Không ít những ca khúc phổ thơ đã góp phần làm nên tên tuổi ca sĩ Cẩm Vân, Thanh Lam.
Thơ ca trong một chừng mực nào đó đã được âm nhạc chắp cánh trở thành một tác phẩm được đón nhận rộng rãi. Và ngược lại, các ca khúc lưu dấu với đời sống phần nhiều được phổ từ thơ. Thế nhưng, hiện nay nhạc trẻ ít có ca khúc hay, lại còn bị dư luận lên án về ca từ: thô thiển, ủy mị, não tình…
Phải chăng nhạc trẻ chưa tìm được tiếng nói đồng điệu với thơ, hoặc thơ bây giờ “quá khó” để hòa điệu cùng âm nhạc?
Ca khúc phổ thơ là biểu hiện tính chuyên nghiệp
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người viết ca từ tài hoa bậc nhất, cũng đã có đôi lần phổ thơ của bạn bè. Những nhạc sĩ tên tuổi của nền tân nhạc Việt Nam như Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Hiệp… đều có trong tài sản âm nhạc của mình không ít những ca khúc phổ thơ.
Mặc dù viết ca từ không phải hạng xoàng, nhưng đa phần ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang cũng đều lấy cảm hứng từ thơ. Nhạc sĩ Phú Quang cho biết: Thỉnh thoảng tôi có tự viết lời một vài ca khúc, trong đó cũng có tác phẩm được công chúng yêu thích như Thương lắm tóc dài ơi. Thế nhưng, bao giờ tôi cũng thường trực ý định phổ nhạc cho những bài thơ mình tâm đắc.
Tôi đọc rất nhiều thơ mỗi ngày, và hình như tôi thuộc thơ không kém bất kỳ một nhà thơ “tử vì đạo” nào. Có rất nhiều bài thơ hay, vậy thì tại sao nhạc sĩ phải tự ngồi vắt óc nghĩ ra ca từ ít hay hơn? Tôi cho rằng ca khúc phổ thơ là biểu hiện tính chuyên nghiệp.
Các nhà thơ cứ việc làm thơ thật hay, còn nhạc sĩ cứ lo viết nhạc thật hay thì đời sống âm nhạc sẽ được đón nhận nhiều ca khúc giá trị”. Công tâm nhìn nhận, thơ ca đã giúp nhiều nhạc sĩ định danh được trong sáng tạo âm nhạc, tuy không phải bài thơ, câu thơ… hay nào đưa lên khuôn nhạc cũng thành công. Vậy tại sao nhạc trẻ bây giờ lại vắng bóng các ca khúc phổ thơ?
Thơ – nhạc chẳng ai chịu ai
Phải chăng thơ của các nhà thơ trẻ thời nay quá ít nhạc điệu hoặc vì thơ đã tách ra đứng biệt lập với âm nhạc. Thường xuyên theo dõi chương trình “Thơ ca giao hòa” trên Đài Truyền hình TPHCM, đây là chương trình chuyên phát các ca khúc phổ thơ, nhưng nhận thấy số lượng nhạc sĩ trẻ, nhà thơ trẻ góp mặt quá hiếm hoi. Những nhạc sĩ, nhà thơ trong “Thơ ca giao hòa” thường có độ tuổi từ U40 trở lên. Xét phần ca từ trong chương trình này, nhận thấy nó là thể thơ 5, 6… chữ hoặc lục bát nằm sóng sánh trong các giai điệu cũ. Ngoảnh lại vài năm trước, sự kiện Nhật Thực ồn ào của nữ thi sĩ trẻ Vi Thùy Linh và nhạc sĩ U50 Ngọc Đại cũng chưa có ca khúc nào trong số đó đi vào lòng công chúng yêu nhạc.
Đã có nhiều cuộc hội thảo thơ trong nước tìm hướng phát triển cho thơ ca, song chưa thấy một tham luận nào của các nhà thơ quan tâm đến mối quan hệ thơ – nhạc này. Có lẽ vấn đề “thi trung hữu nhạc” là hiển nhiên, cũ mòn ai cũng biết rồi, nên các nhà thơ vốn ưa chuộng cái mới không cần phải nói lại! Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà thơ chỉ được công chúng biết đến khi là tác giả phần lời trong một ca khúc nào đó. Về phần các nhạc sĩ trẻ, sở dĩ họ không phổ thơ vì thơ trẻ bây giờ cứ “trúc trắc trục trặc” hoặc là vì nhạc sĩ trẻ hơi tự tin về khả năng viết ca từ của mình.
Một số nhạc sĩ trẻ trước khi viết nhạc họ đã được biết đến là tác giả trẻ làm thơ, ví dụ như Nguyễn Vĩnh Tiến sau nhiều năm được gọi là nhà thơ trẻ thì nay anh được gọi thêm danh xưng nhạc sĩ trẻ. Với cái “nền” nhà thơ, Nguyễn Vĩnh Tiến đủ tự tin để không phải phổ thơ của đồng nghiệp. Nhưng những trường hợp như Nguyễn Vĩnh Tiến không nhiều trong các nhạc sĩ trẻ hiện nay. Nhạc trẻ bây giờ không gặp được thơ trẻ để cùng thăng hoa hay là nhạc trẻ và thơ trẻ đang mải miết tìm nhau nhưng chưa gặp được sự đồng điệu?
Nhạc sĩ trẻ Vũ Quốc Việt:
Lời thơ hợp ý nhạc phải có duyên
Tôi rất ít khi phổ thơ, hầu như tất cả các ca khúc đã phổ biến của tôi đều do chính tôi viết lời. Tôi nhận thấy phổ thơ là một việc cực kỳ khó khi mình cố tìm kiếm một bài thơ tâm đắc. Thường thì tôi chỉ lấy ý hoặc một vài câu thơ rồi viết tiếp theo cảm xúc của mình. Nói thật, thơ của nhà thơ trẻ bây giờ ít nhạc điệu quá nên khó lòng phổ nhạc dù có nhiều tứ thơ tôi rất thích. Muốn có một ca khúc phổ thơ hay, tôi nghĩ phải có duyên mới gặp được lời thơ hợp ý nhạc. Tuy vậy, tháng 9 tới tôi sẽ phát hành một CD viết về phụ nữ gồm toàn ca khúc phổ thơ. Vẫn biết mình có đủ tình yêu đối với phụ nữ, song với lời ca của mình tôi e không diễn đạt hết tình yêu đó nên tôi mới tìm đến lời thơ.
Nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn:
Thơ bây giờ đố ai phổ nhạc được
Đọc thơ trẻ bây giờ tôi nghĩ đố nhạc sĩ trẻ nào có thể phổ nhạc được. Vì sao? Vì nhiều người làm thơ trẻ mải mê cách tân hay cải tiến gì đó, mà quên mất yếu tố thẩm mỹ cần thiết của mỗi bài thơ. Được phổ thành ca khúc chưa hẳn đã là bài thơ hay, nhưng chắc chắn đó là bài thơ giàu nhạc tính. Nhìn ở cảm xúc riêng biệt của tác phẩm, thì một bài thơ được phổ nhạc ít ra cũng có một câu hoặc một ý chinh phục được một người, đó là nhạc sĩ. Thi ca có đời sống của thi ca, âm nhạc có đời sống của âm nhạc, nhưng nếu có sự gặp gỡ tình cờ nào đó cho nhạc có đời sống của âm nhạc, nhưng nếu có sự gặp gỡ tình cờ nào đó cho
(Theo NLĐ)