Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Ăn Tết theo dương lịch: Tốt đủ mọi đàng…

Ăn Tết theo dương lịch: Tốt đủ mọi đàng…

Ta rất cần thay đổi tư duy, cần có tính độc lập. Cần phải khẳng định một cách nghĩ, một cách làm thống nhất chứ không phải, mỗi ngày, cứ phải tự phân thân thành hai con người: Một thuộc về ngày ta, một thuộc về ngày tây…

Chuyện tết nhất của ta có biết bao điều phải bàn, nhưng có lẽ đáng bàn nhất là Tết Ta và Tết Tây. Thật là đáng quý khi một số người đã đề xuất và kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình nên ăn Tết theo dương lịch. Chắc chắn có không ít người đồng quan niệm bởi ích lợi, điều tốt bắt đầu từ thay đổi chuyện… Tết là nhiều đến… vô cùng…

 

Câu chuyện của người Nhật

Ngày 1.1.1868, Nhật Hoàng Mushuhito (Mục Nhân, với đế hiệu là Meiji – thường được gọi là Minh Trị), vừa mới bước sang tuổi 16, đã lãnh đạo 5.000 võ sĩ, tấn công vào Edo (Tokyo), đánh bại sự đề kháng của 15.000 samurai, quyết bảo vệ Mạc phủ (bakufu) Tokugawa, để thống nhất Nhật Bản.

Ngay sau đó, Hoàng đế Meiji đã tiến hành cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử Á châu – mà không ít nhà sử học cứ cố tình lầm lẫn, luôn gọi là Cải cách Minh Trị Duy Tân – biến Nhật Bản từ một nhà nước phong kiến phân quyền với quyền lực kép của Thiên Hoàng (taino) và Tướng quân (shogun), trở thành nhà nước quân chủ lập hiến.

Một trong những thay đổi về hình thức tuy có vẻ nhỏ (bởi hiếm có cuốn sử nào đề cập chi tiết), nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là Meiji quyết định hủy bỏ âm lịch, dùng dương lịch (tất nhiên có tham khảo ý kiến của các đại thần và nghe hàng trăm sự bày tỏ “phân vân”). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vĩnh biệt tết “cổ truyền” để toàn thể người dân Nhật bắt đầu ăn tết theo dương lịch.

Không khó để thấy sự phản ứng từ nhiều phía, nhiều sự “nhân danh”, quyết liệt đến mức nào!

“Người ta” cho rằng sự đảo lộn truyền thống là khó có thể chấp nhận bởi toàn bộ văn hóa nông nghiệp Nhật Bản hình thành trên nền tảng và sự kết cấu thời gian theo mặt trăng, đảo lộn là hủy hoại. Rằng làm thế nào để người nông dân ít học có thể thích nghi được với chuyện mùa vụ, gieo trồng. Rằng năm sinh, tháng đẻ, giỗ chạp đều tính theo lịch ta, làm sao để điều chỉnh…?

Trước tất cả những ý kiến ngược chiều ấy, Hoàng đế Meiji đã khẳng định một cách rõ ràng và dứt khoát: Thời kỳ học hỏi lâu dài nền văn minh Trung Hoa kể từ đây chấm dứt. Nếu không thay đổi, mãi sẽ là lạc hậu, nghèo nàn. Học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây và vượt phương Tây sau 100 năm là mệnh lệnh của trái tim và khối óc. Mọi sự thay đổi đều cần có thời gian thích nghi. Nếu không thích nghi được là chết. Tất nhiên, dân tộc Nhật mãi trường tồn…

Chính vì dân tộc Nhật nhất định phải trường tồn, phát triển nên cuộc cách mạng vĩ đại của Meiji đã tạo nên điều kỳ diệu: Đúng 100 năm sau, năm 1968, kinh tế Nhật vượt phần còn lại của thế giới, chỉ đứng thứ hai, sau Hoa Kỳ.

Bỏ qua yếu tố kiên định, dứt khoát từ bỏ sự giáo điều, kinh viện, lạc hậu của phương Đông cổ xưa dưới cái nhãn “Trung Quốc”, những thế hệ sau này của đất nước Mặt trời mọc chắc chắn sẽ nhận chân dễ dàng rằng quyết định đó của Hoàng đế Meiji là một trong những quyết định sáng suốt nhất, thiên tài nhất trong lịch sử loài người…

Thế nào là “cổ truyền”?

Trước hết, phải xác quyết rằng cái gọi là cổ truyền có thiên hình vạn trạng cách biến hóa trên cái lõi “trơ như đá, vững như đồng” là tính… bảo thủ! Truyền thống nào cũng có tính bảo thủ, dù ít hay nhiều. Thiếu thuộc tính này, “truyền thống” sẽ không còn là truyền thống nữa.

Vì bảo thủ nên con người khó chấp nhận cái mới, dù cái mới đó, có nhiều lợi thế hơn. Trong tất cả mọi nền văn minh nông nghiệp thì “văn minh lúa nước” (nếu có thể gọi vậy) là có sức ì, lực cản lớn hơn cả. Điều này cắt nghĩa tại sao dù ai cũng biết tết cổ truyền có từ Trung Quốc, cũng như tết Trung thu, Tết mồng 5/5… nhưng vẫn cứ nhởn nhơ đó là văn hóa lễ nghĩa của riêng… Việt Nam?

Để nói rằng không thể thay đổi, cách nghĩ ấy là không đúng bởi thực ra, ta đang để cho cái phần bảo thủ cố hữu trong mỗi con người “tự vệ”, chống lại những cái mới chóng mặt, ngổn ngang. Sợ thay đổi, ở một khía cạnh nào đó cũng là bản năng sống – sinh tồn.

“Ăn Tết theo âm lịch sai lạc đủ điều”. Ảnh minh họa

Chính vì thế, những người cho rằng không thể bỏ Tết “ta” theo Tết “tây” sẽ có nhiều cách biện minh. Nào là thời vụ như người Nhật từng nói, nào là nếp văn hóa lâu đời, nào là khí hậu, thời tiết chẳng hạn, món thịt đông phải có trời lạnh, không có thịt đông, Tết sẽ thiêu thiếu thế nào đó…

Một số học giả đã bàn khá nhiều về cái hại của Tết “ta”, trong đó hại nhất là lạc bước, lỡ nhịp với thời đại toàn cầu hóa – khi thiên hạ tỉnh thì ta say, và ngược lại. Rõ ràng, khi cả thế giới đang bươn bả cho một năm mới phát triển sôi động (tháng một và tháng hai) thì ta lại đủng đỉnh “tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì quả là vô lý hết sức.

Nhưng có lẽ, cái hại nhiều nhất là ở chỗ: Chừng nào còn ăn Tết theo âm lịch thì chừng đó tư duy đủng đỉnh của làng quê xưa kia chẳng thể nào dung chứa nổi lối sống công nghiệp. Không thể nào thôi giáo điều, chậm chạp trong ứng xử, hành động.

Hãy sòng phẳng để nhận ra rằng chằng có dân tộc nào trên thế giới lại “ăn gộp, chơi dài” cả hai cái tết như Việt Nam. Từ Tết Dương lịch (để theo kịp… tây) đến mấy tuần sau Tết Âm lịch là triền miên… Tết, là sự lãng phí không thể nào tính nổi về thời gian, công sức, tiền của…

Nếu ăn Tết Dương lịch…

Cái lợi nhãn tiền thứ nhất là tiết kiệm được một lần vui chơi quá đà. Gặp phải năm nhuận (âm) thì cái quá đà đó gần ba tháng, còn không là sêm sêm… hai tháng.

Cái lợi thứ hai là hội nhập dễ dàng hơn, thuận lợi hơn với toàn thể loài người như các vị đã chỉ ra.

Cái lợi thứ ba, chúng ta sẽ không còn băn khoăn, day dứt trong việc quy đổi ngày âm ra ngày dương trong tất cả lịch trình công tác, làm việc đã thuộc về ngày dương từ lâu.

Cái lợi thứ tư là từ vô thức, chúng ta dần dà xóa bỏ hẳn thói quen nhập nhằng giữa nay và xưa về văn hóa. Quá khứ lạc hậu hãy thôi đừng ám ảnh nữa, sự đè nặng của văn minh Trung Hoa thôi đừng gây nhiễu, cản trở nữa.

Tại sao cả Trung Quốc, Việt Nam đều áp dụng mọi mô thức kinh tế, hoạt động như phương tây, nhưng lại cứ cố tình áp đặt sự thiếu nguyên tắc, tình trên lý, kinh nghiệm trên sáng tạo, người giỏi nhất định thua nhiều người? Lệ thuộc về văn hóa nhiều khi nguy hiểm hơn cả lệ thuộc về chính trị, bởi sự vùng thoát ra khỏi cái bóng khổng lồ của quá khứ, lịch sử, ý thức là điều chẳng bao giờ dễ dàng.

Về mặt khoa học thì quả là bất ổn: Tết Âm lịch đó có thể đúng, hoàn hảo với thời tiết, khí hậu,thời khắc vùng Trung Nguyên chứ chẳng thể nào đúng với nước ta. Chẳng qua chúng ta muốn nó đúng thì nó phải đúng theo ta mà thôi.

Rõ nhất là Tết Trung thu, khi cả bầu trời Trung Nguyên trăng sáng vằng vặc thì cả miền bắc và miền trung Việt Nam mưa tầm mưa tã, bao nhiêu đèn lồng, sư tử bằng giấy hư hết – gần 90% các Tết Trung thu đều thế.

Dù muốn hay không, chúng ta phải công nhận cách ăn tết của phương Tây thật là nhân văn và khoa học: Tết của họ có thể coi là bắt đầu từ Noel và kết thúc lúc hết ngày 1/1. Cả tôn giáo và nhà nước, cả đạo và đời đều tìm được lối đi chung hài hòa, gần gũi, ấm cúng cho mọi thế hệ.

Tuần lễ cuối cùng của năm cũng trùng hợp với cách tổ chức xưa của người Hy Lạp cổ đại: Cả Athènes có 10 philai (quận), mỗi philai cai trị 36 ngày. Năm ngày cuối năm chẳng có ai cai trị ai, tất cả đều vui, tất cả hiền hòa.

Có lẽ, về mặt chính trị – xã hội mà nói, ăn tết Tây (bao gồm cả Noel) thật là nhất cử đa tiện lợi về mặt hòa hiếu, cảm thông, sẻ chia cho cả xã hội, cho từng cộng đồng…

Có một thời, nếu chê nhau chậm tiến, lạc hậu, người ta nói anh A hay chị B “âm lịch”. Hai chữ âm lịch đa nghĩa vô cùng. Phiền hà, tốn kém, lạc hậu, chậm chạp, quê kệch…, tất thảy đều liên quan đến… âm lịch.

Dù muốn hay không, chúng ta buộc phải nhìn nhận “những sự thật sau đây là hiển nhiên”: Hai cái tết (xu thế Tết “tây” ngày càng được coi trọng) quá gần nhau là không hợp lý. Ăn Tết theo âm lịch sai lạc đủ điều. Chẳng hạn, cả loài người đón xuân hai tháng rồi, ta vẫn đang là mùa đông thì quả là khó hiểu. Lịch học tập, hoạt động tài chính, công sở…, vướng lung tung, phải điều chỉnh đủ cách, đủ kiểu, do cái Tết “ta” đưa đến vô số phiền hà…

Còn những điều lợi thì nhiều lắm. Lợi nhất, là ta rất cần thay đổi tư duy, cần có tính độc lập. Cần phải khẳng định một cách nghĩ, một cách làm thống nhất chứ không phải, mỗi ngày, cứ phải tự phân thân thành hai con người: Một thuộc về ngày ta, một thuộc về ngày tây…

Hà Văn Thịnh

Theo Vietnamnet

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *