Lê Thiếu Nhơn
Nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn quan niệm rằng: “Chữ nghĩa của dân tộc nào luôn nặng trĩu hồn vía của dân tộc ấy. Thơ Việt mà không có hồn vía người Việt thì chia sẻ điều gì với nhân loại? Giá trị truyền thống không nằm ở đâu xa cả, nằm ngay trong nếp ăn nếp nghĩ đã chuyển hóa thành hồn vía người Việt. Người Mỹ đọc thơ Việt mà thấy cũng giống như thơ Mỹ thì họ đọc làm chi?”
Dưới đây là cuộc trò chuyện của nhà báo Phong Điệp với Lê Thiếu Nhơn về thơ trẻ.
Phải tỉnh táo mới mong thoát khỏi “ảo giác”:
+ Xin bắt đầu cuộc trò chuyện của chúng ta bằng chính tiêu đề bản tham luận anh mang đến Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh cuối tháng 8 vừa qua: Giải mã ảo giác thơ trẻ. Tại sao lại là “ảo giác thơ trẻ”, thưa anh?
– Thực sự hai chữ “ảo giác” đã đeo bám tôi nhiều năm, mỗi khi nhắc đến hay nghĩ đến đời sống thơ trẻ. “Ảo giác” vì sự mơ hồ của chính những người làm thơ trẻ, vừa ngạo nghễ lại vừa tự ti, đầy hãnh tiến mà cũng đầy mặc cảm.
Khi đối diện với trang thơ của mình, không ít những người làm thơ trẻ say sưa với những chuyện ngoài thơ hoặc những viễn cảnh vinh quang do thơ mang đến. Đáng buồn nhất là vài bạn đồng hành của tôi không dám nhìn thẳng vào giá trị tác phẩm bản thân mà hình thành suy nghĩ có ai đó đang cố tình kiềm hãm tài năng mình.
Thời buổi chen lấn danh lợi, những ai còn cặm cụi làm thơ và còn dám vượt qua cái nhìn nghiêm khắc của đội ngũ cán bộ thuế mẫn cán luôn quyết tâm quyết chí tận thu thuế thu nhập cá nhân, thì cũng đã là thiểu số cần nâng niu rồi. Thế nhưng, người làm thơ trẻ phải tỉnh táo mới mong thoát khỏi “ảo giác”.
Con đường văn chương nghệ thuật luôn ngập tràn những lời bốc thơm kiểu “bong bóng xà phòng” và những tràng vỗ tay phù phiếm, sơ sảy nhẹ dạ thì coi như hỏng cả cuộc đời. Tôi có người bạn làm được mấy câu thơ có vần có điệu, có ảnh hưởng anh Tây, có bắt chước ông Tàu nhưng được mấy nhà thơ lớn tuổi và lớn giọng xúm vào tung hô lên mây xanh, nên quanh năm suốt tháng cứ lảm nhảm đi đọc thơ khắp nơi. Năm nay người bạn ấy ngoài 30 tuổi, mà chả làm nên cơm cháo gì. Cay đắng nhất là bà mẹ của người bạn ấy, mỗi khi ai đó nói đến đứa con dại dội thơ phú của mình, bà mẹ ôm mặt khóc rưng rức, khóc như sắp bị lột da hay bị treo cổ. Đấy, xót xa chưa, nếu không làm thơ mà không thấy dằn vặt hay đau khổ gì, thì tốt nhất hãy tránh xa thơ cho sướng cái thân.
+ Anh nói ra điều này khiến tôi chạnh nghĩ đến mấy câu của các cụ thế kỷ trước: “cơm áo không đùa với khách thơ”…
– Các cụ ngày xưa đáo để lắm, các cụ phân định “nghề tay phải” với “nghề tay trái”. Anh chọn nghề văn chương là tay phải hay tay trái thì cũng đói là cái chắc. Vì trời sinh mỗi người có hai tay mà, anh phải lao động cả hai tay mới đủ ăn chứ.
Thế hệ chúng tôi phần lớn viết báo tay phải, viết văn tay trái, nên thỉnh thoảng giới thiệu công việc của mình với người khác cứ nôm na là “nghề nghiệp cầm bút” cho xong.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra tôi thấy hiện nay nước ta có ba dạng người cầm bút đấy chị ạ. Dạng thứ nhất, một tay viết còn một tay lau mồ hôi vì cực nhọc đời thường. Dạng thứ hai, một tay viết còn một tay lo nhặt tiền lẻ. Dạng thứ ba, một tay viết còn một tay giữ ghế, và khi cần sẽ buông luôn cái tay cầm viết để dùng hai tay giữ ghế cho chắc!
+ Anh viết: “Bằng thái độ sòng phẳng và cầu tiến để nói thẳng với nhau thì làng thơ và bạn đọc đều thừa nhận mấy năm qua chưa có “thương hiệu” thơ trẻ”. Tôi e rằng khi nghe điều này, nhiều nhà thơ trẻ của ta sẽ giẫy nảy lên. Chí ít chúng ta cũng có những cái tên đứng được ít nhiều trong lòng công chúng đấy chứ. Anh nghĩ sao?
– Thì chị cũng chỉ dừng lại bằng “cái tên đứng được ít nhiều” thôi mà. Chân trời sáng tạo rộng lớn lắm, đừng lấy vài chục người xung quanh biết mình làm thơ mà vội vàng vỗ ngực ta đây đã là nhà thơ.
Theo tôi, để có một thương-hiệu-thơ thì tối thiểu sau khi đọc thơ tác giả ấy, người ta không cần đọc sơ yếu lý lịch nữa. Nói dễ hiểu hơn là trên những tập thơ trẻ đang được khen ngợi hồ hởi hiện nay, công chúng vẫn chưa thấy rõ nét cá tính của tác giả, vui buồn của tác giả, khao khát của tác giả, quê kiểng của tác giả, thời đại của tác giả.
Có thể những đòi hỏi đó quá nhiều, nhưng biết làm sao được, chấp nhận dấn thân vào vòng quay sáng tạo, nhà thơ thế kỷ 21 phải biết nhìn xa hơn, phải biết nghĩ lớn hơn, mới mong cùng đất nước này hội nhập với thế giới. Theo tôi cái kiểu nói “tôi làm thơ cho riêng tôi” tưởng rằng cao đạo lắm, nhưng thực chất bộc lộ sự yếu hèn trong tư cách một người cầm bút chuyên nghiệp.
+ Nhưng nếu ai đó biện minh: tôi làm thơ để giải mã chính mình, không mong khoác cái danh “nhà thơ của thế kỷ”. Và trong thơ, tôi cũng bộc lộ rõ ràng cá tính của mình, những vui buồn, những khao khát của mình, và còn có cả tâm thế của mình về thời đại này nữa. Sao có thể gọi đó là “sự yếu hèn trong tư cách cầm bút” được?
– Đi đến tận cùng cái tôi sẽ gặp nhân loại, hình như ai đã nói thế, và tôi cũng tin vào câu nói đó. Đáng tiếc, những câu thơ được biện minh “giải mã chính mình” không đủ sức chinh phục ai, nên rốt cuộc chỉ quẩn quanh cái tôi hẹp hòi và ích kỷ.
Nếu làm thơ để thỏa mãn cá nhân thì in ra làm gì, giới thiệu trên mạng làm gì? Chính vì bản năng tự vệ mọi lúc mọi nơi theo phương pháp đất lề quê thói, mà nhiều cuộc tranh luận trên văn đàn kết thúc bằng hai hình ảnh trái ngược: hoặc hờn dỗi như con ốc chui vào trong vỏ, hoặc giận dữ như con nhím xù lông!
+ Anh nhận xét: “Hầu hết nhà thơ trẻ đều trình làng những câu thơ ngổn ngang: ngổn ngang bất lực, ngổn ngang trách móc, ngổn ngang hoài niệm, ngổn ngang đợi chờ… Đó là một trạng thái ngổn ngang chuẩn bị bứt phá thoát khỏi mùa màng bội thu thơ cũ lấy vần điệu du dương làm cảm hứng nghệ thuật”. Những sự “ngổn ngang” này liệu có phải là tâm thế, là diện mạo của thơ trẻ hiện nay hay là gì khác?
– Ngoài dăm ba cây bút khoái trá với những trò khoa trương son phấn, những người trẻ nghiêm túc suy nghĩ cho tương lai Việt Nam đều rất ngổn ngang, chứ không riêng các nhà thơ trẻ.
Tôi và chị cứ thành thật nhìn thẳng vào cuộc sống hôm nay mà xem, giữa ngùn ngụt xa hoa và thành đạt, đang nhói lên lòng chúng ta một trực cảm rằng nhiều giá trị cũ đang mai một đi mà giá trị mới chưa kịp hình thành. Giới trẻ bây giờ đủ thông minh và nhạy bén để biết xã hội còn không ít điều nhiễu nhương, người tài và người tốt lạc lõng như áo gấm đi đêm.
Thử hỏi, nếu người cầm bút không trình bày trạng thái ngổn ngang ấy thì ai nói hộ hàng triệu trái tim đang đau đáu, đang ngập ngừng trong nhân dân?
+ Và người làm thơ còn ngổn ngang biết mấy giữa cuộc sống bon chen đời thường, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ” mà. Có người lo chạy quảng cáo, có người đi bán mỹ phẩm, bán quần áo và đủ thứ nghề để… nuôi thơ. Nhưng có khi đeo đẳng kiên trì đến mấy, anh vẫn chỉ là nhà thơ… vô dụng. Đấy, có những chuyện như thế…
– Thì riêng tôi tuy không phải đối mặt với cảnh thiếu trước hụt sau, nhưng lắm lúc cũng dở khóc dở cười trong các mối quan hệ xã hội.
Nhớ lại chuyện này mắc cỡ ghê lắm.. Tôi đến thăm nhà người yêu lần đầu tiên, bố cô ấy là một doanh nghiệp tầm cỡ ở khu vực Chợ Lớn – Sài Gòn, ông hỏi: “Cậu làm nghề gì?”. Tôi thưa: “Dạ, cháu làm thơ!”. Do giọng miền Trung của tôi khó nghe, nên ông ấy nghe thành “làm thuê” nên có lời động viên: “Làm thuê rồi sẽ có ngày làm chủ, không có gì phải ngại!”. Tôi vội vã đính chính: “Dạ không, cháu làm thơ. Tức là làm ra mấy câu thơ hay được in nhỏ xíu ở một góc tờ báo đấy!”. Bố của cô người yêu trầm ngâm một lát rồi bảo: “Cậu muốn lập gia đình thì phải kiếm nghề nào đàng hoàng hơn một chút để làm chứ!”
Thơ trẻ sẽ hướng tới một diện mạo thành thật
+ Anh viết trong tham luận của mình: “Những câu thơ buồn nhiều hơn vui ấy đang trực tiếp dự báo về diện mạo thi ca khác”. Diện mạo đó là gì – theo hình dung/ đánh giá của anh?
– Thơ trẻ sẽ hướng tới một diện mạo thành thật. Tôi tiên liệu nền văn học nước ta chuẩn bị đón nhận một dòng thơ không tỉa tót, không trang điểm mà đề cập trực diện vào đời sống. Giữa thị phi xô đẩy, nhà thơ chân chính cũng nên chìa vai gánh vác trách nhiệm nâng đỡ cái đẹp đang bị che khuất, bênh vực cái thiện đang bị dập vùi.
+ “Một dòng thơ không tỉa tót” – liệu có làm thay đổi đi tính trữ tình, tinh tế, hàm xúc – vốn là những giá trị không thể phủ nhận của thơ ca truyền thống?
– Không tỉa tót ở đây nên hiểu là không thương liễu nhớ mai, không than mưa trách bão, không điệu đà rào đón, không uốn éo dạ thưa… Không tỉa tót không có nghĩa là phủi sạch tính trữ tình, tinh tế, hàm xúc mà chuyển biến những ưu việt thơ truyền thống đi thẳng, đi nhanh hơn vào lòng người đọc!
+ Việc anh kêu gọi “nhà thơ chân chính chìa vai gánh vác trách nhiệm nâng đỡ cái đẹp đang bị che khuất, bênh vực cái thiện đang bị dập vùi” – có thể gọi là “trách nhiệm công dân” của nhà thơ được chăng?
– Tôi cảm thấy đã đến lúc chúng ta phải nỗ lực để thay đổi hình ảnh nhà thơ trong mắt mọi người rồi, chị ạ. Nhân dân sẽ không cho anh nhà thơ vô dụng chỉ vì thấy anh ít tiền đâu, vô dụng vì anh không chứng minh được sự có mặt của anh trong đời sống này mới đáng lo sợ.
Tôi cho rằng nhà thơ phải có cái phẩm chất công dân là biết thao thức với đất nước, thao thức với dân sinh, thao thức với sự tiến bộ. Chưa biết tác phẩm của mỗi người ra sao, nhưng tôi kính trọng một anh nhà thơ có dịp ra nước ngoài tham quan thấy người ta thịnh vượng quá thì lập tức cảm thấy sốt ruột muốn quay về làm ngay một chuyện gì đó cho xứ sở mình.
Ngược lại, tôi thấy xấu hổ cho một anh nhà thơ đi du lịch nước ngoài mà kỷ niệm khoe với bạn bè chỉ dăm bức ảnh chụp ở các khu nghỉ mát cao cấp! Sự khác biệt giữa hai anh nhà thơ trên nằm ở “tấm lòng để gió cuốn đi” mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết nên ca khúc đầy trắc ẩn!
+ Anh cho rằng: “So với lớp người đi trước, nhà thơ trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp xúc với thế giới rộng lớn. Tuy nhiên, trên xa lộ internet không bờ không bến, không ít bạn trẻ đã bị ngộ độc thông tin”. Đây có phải là “tính hai mặt” của “xa lộ internet không bờ bến” mà người viết trẻ chưa trang bị đầy đủ bản lĩnh cho mình để không bị cuốn sâu vào đó một cách thiếu kiểm soát?
– Đúng, tôi và bạn bè cùng thế hệ tiếp xúc với cơn sốt kết nối toàn cầu như những anh nhà quê lơ ngơ bước chân ra thành phố vàng thau lẫn lộn, mua nhầm hàng giả, hàng kém phẩm chất cũng là điều khó tránh khỏi. Thậm chí ai cả tin quá mức thì không khéo còn yêu nhầm một người ngàn lần không đáng yêu ấy chứ!
+ Và cũng nhờ internet, rất nhanh chóng nổi lên “dòng văn chương mạng” – xin tạm gọi như vậy. Có cảm giác nhà nhà cùng viết, người người cùng đăng tải một cách thoải mái trên mạng. Xin anh bình luận?
– Không thể nói khác hơn, mạng internet là cánh cửa mở cho văn chương thời kỹ thuật số. Hiện nay đã xuất hiện không ít trang web cá nhân hay những blog của các tác giả nổi tiếng và chưa nổi tiếng, như những tín hiệu đáng mừng cho mong muốn đưa tác phẩm đến với công chúng rộng rãi hơn, cập nhật hơn, đầy đủ hơn.
Bên cạnh mặt tính cực cũng có mặt tiêu cực, vài người láu lỉnh nào đó cứ nghĩ cái nickname trên mạng không ai để ý nên viết nhăng cuội, thậm chí tranh thủ thóa mạ đồng nghiệp.
Không phải lỗi của công nghệ thông tin. Các chuyên gia quản lý mạng không có khả năng và cũng không có nhu cầu “đánh chặn” sự tầm thường và rẻ rúng vốn luôn là đối cực của nhân cách. Chúng ta cứ lạc quan hoan nghênh văn chương mạng, chỉ cần nhớ trước khi gõ “www” hãy kiểm tra lại bản thân có mang theo “bức tường lửa” bản lĩnh văn hóa của người cầm bút hay không?
Không ít nhà thơ trẻ không đủ dũng cảm soi gương chính mình
+ Anh nhận xét: “Với khả năng ngoại ngữ có lẽ cũng vừa đủ xài, vài nhà thơ trẻ vớ được những hình thức thơ đã thải hồi ở phương Tây như “thơ hậu hiện đại”, “thơ dự phóng”, “thơ trình diễn” và hớn hở reo lên bằng tâm trạng phấn khích của người đi biển hú họa gặp được mảnh lưới rách vương vãi trên sóng nước trùng khơi”. Nhưng những nhà thơ trẻ này có thể biện minh rằng: đó là sự tiếp thu có sáng tạo, là quá trình “hội nhập” với văn chương thế giới?
– Chị có tin một người chưa bao giờ thấy cái tivi mà có thể nhảy ngay vào chợ để mua được cái tivi chất lượng tốt nhất không? (Nếu có, thì tôi khuyên người này nên mua vé số, vì biết đâu ông trời lại cho trúng giải độc đắc!) Chúng ta phải cho phép người ấy mua một hoặc vài cái tivi dỏm để lấy kinh nghiệm đau thương chứ. Quan trọng nhất là phải bình tĩnh để tự rút ra bài học qua những lần bị “hố hàng”.
Nếu có mơ ước hội nhập thì không những phải biết cách đánh giá chất lượng tivi mà còn phải sáng tạo ra cái tivi dán nhãn “made in Cu Tí” hay “made in Cu Tèo” để mang vào siêu thị điện máy bán cho thiên hạ!
Thời này không gian lận thương mại hay ăn cắp bản quyền được đâu. Thu thập thật nhiều thông tin và chọn lọc thông tin chuẩn mực mới tạo nên thế mạnh cạnh tranh được. Không thể lượm lặt vài ba linh kiện tivi ở ngoài bãi rác rồi mang về nhà lắp ráp lại, và đi chào mời khắp nơi rằng đây là tivi do người Việt sáng chế hiện đại nhất thế giới. Làm vậy vừa mất thời gian và công sức của mình lại vừa làm trò cười cho kẻ khác. Những người thông minh và cầu tiến không ai làm vậy!
+ Anh đánh giá: “Có lẽ do hơi vội vã muốn lập công, có lẽ do hơi nôn nóng muốn nổi tiếng, vài nhà thơ trẻ đã nháo nhào “đi tắt” một cách nguy hiểm. Họ bỏ quên giá trị truyền thống vốn luôn là cột mốc khởi hành cho mọi bứt phá đỉnh cao”. Nếu có nhà thơ trẻ phản bác lại bằng luận điểm: tôi/ chúng tôi thiết lập nên một giá trị hoàn toàn mới, thoát li hẳn cái gọi là truyền thống. Bởi có công thức nào cho việc sáng tạo này đâu?Thì anh nói sao?
– Thế xương cốt của nhà thơ ấy là xương cốt Tây à? Thế ngôn ngữ của người ấy là ngôn ngữ Tây à?
Chữ nghĩa của dân tộc nào luôn nặng trĩu hồn vía của dân tộc nấy. Thơ Việt mà không có hồn vía người Việt thì chia sẻ điều gì với nhân loại? Giá trị truyền thống không nằm ở đâu xa cả, nằm ngay trong nếp ăn nếp nghĩ đã chuyển hóa thành hồn vía người Việt. Người Mỹ đọc thơ Việt mà thấy cũng giống như thơ Mỹ thì họ đọc làm chi?
Điều mà tôi gọi “đi tắt” chính là nhiều nhà thơ trẻ chưa hiểu ưu điểm người Việt khác với thế giới chỗ nào, chưa hiểu ưu điểm tiếng Việt khác với thế giới ra sao, nên họ học tập thơ Tây không thể cải tiến thơ Việt mà học tập thơ Tây để làm… thơ Tây bằng tiếng Việt.
Người khôn ngoan và bản lĩnh sẽ nhận ra ngay những bài thơ cách tân vội vàng ấy vẫn còn rất ngu ngơ, rất non nớt và rất đáng tội nghiệp.
Không có công thức cho sáng tạo nhưng có chân lý cho sáng tạo, đó là thành tựu tự thân của tác phẩm. Trên giấy trắng mực đen, mọi thứ rõ ràng lắm. Một bài thơ hay, một giá trị mới (và có sức thuyết phục, chứ không phải mới kiểu cởi hết quần áo chạy lông nhông mà reo mừng về thứ thời trang mới nhất, mô-đéc nhất, digital nhất!) có khả năng vượt qua ranh giới tất thảy yêu ghét riêng tư, không bao giờ rơi vào thảm cảnh cả hành tinh chống lại một con người.
+ Anh cho rằng: “Không ít tác giả chỉ mới võ vẽ vài ba dòng tạm gọi là thơ, nhưng khoái khoe mẽ hiện đại cũng lao vào lật ngược lật xuôi con chữ, nói ngô nói ngọng dăm ý, rồi tự vuốt ve rằng mình đã đi trước thiên hạ. Sự thiển cận và vụng về này hình như cũng đã len lỏi vào những tác giả không còn trẻ”. Liệu có thể gọi đây là sự thiển cận và vụng về hay không, bởi những nhà thơ này có thể tự bênh vực cho mình rằng: họ đang nỗ lực đổi mới thơ. Trong những bước đầu đi “khai phá” tôi có thể thất bại nhưng không có gì khiến tôi có thể lùi bước. Sự dũng cảm, thiết nghĩ cũng cần được khích lệ trong sáng tạo nghệ thuật đấy chứ, thưa anh?
– Không ai chê bai sự dũng cảm, thậm chí không ai nỡ nghi ngờ sự dũng cảm giả vờ. Thế nhưng, sự dũng cảm đáng trân trọng nhất là dũng cảm nhận ra khiếm khuyết của mình, dũng cảm nhận ra mình là ai và mình đang ở đâu để khỏi ngộ nhận “mình đã đi trước thiên hạ”.
Rất tiếc, không ít nhà thơ trẻ không đủ dũng cảm soi gương chính mình mà cứ mê mải chạy theo những ý nghĩ huyễn hoặc cá nhân. Tôi luôn ủng hộ nỗ lực đổi mới thơ, tôi chỉ phê phán các trường hợp không tự lượng sức, chưa tập bò đã gào réo đòi thi chạy, mới chập chững tập đi đã nhanh nhảu ứng thí cuộc maratong bất tận thi ca.
Những người làm thơ đôi khi đắm đuối quá, bay bổng quá nên cứ nhầm đôi chân trên đất như đôi cánh trên trời. Nhà thơ không chịu chấp nhận thực tế thì chẳng khác gì một người chỉ có trong tay một triệu đồng (tiền Việt Nam, chứ không phải đô la Mỹ) mà hăm hở đi mua nhà mặt tiền ở phố Tràng Tiền – Hà Nội hay đường Đồng Khởi – TP Hồ Chí Minh.
Trường hợp ấy phải lý giải bằng hai cách: hoặc là sức khỏe tâm thần đã đến lúc phải gặp bác sĩ chuyên khoa, hoặc là giới tính lệch lạc đến mức mụ mị. Phần lớn “ảo giác thơ trẻ” hình thành từ sự trớ trêu này, chị à!
Thật lòng tôi thấy thương hại những người trong tay chỉ có một muỗng đường mà khăng khăng làm cú “ngọt – hóa Thái Bình Dương”.
+ Có người cho rằng nhà thơ phải là một… phu chữ (hay cu-li chữ)? Còn anh?
– Danh xưng “phu chữ” nghe không được hay ho lắm, nhưng bản chất thì đã hơi gần với quan niệm thơ của tôi. Tuy nhiên, đối với tôi xin được bổ sung thêm, chữ của nhà thơ không chỉ đơn thuần là chữ loằng ngoằng khi viết hay rủng rẻng khi đọc, mà chữ phải lung linh nước mắt và xa vắng nụ cười của con người. Ít nhất chữ-thi-sĩ phải chuyển tải được khóc cười thân phận nhà thơ trước run rủi nghĩa tình.
+ Tôi rất đồng ý với anh khi nói rằng: “Bạn đọc chỉ cần thơ hay, chỉ cần những câu thơ mang lại giá trị tinh thần mới”. Và tôi muốn dừng lại ở đây một chút. Bạn đọc của chúng ta ngày nay rất đa dạng. Có môt nhà thơ trẻ, sáng tác rất nhiều. Thơ của anh ta, người chê là như vè, nhưng có không ít độc giả trẻ lại rất “khoái”, coi như thần tượng. Vì vậy cái gọi là “thơ hay”, “những câu thơ mang lại giá trị tinh thần mới” để có thể định lượng được rõ ràng cũng không dễ dàng chút nào, anh có nghĩ như vậy không?
– Xã hội càng phát triển, tự do cá nhân càng được giải phóng và hiển nhiên là văn hóa đọc càng được phép đa dạng hơn. Độc giả thơ cũng có quyền chọn lựa theo sở thích mỗi người. Và nhà thơ trẻ như chị nói, cũng đã cảm thấy hạnh phúc vì tác phẩm của anh ta góp phần vun đắp cho một số tâm hồn còn cần đến thơ. Nếu chúng ta không thể chia ngôi thứ những loài hoa khác nhau thì hãy học sự bao dung của thiên nhiên. Hoa hồng cứ rực rỡ theo cách hoa hồng, cho tình nhân nghĩ đến tình nhân. Còn hoa dại cứ dịu dàng theo cách hoa dại, cho người lỡ làng an ủi người lỡ làng.
+ Anh nghĩ sao về khẳng định của nhà thơ Inrasara (cũng tại Hội thảo trên) rằng: Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần?
– À, nhà thơ Inrasara rất vui tính, anh ấy có thói quen hấp dẫn là hay đùa với những vấn đề nghe có vẻ to tát. Chứ trí tuệ của anh ấy thì kinh lắm, anh ấy thừa trí tuệ để biết cách mạng thơ cũng có tầm vóc lớn nhỏ khác nhau.
Dù anh ấy tế nhị không nói ra, nhưng nhìn thái độ đăng đàn diễn thuyết vô cùng nhiệt tình của anh ấy ở Hội thảo Thơ, thì tôi dám chắc rằng anh ấy đã nhận ra sự thật đơn giản: thơ Inrasara đã khác thơ thế hệ trước anh, và thơ tôi cũng đã khác thơ Inrasara về tư duy thẩm mỹ, về thái độ sống và phần nào về cách biểu đạt. Theo đánh giá hơi hồn nhiên của tôi thì một cuộc “cách mạng vũ trang” cũng cần có sự chuẩn bị và bồi đắp, chứ đừng nói một “cuộc cách mạng thơ”!
+ Vậy cá nhân anh có tin tưởng một “triển vọng” tươi sáng, một cú bứt phá ngoạn mục của thơ trẻ trong tương lai không xa?
– Tin chứ! Nếu không tin, tôi đã chuyển sang đam mê khác từ lâu. Một ông thầy bói xem tử vi cho tôi phán rằng: “Cung điền thổ của cậu rất tốt, đi cò đất sẽ phất lên ngay!”. Và tôi cũng có nguyên cứu sự nghiệp của những người giàu nhất trên thế giới rồi, ngoại trừ Bill Gates, hầu hết tỷ phú đều nhân đôi tài sản nhờ địa ốc.
Thế nhưng, với khoản thu nhập nho nhỏ từ nghề báo và nhu cầu chi tiêu cá nhân không lớn, tôi vẫn dành thời gian (đáng lẽ nên dùng nghiên cứu hằng hà sa số thông tư, nghị định mua bán bất động sản, lẫn các loại sổ đỏ, sổ vàng, sổ xanh, sổ tím…) để lặng lẽ đọc thơ và làm thơ.
Trước mắt, tôi chưa tưởng tượng được, nếu không có thơ thì một dân tộc có truyền thống thi ca như Việt Nam sẽ vui buồn ra sao? Còn cá nhân tôi, đôi lần mủi lòng hay hưng phấn thường tưởng tượng vu vơ rằng, nếu không làm thơ thì biết đâu bây giờ mình đã thừa cơ hội để làm chủ tịch xã gương mẫu hay trưởng thôn văn hóa!
Mặc dù rất tiếc nhưng tôi cũng phải xin tạm dừng cuộc trò chuyện của chúng ta ngày hôm nay tại đây. Và tôi muốn mượn lời kết của anh trong bản tham luận Giải mã ảo giác thơ trẻ để khép lại cuộc trò chuyện này: “Tôi vẫn tin rằng, nếu các nhà thơ trẻ viết thật hay, thật xúc động về những ngày mình đang sống, những điều mình đang nghĩ, những giận hờn đang giằng xé, những yêu thương đang thôi thúc của bản thân thì chắn chắn sẽ chuyển tải đến bạn bè quốc tế một tâm hồn người Việt, một cốt cách người Việt, một đời sống người Việt những năm đầu thế kỷ 21!”.
Theo Văn nghệ Trẻ