Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Nhà thơ Nguyễn Phan Hách vương víu tình thơ

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách vương víu tình thơ

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu

Hương hoa sữa tan trong áo em và mái tóc

Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt

Vậy mà tan trong hương gió mong manh

( Hoa sữa)
Tình đầu và bút danh Phan Hách

Rất ngạc nhiên và thú vị bài thơ ” Hoa Sữa” không phải là bài thơ nhà thơ Nguyễn Phan Hách viết cho mối tình đầu tiên và viết khi ông đang ở tuổi 15 hay 18, đôi mươi như nhiều người suy nghĩ. Người yêu đầu tiên, mối tình thơ đầu tiên trong đời thi sỹ Phan Hách là với một cô học trò vào tuổi 16 trăng viên mãn.

Lúc đó Phan Hách chưa phải là thi sỹ, cũng chưa thành nhà văn. Học xong lớp 7/10 hồi ấy rồi học sư phạm 10 +2 Phan Hách được đi dạy cấp 2. Ông nhớ rất rõ, ngôi trường đầu tiên ông được cử đến làm nghề dạy học là trường Phương Sơn của huyện Lục Nam ( Hà Bắc ), một huyện trung du, lần đầu tiên có trường cấp 2. Trong lớp của thầy giáo trẻ lúc ấy có một cô học trò vô cùng xinh đẹp. Cho đến bây giờ đã hơn 65 tuổi đi hết mọi cung đường Nam Bắc trong chiều dài cuộc đời, Nguyễn Phan Hách thừa nhận rằng chưa gặp thiếu nữ nào đẹp đến như vậy. Cô bé là em gái diễn viên điện ảnh NL nổi tiếng lúc bấy giờ vừa chớm tuổi 16 đã thành thiếu nữ với vẻ đẹp mê hồn khiến cho thầy giáo lần gặp đầu tiên đã ôm ấp mộng tình. Từ đấy ngoài những giờ lên lớp thầy giáo mỗi ngày làm một bài thơ tình gửi cho học trò. Còn học trò một ngày cũng viết một bức thư gửi cho thầy giáo mà mình thầm thương trộm nhớ. Những bài thơ tình đầu tiên viết trong cơn say tình mới yêu mới ngô nghê và buồn cười làm sao

Bây giờ chẳng phải mùa xuân

Mà sao hạt giống đâm thân nảy chồi

Em ơi rất dễ hiểu thôi

Bởi em là cả bầu trời mùa xuân

Mầm yêu trong giá trắng ngần

Tự tim anh đó lớn dần mãi thôi

Anh không cưỡng lại nữa rồi

Còn em vun xới dập vùi tùy em

Ôi lòng ta lúc nửa nhem

Lửa ơi lửa hỡi cháy tim ta rồi

Bâng khuâng hết đứng lại ngồi

Em ơi em hỡi trả lời giùm anh

Cứ thế chàng trai thì gửi thơ, cô gái thì gửi thư, ngày nào sau giờ lên lớphoj cũng lén trao cho nhau những bức tình thơ. Cái tên Nguyễn Phan Hách cũng bắt đầu xuất hiện từ đó. Thực ra tên khai sinh của ông là Nguyễn Xuân Hách, còn cô thiếu nữ là Phan .T.B cho nên ông lấy họ của người yêu ghép vào họ của mình để tình yêu thêm khăng khít. Nhưng tình yêu vừa chớm giữa hai người thì bất trắc đã xảy ra. Vốn là vì yêu cô gái quá mà Nguyễn Phan Hách đã viết một truyện ký ” Đội thanh niên xung phong và cô P.T.B” Thật ra truyện hư cấu hoàn toàn và lấy hình mẫu cô học trò thành một cô thanh niên xung phong, lập được nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành một anh hùng, một biểu tượng đẹp đẽ. Trong khi đó ở ngoài đời thực, cô P.T.B lý lịch gia đình bị liệt vào ” loại đen” vì bố đi Nam. Sau khi chuyện ký đăng ở trang nhất báo TP, đài phát thanh đưa lên sóng và đọc liên tục một thời gian, ủy ban nhân dân xã nơi cô P.T.B ở và huyện Lục Nam đã viết đơn kiện ở báo TP là thầy Nguyễn Phan Hách đã ca ngợi một cô gái nhà lý lịch xấu đưa lên làm biểu tượng đẹp đẽ về thanh niên xung phong. Viết như vậy dân mất lòng tin vào báo chí cách mạng, mất niềm tin vào những bài viết xưa nay tuyên truyền trên báo, đài. Phòng giáo dục đã gọi Nguyễn Phan Hách lên kiểm điểm rất nặng và Nguyễn Phan Hách suýt bị đuổi việc. Nhận án kỷ luật, ông được điều chuyển về dạy ở một trường miền núi cách trường cũ 30km. Nguyễn Phan Hách chuyển trường trong một tâm trạng vô cùng buồn bã. Thế rồi , trong một buổi chiều đang lững thững dạo trước cổng trường, Nguyễn Phan Hách bỗng nhìn thấy một dáng hình người con gái rất xinh đẹp đạp xe từ xa tới. Không tin nổi vào mắt mình, cô học trò P.T.B đã đạp xe 30km để đi tìm thầy. Trong một buổi chiều mùa đông trống vắng và quạnh hiu, họ gặp nhau và cô gái đã khóc. Cô nói ” em đạp xe đi tìm thầy nhiều lần, may mà lần này được gặp” sau cuộc gặp gỡ đó, Nguyễn Phan Hách sáng tác một bài ca ngợi về công trình thủy điện Lục Nam mang ánh sáng về cho nhân dân lúc bấy giờ. Bài thơ mang nội dung tốt đã được đọc tuyên truyền ở địa phương và tại trườngmà ông đang giảng dạy. Sau đó bài thơ được gửi lên báo Văn Nghệ ký tên Nguyễn Phan Hách và P.T.B . Nhà thơ Trinh Đường lúc đó đang biên tập cho báo gửi thư cho Phan Hách xin phép chỉ lấy mỗi tên P.T.B để đăng vào chùm thơ của các tác giả nữ nhân ngày mùng 8 – 3. Nguyễn Phan Hách đồng ý, bài thơ đăng lên lại có một cuộc họp kiểm điểm kỷ luật Nguyễn Phan Hách tại nơi ông đang giảng dạy về việc thơ của mình nhưng lại tùy tiện đưa tên người khác có thành phần gia đình không tốt vào làm tác giả là có dụng ý gì. Tình yêu đầu, mối tình thơ đẹp và mong manh rồi cũng tan biến vào hư vô. Sau hai vụ kỷ luật khá nặng Nguyễn Phan Hách quyết tâm chuyển ngành, Không đi dạy nữa mà về ty văn hóa Hà Bắc công tác. Nguyễn Phan Hách có 4 câu thơ kỷ niệm mối tình đầu.

Tên em cùng với tên anh

Yêu nhau đem đặt bút danh quen rồi

Oái oăm biết mấy sự đời

Tên thì lấy được còn người thì không

Một bóng hình cho ”Hoa Sữa” Và ” Làng quan họ quê tôi

Tại ty văn hóa Hà Bắc có 4 đoàn văn công, thi sỹ mộng mơ Nguyễn Phan Hách lọt vào một thiên đường với nhiều tiên nữ. Ông thường đi cùng các đoàn văn công biểu diễn phục vụ bộ đội, trận địa, hợp tác xã. Mỗi một lần đến một đơn vị để biểu diễn, nhiệm vụ của Nguyễn Phan Hách phải sáng tác một bài thơ mới có hình bóng của đơn vị ấy, miền đất ấy để buổi tối cho diễn viên ngâm và biểu diễn luôn. Công việc đã se duyên Nguyễn Phan Hách với một cô bé ten là PD hát quan họ tuyệt hay, thân hình mảnh mai với chiếc nón ba tầm quyến rũ và thường ngâm những bài thơ của ông. Lúc này Nguyễn Phan Hách ngoài 20, cô bé kia mới chỉ 16 tuổi vừa trúng tuyển vào đoàn. Ở đoàn văn công mọi người nhìn thấy tình cảm của Phan Hách nên chế hai người một đôi.

P.D có nhớ ở đâu
Chúng mình hai đứa lần đầu gặp nhau
Bồi hồi nửa lạ nửa quen
Đã yêu từ mái tóc mềm đẹp xinh
Đã khao khát nhớ dáng hình
Người ta đã chế chúng mình lấy nhau

Sau đó Nguyễn Phan Hách được cử đi học lớp sáng tác ở Trường viết văn Nguyễn Du. P.D được cử đi học tại trường văn hóa của bộ văn hóa. hai anh em thân nhau lắm thường đạp xe đưa nhau đi chơi ở hồ Thiền Quang bên con đường Nguyễn Du ngập tràn hoa sữa. Trong không gian phảng phất mùi hoa sữa, trong sương chiều man mác của cuối thu, đầu đông, Nguyễn Phan Hách đọc thơ cho cô gái nghe, còn cô gái dạy chàng hát quan họ và hát cho chàng nghe. Bài thơ “làng quan họ” ra đời rất nhanh để tặng người yêu thay lời tỏ tình. Sau khi bài thơ đăng ở báo văn nghệ, chàng thi sỹ đa tình đã mua vội tờ báo và tức tốc đạp xe đến trường người yêu đang học để tặng nàng. Buồn thay buổi chiều hôm đó vừa thấy bóng chàng thi sỹ, cô gái quan họ kia trốn mất tăm để lại chàng thi sỹ với bài thơ tình chưa ráo mực và một nỗi đau tan nát.
Sau này, kết thúc khóa học, họ trở về đơn vị. Một ngày mưa thu, khi trái tim đa tình đã bình yên trở lại, Phan Hách gặp lại cô diễn viên kia trong ngôi làng ngoại ô ở tỉnh Bắc Ninh khi đoàn văn công đang dựng tiết mục. Họ đứng trên bậc đá rêu ướt rượt ngõ nhỏ, dưới cành sấu thấp la đà. Sấu chín vàng đầu thu rủ sát môi, kề răng cắn là được. Cô gái quan họ cầm chiếc nón ba tầm che chung cho hai người. Lúc này cô mới nói rõ lý do vì sao hôm đó trốn chàng ” em mới 16 tuổi chưa dám nghĩ đến chuyện yêu đương” Cuộc chia tay buồn bã. Một chàng trai đã đến tuổi lập gia đình, một cô gái mới chớm bước vào tuổi thiếu nữ… giữa họ là chút gì đó man mác mơ hồ, day dứt của một tình yêu đơn phương chưa đủ chín… và thế là đành xa nhau. Mối tình ấy in vết tâm hồn nhà thơ những câu thơ đầu tiên.

Nhớ về em năm tháng thơ ngây
Trái sấu rủ tầm hai đứa
Nón che chung trời mưa lổ đổ
Đôi môi hương sấu dịu chua

Bài thơ in ở báo văn nghệ. Nhà thơ Xuân Diệu gặp Phan Hách cười rằng ” Người ốm thì người ta nói là môi chua, cậu thì ca ngợi môi người yêu chua”

Bẵng đi hơn chục năm sau, khi đã ngoại tứ tuần, đã yên bề gia thất và hạnh phúc viên mãn với tổ ấm gia đình, con cái đề huề, thì mỗi lần đi làm về trên con phố Nguyễn Du đầy hoa sữa, ghé hồ Thiền Quang, Nguyễn Phan Hách bùi ngùi xúc động nhớ về cô thiếu nữ bé nhỏ trong tình thơ năm xưa. Một hôm, cũng vào chiều thu khi hoa sữa ngậm sương nồng lên mùi hương da diết, nhà thơ đã một mình trở lại con đường cũ, đi trên lối đi cũ và ngồi vào chiếc ghế đá xưa. Chính lúc này trong trái tim đầy đặn những buồn vui của thời gian và tuổi trẻ một lần nữa lại rung lên tha thiết, những bài thơ hoa sữa run rẩy hiện hình.

Tuổi mười năm em lớn từng ngày

Một buổi sớm em bỗng thành thiếu nữ

Hôm ấy là mùa thu anh vẫn nhớ

Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu

Hương hoa sữa tan trong áo em và mái tóc

Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt

Vậy mà tan trong sương gió mong manh

Bài thơ viết xong cũng chỉ để cất vào ký ức bởi vì theo nhà thơ Nguyễn Phan Hách thì hồi đó đất nước vừa bước qua chiến tranh, những bài thơ về tình yêu đôi lứa rất ít khi dùng, mà nhường cho những bài thơ tuyên truyền công cuộc sản xuất và xây dựng. Thế rồi chính nữ sỹ Xuân Quỳnh là người đầu tiên tuyển chọn bài thơ ” Hoa sữa” để in trong tập thơ” Tình bạn tình yêu” của NXBGD. Sau đó Nguyễn Phan Hách mạnh dạn gửi lên báo văn nghệ cùng với chùm thơ của ông. Từ đó bài thơ đến với đông đảo bạn đọc đặc biệt là lứa tuổi học trò.

Hoa sữa – Tình đầu hay tình cuối

Nguyễn Phan Hách cũng không ngờ duyên phận của bài thơ ” Hoa sữa” Lại ám ảnh dai dẳng ông như vậy khi về cuối đời, cô gái sinh viên văn khoa trường đại học sư phạm Hà Nội đã vì yêu bài thơ ” Hoa sữa” mà tìm đến với ông, trao cho ông tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ. Ông còn nhớ vẫn là một chiều thu, đang ngồi làm việc ở 65 Nguyễn Du, có một cô gái rụt rè gõ cửa phòng xin chữ ký của ông dưới bài thơ ” Hoa sữa” Và gửi ông bài thơ cô họa lại.

Buổi chiều nay xao xác về thu

Em ngồi đọc bài thơ hoa sữa

ai hay chính em là người trong đó

Em muốn làm nhân vật của bài thơ

Em đi tìm người thi sỹ mộng mơ

Cùng viết lại bài thơ tình tan vỡ

Tình yêu đầu đừng xa cách nữa

Em đã về hoa sữa lại lên hương

Trái tim của người thi sỹ đa tình lại run rẩy thêm một lần nữa. Dù cách xa bao nhiêu thế hệ, Khoảng cách tuổi tác trở nên vô nghĩa khi chiếc cầu nối trong tình thơ ” Hoa sữa” đã dan díu họ lại bên nhau. Nguyễn Phan Hách nói rằng, trong đời thơ của ông, bài thơ ” Hoa sữa” có biết bao fans hâm mộ, nhưng đến chết ông cũng không dám mơ đến một tình yêu với một cô gái khi ông đã ngoài 60. Giờ đây nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách vẫn tiếp tục làm việc ở phố Nguyễn Du. Công việc là niềm vui, thơ ca là những ký ức ngọt ngào và say đắm. Nó mang đến cho ông quá nhiều hạnh phúc và hạnh phúc nào chẳng có vị mặn của nước mắt và chia ly.

Nguồn báo an ninh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *