Home > Âm nhạc & Hội họa > Âm nhạc > Phạm Tuyên vượt qua chiếc bóng của cha để khẳng định mình

Phạm Tuyên vượt qua chiếc bóng của cha để khẳng định mình

Bước vào cuộc sống độc lập năm 15 tuổi với bản lý lịch không mấy sáng sủa, ít người tin rằng nhạc sĩ Phạm Tuyên có thể vượt lên được những định kiến về người cha nổi tiếng và cũng lắm tai tiếng – học giả Phạm Quỳnh để lập nghiệp. Thế mà, không chỉ vượt qua những định kiến ấy, Phạm Tuyên còn trở thành một trong những nhạc sĩ đóng góp hàng đầu cho nền âm nhạc nước nhà với một công trình đồ sộ hơn 600 ca khúc.

Ông là nhạc sĩ của những những nhạc phẩm ghi dấu ấn trong lòng thính giả yêu nhạc như “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Tiến lên đoàn viên”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Từ một ngã tư đường phố”, “Chú voi con ở bản Đôn”, “Chiếc đèn ông sao”…

Suýt chút nữa thì trở thành luật sư

Không phải vô cớ khi nhạc sĩ Phạm Tuyên được mệnh danh là “nhạc sĩ của nhân dân”, “nhạc sĩ của cả nhà” bởi các ca khúc của ông dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Lắng nghe những ca khúc của ông, điều mà mọi người nhận thấy rõ là cái tâm ông dành cho âm nhạc.

Âm nhạc đã “ăn vào máu” của Phạm Tuyên nên không khó để ông tìm ra cái mới, cái độc đáo ngay trong những đề tài tưởng chừng như khô khan nhất. Bắt đầu có sáng tác đầu tiên năm 12 tuổi, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đến với âm nhạc bằng tình yêu và năng khiếu bẩm sinh của mình.

Nhạc sĩ bảo, chính người cha, học giả Phạm Quỳnh là người định hướng và tạo điều kiện cho ông phát huy tài năng âm nhạc. Nhạc sĩ kể: “Ông cụ tôi không ép buộc con cái theo định hướng nào hết, mà tùy khả năng. Ngay từ khi còn bé tôi đã thích ca hát, vẽ vời rồi thích cả làm phim.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong gia đình có 13 người con. Thân phụ ông là nhà văn hoá Phạm Quỳnh, anh trai ông là GS. Phạm Khuê, vợ ông là PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Anh Tuyết.

Mỗi khi vẽ tranh rồi chiếu lên tường làm phim, tôi lại viết lời bình, lời hát để minh họa theo. Khi thấy thiên hướng nghệ thuật của tôi như thế thì ông cho đi học ở trường tiểu học ở Huế, học các điệu dân ca, nhạc cổ. Lớn lên một chút, tôi được học đờn ca tài tử với nhiều nghệ nhân bậc thầy ở Huế, học xướng âm của Pháp”.

Người cha Phạm Quỳnh yêu thương các con bằng một tình yêu đặc biệt. Ông chăm chút cho các con, tôn trọng tự do tuyệt đối của các con, tạo mọi điều kiện cho các con phát huy thiên hướng của mình mà không hề có bất cứ một áp đặt nào.

Nhạc sĩ kể: “Trong ký ức của tôi, đồng thời cả những bà chị còn nhớ, cha tôi rất tôn trọng ý kiến của các con, rất là hay ở chỗ đó, cho nên về sau người ta mới bảo, nhà này có mấy ông con giai thì mỗi ông một kiểu.

Nhà tôi có 13 anh chị em, ngày xưa tôi sáng tác bài “5 con voi và 8 nàng tiên”, là nói về các anh chị em tôi. Anh cả tôi, nay đã mất rồi, thì lãng mạn, thích vọng cổ. Ông anh thứ hai thì học luật sau làm ở Liên hợp quốc nhưng cũng đã mất rồi. Ông ấy lại thích nhạc cổ điển.

Ông thứ ba là ông Phạm Khuê, giáo sư, lại thích phong cầm. Bây giờ anh chị em của tôi cũng mất gần hết rồi, chỉ còn chị Phạm Thị Hoàn, nhưng cũng yếu lắm. Chị Hoàn lấy chồng là anh Lương Ngọc Châu, cháu nội cụ Lương Văn Can. Chị Hoàn là ca sĩ, anh Châu là nhạc sĩ, cũng say mê sáng tác lắm”.

Sống trong buổi giao thời, Phạm Quỳnh ý thức được công việc của mình làm dính dáng đến các vấn đề phức tạp của xã hội nên cứ lẳng lặng một mình, không thanh minh, không muốn gia đình bị ảnh hưởng. Có lần ông đã tâm sự rằng:

“Tôi là người của buổi giao thời, sẽ khó có người hiểu được tôi… Người Pháp cho tôi là lợi dụng chức quyền để chống lại họ, còn người mình thì cho tôi là tay sai của Pháp”. Hiểu được hoàn cảnh của mình nên ông sống và làm việc một cách lặng lẽ, thận trọng.

Phạm Tuyên rất giống cha mình ở nét tính cách này. Dù đối mặt với không ít áp lực, điều tiếng từ cha nhưng nhạc sĩ vẫn lặng lẽ làm việc, lặng lẽ sáng tác. Rất ít khi thấy ông tuyên ngôn hay phát biểu đao to búa lớn bởi ông quan niệm: tác phẩm chính là câu trả lời chính xác nhất.

Nhạc sĩ luôn giữ bên mình cuốn sổ tay lưu giữ bản thảo của hầu hết các sáng tác. Trên mỗi bản thảo đều có ghi rõ thời điểm sáng tác, đơn vị dàn dựng và các giải thưởng… Đó là thói quen cẩn thận, chu đáo mà ông học được từ người cha cần mẫn, tận tụy với công việc.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ là khi bài hát của mình vượt qua thử thách của thời gian, được đời sống chứng nhận”.

Gắn bó với âm nhạc là thế, nhưng ít ai biết rằng nghề nghiệp ban đầu mà nhạc sĩ Phạm Tuyên lựa chọn là luật sư chứ không phải nhạc sĩ. Năm 15 tuổi, người cha Phạm Quỳnh gặp biến cố, cả gia đình nhạc sĩ phải đối mặt với búa rìu của dư luận.

Tin vào con đường của cha và ấp ủ mong muốn minh oan cho cha, nhạc sĩ thi vào trường Pháp lý ở chiến khu Việt Bắc. Học được 2 năm thì Pháp tấn công Việt Bắc, trường học sơ tán, “nghịch cảnh” đưa nhạc sĩ đến với con đường âm nhạc từ đó.

Nhạc sĩ kể: “Đi đâu, làm gì, người ta cũng bảo năng lực tôi thì được, nhưng lý lịch “như thế” thì có nên làm hay không? Khó đứng vững trên các lĩnh vực khác nên tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện đi theo con đường âm nhạc.

Vào hoàn cảnh lúc ấy, tôi nhận thấy chỉ có âm nhạc mới đến gần cuộc sống nhân dân, còn các môn nghệ thuật khác như viết văn, vẽ thì rất khó. Âm nhạc có thể trực tiếp đến với mọi người, vượt qua mọi không gian khoảng cách. Với lại tôi cũng có trình độ văn hóa, có năng khiếu về âm nhạc nên cứ tự nhiên đi vào âm nhạc như thế”.

Khẳng định mình bằng con đường tự học

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong gia đình có 13 người con. Thân phụ ông là nhà văn hoá Phạm Quỳnh, anh trai ông là GS. Phạm Khuê, vợ ông là PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Anh Tuyết.

Sinh ra trong một gia đình có cha làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, tuổi thơ của nhạc sĩ Phạm Tuyên trôi qua êm đềm, hạnh phúc. Cho tới năm Phạm Tuyên 15 tuổi, người cha Phạm Quỳnh gặp biến cố.

Mất cha một thời gian không lâu, mẹ ông, người đàn bà ở miền đất quan họ Bắc Ninh không biết chữ nhưng thuộc ca dao, dân ca và Truyện Kiều như một nhà sưu tầm dân gian đã buồn phiền lâm trọng bệnh mà qua đời.

Sau khi cha mất, cuộc sống nhạc sĩ hoàn toàn bị đảo lộn, ông phải đối mặt với biết bao điều tiếng về cha mình. Lúc ấy, nhạc sĩ đứng trước hai sự lựa chọn, một là “chạy trốn” ra nước ngoài như một số người, hai là ở lại đối mặt với dư luận.

Nhạc sĩ đã lựa chọn ở lại, tìm chỗ đứng trong nhân dân, kiên định đi theo cách mạng. Nhạc sĩ bày tỏ: “Sở dĩ tôi đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng vì sau khi ông cụ tôi bị xử oan, hai bà chị tôi có đi gặp cụ Hồ. Cụ Hồ đã nói với chị gái tôi thế này “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ yên tâm mà đi theo cách mạng””.

Sau khi nghe Bác căn dặn, nhạc sĩ Phạm Tuyên yên lòng, tin tưởng đi theo con đường mình đã chọn. Thế nhưng vì lý lịch mà con đường thăng tiến trong sự nghiệp của nhạc sĩ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhạc sĩ kể: “Hồi mới lập ra Đài Truyền hình, bắt đầu làm đen trắng, tôi làm Trưởng ban Ca nhạc của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Một hôm ông Trần Lâm gặp tôi, vui vẻ bảo, chuẩn bị tinh thần nhé, trách nhiệm còn nặng nữa đấy.

Ý ông là sẽ đề cử tôi làm Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình. Ít lâu sau gặp tôi, ông ấy bảo, xin lỗi nhé vì có ý kiến bảo để anh chuyên tâm sáng tác… Rồi vài năm sau đó, ở trên chủ trương cử 2 cán bộ trẻ ở Viện Âm nhạc sang Liên Xô bổ túc âm nhạc.

Viện Âm nhạc chọn mãi, cuối cùng chọn 2 người, Trọng Bằng và Phạm Tuyên. Hai thằng về bàn với nhau bảo mỗi thằng chuẩn bị một bộ nghiêm, một bộ nghỉ để thay nhau. Cái thứ hai là học ôn piano đi cho nó tốt, sang thì bổ túc thêm. Sát đến ngày đi thì ở trên bảo Phạm Tuyên ở nhà, Trọng Bằng đi”.

Từ lúc ấy, nhạc sĩ quyết định không xin đi học nữa mà tự học, tự nghiên cứu. Nhạc sĩ chia sẻ rằng, cũng vì hoàn cảnh xô đẩy mà ông phải đi lên bằng con đường tự học. Hồi ấy, ngày nào ông cũng dành thời gian lên thư viện đọc sách, về nhà lại đọc thêm ở nhà.

Ông mày mò cách sử dụng nhạc cụ, luyện chơi piano một cách nhuần nhuyễn. Đến nay ông vẫn tự hào rằng “Đằng sau sự thành công của Phạm Tuyên không có bóng dáng của ông thầy Nga hay thầy Tàu gì hết”.

Cụ thân sinh ra ông, học giả Phạm Quỳnh khi xưa trở nên uyên bác cũng bằng con đường tự học như thế. Ông đã tạo ra tờ tạp chí Nam Phong được ví như một cuốn bách khoa toàn thư, không học tiếng Pháp thì đọc Nam Phong sẽ biết hết mọi tác giả người Pháp.

Dũng cảm đối mặt với dư luận, gác sang một bên những quyền lợi, hạnh phúc riêng tư, dấn thân vào gian khổ, hy sinh, có khi phải dằn vặt, chịu đựng để cống hiến hết mình cho âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Giáo sư sử học Văn Tạo gọi bằng cái tên là một nhà “trí thức dấn thân”.

Song hành với những tác phẩm ca ngợi Đảng, ca ngợi nhân dân được công chúng yêu nhạc khen ngợi, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nhận về không ít những lời chửi rủa, miệt thị. Người ta bảo nhạc sĩ là một tặc tử, một người con bất hiếu, bố như thế mà lại đi ca ngợi Đảng.

Ngay cả người em ruột của nhạc sĩ đang sống ở Mỹ cũng gửi thư về lên án anh trai. Nhưng nhạc sĩ vẫn im lặng, kiên định đi theo con đường đã chọn, nhạc sĩ tin rằng lịch sử sẽ công bằng, đúng hay sai rồi sẽ có đáp án.

Tỷ phú người Mỹ, Bill Gate có câu nói tâm đắc rằng cuộc sống vốn không công bằng, phải tìm cách thích nghi và vượt qua nó. Cuộc sống của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng vậy, có mặt nọ mặt kia, nếu ai đó muốn cuộc sống theo ý mình thì sẽ luôn bất mãn. Nhạc sĩ đã biết chấp nhận, thích nghi và vượt lên nó để sống.

Với ông, sự ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật hay sự yêu mến của những người yêu nhạc đều là một nguồn nuôi dưỡng, động viên vô tận cho cảm hứng sáng tác của ông. Ông bộc bạch:

“Niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ là khi bài hát của mình vượt qua thử thách của thời gian, được đời sống chứng nhận”.

Kim Kim / phunutoday

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *