Nguyễn Vĩnh Tiến và Phan Huyền Thư trong đêm thơ phố cổ – Ảnh: Nguyễn Đình Toán
“Thơ tôi nói gì?”, “2 phút sáng tạo”, diễn đàn hết sức dân chủ dành cho những nhà thơ trẻ “phát ngôn”, “lập ngôn”, “đòi hỏi” công khai diễn ra trong đêm 12-5 tại khách sạn Hoài Thành.
Diễn giả và cử tọa được xếp ngồi vòng quanh hồ bơi được thả hoa đăng, nhà thơ Hữu Thỉnh ngồi giữa, các cây bút trẻ vòng quanh…
Các MC Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương, Phan Huyền Thư liên tục “mớm cung” nhưng các nhà thơ trẻ đã “không nói được gì” trong cái đêm mà họ được quyền nói, đáng nói nhất. Đây là diễn đàn mà ban tổ chức gần như chuyển giao hẳn cho các cây bút trẻ, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng…
Nhà thơ Phan Huyền Thư bộc bạch: “Chưa bao giờ sinh hoạt văn chương mà có sự cởi mở như vậy. Chưa bao giờ người trẻ có được diễn đàn như vậy. Đáng tiếc, những người trẻ đã nhầm lẫn khi đang ở trên diễn đàn trực tiếp mà đi đòi một diễn đàn khác, gián tiếp hơn”. Đó là tờ Văn Nghệ Trẻ.
Phan Huyền Thư: Tôi được ban tổ chức giao nhiệm vụ dẫn dắt sân chơi “Hai phút cho một ý tưởng”. Thú thật, tôi hơi thất vọng vì đã hào hứng nghĩ đến một diễn đàn đầy ngẫu hứng, có sự nhập cuộc thật sự, sáng tạo, thẳng thắn và thiên nhiều về “bếp núc” của nghệ thuật ngôn từ.
Khi tôi khơi gợi: “Ngôn ngữ là nhà tù của nhà thơ và cách vượt ngục duy nhất là tạo ra ngôn ngữ mới…”, tôi đã hi vọng rằng những vấn đề về thi pháp, về cảm nhận và hơi hướng thời đại sẽ được các bạn viết chia sẻ, đối thoại…
Nhưng tôi thấy mình quá lạc lõng với cuộc tranh luận về “báo Văn Nghệ Trẻ” và những bài thơ (được đọc lên một cách níu kéo).
Tôi thấy hoang mang giữa việc “viết” và “sự cần được biết đến” của những người viết trẻ. Thật ra đối với họ, điều gì quan trọng hơn? Nếu hai phút không đủ cho họ có một ý tưởng, góp một viên gạch để xây dựng một ngôi nhà chung của những người viết trẻ thì họ cần thời gian bao lâu?
Phần lớn các ý kiến “đòi” cho được tờ Văn Nghệ Trẻ. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Tôi thấy cần phải trả lại diễn đàn Văn Nghệ Trẻ cho những người trẻ. Tờ báo được xem là “đầu ra” của những cây bút trẻ lâu nay bị lạm dụng, thậm chí rất láu lỉnh trong những vụ án kinh tế!”.
Cuộc tranh cãi Văn Nghệ Trẻ đã “già” từ khi ra đời, Văn Nghệ Trẻ đã bị vụ án hay kinh tế hóa… kéo dài thời gian đến mức đại biểu Phạm Vân Anh (Hải Phòng) phải đứng lên có ý kiến nên chấm dứt cuộc tranh cãi về tờ báo này.
Thật ra, đó là đòi hỏi chính đáng mà trước đây nhà văn Nguyễn Quang Lập – người có một giai đoạn ngắn góp công làm cho Văn Nghệ Trẻ “trẻ” – đã từng phát ngôn nhiều lần nhưng bị rơi vào im lặng.
Thơ trẻ VN hiện nay đang ở đâu? Các nhà thơ trẻ nói gì? Cuối cùng, chẳng ai nói được gì trước các bậc lão thành cha chú rất ít cơ hội chịu khó lắng nghe như lần này, cũng như những người cầm bút cùng trang cùng lứa với họ. Họ đã quá e dè, thụ động, hay gì đó thì chỉ có những người trẻ mới biết được.
MC Nguyễn Vĩnh Tiến hỏi: “Các cây bút trẻ làm sao chia sẻ nhau trong sáng tác?”.
Nguyễn Vĩnh Nguyên (TP.HCM) chỉ phát ngôn đơn giản: “Tôi nghĩ thơ ca là con đường khổ hạnh. Các cây bút trẻ có tâm huyết đi theo con đường đó thì phải chấp nhận dấn thân. Chúng tôi chỉ đơn giản là gặp nhau ngoài trang viết theo cách gặp gỡ bình thường ngoài cuộc sống như uống cà phê với nhau. Muốn gặp nhau trên diễn đàn phải có một tờ báo cho các cây bút trẻ. Tất nhiên, không bàn lại chuyện tờ Văn Nghệ Trẻ”.
Mỗi người, chắc hẳn có một con đường sáng tạo riêng trong một không khí tương đối cởi mở như hiện nay. Trên diễn đàn, họ đã không chịu mở miệng, chỉ còn một cách phải tiếp tục chờ đợi tác phẩm tương lai của họ…
TRUNG PHƯỚC