hiểu được tình yêu chị giành cho anh không đơn thuần chỉ là tình yêu của người đàn bà giành cho người đàn ông mà còn là của một tín đồ với một đạo chủ. Dẫu có trăm nghìn vạn lần bầm giập thì với chị, anh vẫn là người đàn ông tuyệt vời nhất. Chỉ có bà cụ Tảo… Bà thương và xót xa cho số phận chị. Chỉ có bà cụ mới dỗ dành được chị về nhà. Tình thương của người mẹ già nua khiến chị nguôi ngoai phần nào. Mỗi đêm, khi bầu trời tưởng chừng đã liền với mặt biển thành một khối thì những khúc hát ru của cụ lại khiến chị miên man chìm dần vào ký ức tuổi thơ. Chị thấy mình đang bay… Thanh thản và nhẹ nhõm. Anh đang ở phía trước mặt. Chị thiếp đi… Và sáng hôm sau chị lại tất tả ra chợ, nhập vào đám phụ nữ tảo tần buôn bán để lúc chiều về, khi mặt trời chiếu những tia nắng quái xuống mặt biển, chị lại đi dọc bãi cát, cất lên những tiếng gọi chồng tha thiết não nùng.

– Chồng ơi! Ha ha ha… Chồng!… Hơ hơ hơ… Chồng ơi!
Những tiếng gọi thảm thiết cùng chuỗi cười sắc lạnh lại lan dài dọc bãi biển. Xóm chài nhỏ bé thập thõm bên bờ đã quá quen với những âm thanh này. Bọn trẻ con không còn khóc thét lên khi bất ngờ nghe thấy tiếng gọi ấy trong đêm nữa. Chỉ những người phụ nữ của xóm chài là còn chú ý. Họ chờ đợi tiếng ru… Họ chờ đợi để san sẻ.

Biển đêm nay lạ lắm. Những con sóng chồm lên lấp lánh chớp lân tinh. Tiếng sóng gầm gào cứ như muốn than thở, thông báo điều gì. Và cả tiếng gọi, tiếng cười của người đàn bà ấy nữa. Không dứt… Không thôi. Lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng… Đua cùng tiếng biển tiếng trời… Vọng vào âm âm, da diết.

Bỗng có tiếng hú dài nổi lên. Tiếng hú lúc đầu còn u u như tiếng thổi vào vỏ ốc, rồi vang xa, rõ dần và nổi hẳn trên mặt sóng. Giọng hú của một người đàn ông. Tiếng hú như đáp lại tiếng gọi, tiếng cười của người đàn bà tội nghiệp. Tiếng hú hoà quyện trong tiếng gió, tiếng sóng, hoà vào tiếng gọi, tiếng cười. Cả xóm chài lao ra bãi biển. ánh đuốc bốc cao phần phật soi sáng những gương mặt người rạng rỡ. Tiếng khóc chen tiếng cười… Mạnh và Thiên đã trở về. Anh đã thoát chết trong cơn bão ấy. Một chiếc tàu nước ngoài đã may mắn cứu được hai anh khi họ đang lênh đênh trên một miếng ván vỡ ra từ vỏ tàu. Ai cũng xuýt xoa khen họ có phúc. Nhưng cụ Tảo và những người đàn bà xóm chài một mực quả quyết: Mạnh thoát chết chính nhờ vào tiếng gọi của người đàn bà anh đã cứu ra từ quán bia trong bữa rượu chiều ấy.

Chồng chị đã trở về. Biển đã hào phóng trả anh về với chị. Nước mắt chị hoà nước biển. Người đàn bà bỗng giang tay sấp mình xuống mặt nước. Chị uống lấy uống để những ngụm nước biển vào lòng – thứ nước mặn chát chẳng bao giờ con người muốn uống. Lạ chưa, nước biển đêm nay ngọt như thuở hồng hoang./.

 

 

 

Trương Thị Thương Huyền

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *