Thời gian ông vĩnh biệt chúng ta đã trôi qua một quãng đường dài, người đã về cõi Phật nhưng thơ còn đó vẫn vấn vương, xin mượn tên hai tập thơ của ông để giãi bày về những điều ông gửi gắm, thổ lộ với bao buồn vui sau những năm hiện diện trên thế gian này.
Sinh ra trên quê lúa Thái Bình, duyên phận đã gắn Nguyễn Ngọc Bội với mảnh đất Thành Đông lịch sử, biến nơi đây thành quê hương thứ hai níu buộc với cuộc đời ông và cùng với nơi chôn nhau cắt rốn đã trở thành cảm hứng để ông cho ra đời hai tập thơ riêng đánh dấu sự gắn bó với thơ của mình.
Đi dọc ” Khúc hành vân” Để ngược ” Tìm về tháng bảy”, Chợt nhận ra phía sau dáng người nho nhã có phần phong lưu của ông là bao nỗi niềm đau đáu trước mỗi vui buồn, được mất của nhân gian.
Người mới gặp Nguyễn Ngọc Bội, nhận thấy ở ông vẻ tao nhã của một công chức thời tây học chứ ít ai ngờ, người đàn ông trầm tĩnh ấy đã từng có hơn ba chục năm trong quân ngũ, dọc dài từ kháng Pháp sang kháng Mỹ. Có lẽ cuộc bôn ba ấy đã phần nào giúp thơ ông thấm đẫm nhân tình thế thái với góc nhìn của một người cả đời gắn mình với binh nghiệp. Cái khó của Nguyễn Ngọc Bội là ông cầm bút làm thơ khi đã bước vào cái tuổi không còn trẻ. Dường như bao trăn trở suy tư chính là con đường khiến người lính già ấy tìm đến với thơ. Với hai tập in riêng, thơ ông tập trung trong những chủ đề chung nhất: Tình yêu quê hương, đất nước, mối giao cảm với bạn bè, đồng đội và vô vàn chiêm nghiệm trước các biến cố thăng trầm của cuộc sống này.
“Tìm về tháng bảy” – Tập thơ đầu tay của Nguyễn Ngọc Bội -NXB Phụ nữ ấn hành năm 1995 dẫn người đọc đến với cảm hứng của người mới cầm bút trong tình cảm của người lính già cùng mảng ký ức của tháng năm quân ngũ. Giản dị mà chân là nét chính trong thơ ông. ở ” Tìm về tháng bảy” Độc giả gặp trong ” Tìm về tháng bảy” sự gắn bó máu thịt, chia ngọt sẻ bùi của những người đồng đội, giữa cái quy luật khắc nghiệt chiến tranh để rồi cả đất này có chung một “tháng bảy” nghe lòng dịu lại trước những hy sinh của bao thế hệ cho cuộc sống vĩnh hằng “Ai nhớ ai mong chiều tháng bảy/ Dưới rơm vàng hạt thóc nảy mầm xanh/… Có tất cả xin đừng thiếu vắng/ Tháng bảy xanh chiều dịu lắng vần thơ” (Tìm về tháng bảy). Những vần thơ chân chất, ân tình là tấm lòng của người cựu binh với nỗi ưu tư cho đồng đội, ông thương những người đã từng chung nhau khúc quân hành bi tráng thủa nào. Ông trở trăn về nơi đồng đội ông ngã xuống, về người nữ chiến sĩ hóa ni cô thời bình, không trăn trở suy tư sao được khi những đồng đội sau những năm dài gắn bó với quân ngũ nào phải ai cũng được hưởng hạnh phúc tròn đầy. Vẫn còn đó những số phận bất hạnh không giấy mực nào có thể gọi thành tên “Ai đưa em đến cửa chùa/ Hóa thành xa lạ mặn chua cho đời” (Xa lạ)
Hay “Khế chua chồng trước cửa chùa/ tiếng cười và tiếng khóc lùa vào nhau” (Cây khế)
Nếu không có tình thương, không có tấm lòng sẻ chia với đồng đội mình chắc chắn không thể nhận ra bao chát chua của những số phận ấy. Một nét lớn nữa trong “tìm về tháng bảy” khiến độc giả nhớ đến Nguyễn Ngọc Bội, đó là tấm lòng của người con đi xa với quê nhà, với mẹ, có lẽ khó có thể phủ nhận tấm tình thiêng liêng ấy trong những vần thơ chân chất, thật thà nhưng cũng không kém phần day dứt, diết da khi ông viết về quê, về mẹ: ” Nghe con cuốc gọi vào mùa/ Như nung nỗi nhớ như khua nỗi buồn/ Đêm nghe xào xạc ngoài vườn/ Lá rơi lại tưởng gió luồn qua song/ Biển quê còn buổi trời trong/ Mà đời mẹ những long đong tháng ngày” (Quê hương)
Cứ lầm lũi viết, cứ trầm tĩnh sống, sau “tìm về tháng bảy”, năm 2003 Nguyễn Ngọc Bội trình làng tập thơ thứ hai “Khúc hành vân” NXB Thanh niên ấn hành. Vẫn giản dị, vẫn ân tình, nhưng đến “Khúc hành vân”, người đọc thêm một lần nhận ra lẽ sống của con người trầm tĩnh nho nhã ấy sau bao câu chữ. Không giản đơn với bao tâm sự tầm phào như người đời thường kể lể, cũng là uống trà với bạn, cũng là ngắm mảnh trăng vàng hay nhìn cây dâu da khép nép bên bờ ao chênh chao, nhưng đi vào thơ ông, sao cứ rưng rưng bao nỗi niềm trong cuộc sống.
“Ấm nồng chén nước trên tay/ Chén vơi nước giếng nhớ đầy thủa xưa/ Nửa đời nắng, nửa đời mưa/ Nửa toan muốn nói, nửa chưa nói gì” (Uống nước cùng bạn)
Hay ” Kìa mảnh trăng vàng tấm lòng son/ Trăng thì khi khuyết lại khi tròn/ Trăm năm mưa gió mòn bia đá/ Trơ với thời gian dạ chẳng mòn” (Trăng vàng)
Hoặc “Một cành dâu nhỏ mảnh mai/ Trồng đâu cũng mọc bỏ hoài vẫn xanh/ Bờ ao khép nép vươn cành/ Đứng bên cây mới biết mình nông sâu” (Cây dâu da)
Sâu sắc hơn, đằm thắm hơn là điều dễ nhận thấy trong “Khúc hành vân” của Nguyễn Ngọc Bội. Ở cái tuổi không còn trẻ, nhưng thật khó nhận ra điều đó nếu chỉ đọc thơ ông bởi cái “xuân thì” chan chứa, dù ông đã từng thổ lộ” Thưa rằng có đất có trời/ Yêu thương lắm đấy nhưng tôi vụng về” (Vụng về) để rồi cho người đọc nhận ra trong thơ ông tấm tình của ông, tình cảm cứ chênh chao rồi lắng lại, cứ cồn cào rồi lại dịu dàng đằm xuống ngấm dần tỷ tê ám vào tâm trí người đọc
” Ô hay tình của người ta/ Mình nghe rồi ngỡ như là của chung/ Muốn đi xa đến vô cùng/ Nửa toan chôn chặt bừng cháy lên” (Bâng quơ) đến giật mình trước một trích đoạn chèo ” Em ra đứng giữa sân đình/ Cho quan viên bắt tội tình em ơi/ Anh đây chết nửa con người/ Sao em vẫn nói vẫn cười như không” ( Thị Màu) hay vẩn vơ bên tượng nàng Tô Thị ” Một mình đứng đấy chờ mong/ Một mình đi mãi còn trông ngóng gì/ Hoá hồn tượng đá làm chi/ em ôm con đấy hay ghì nỗi đau” (Vọng Phu)
Giữa cái xô bồ cồn cào của cuộc sống ông vẫn tinh tế nhận ra ” Thoáng thôi một chút dùng dằng/ Trong đôi mắt ấy mùa xuân đang về ” ( Một thoáng Thanh Hồng) để rồi chan chứa ” Thương nhau bên ấy bên này/ Bên bờ gày guộc bên bờ biếc xanh” (Sang sông) và nỗi niềm với bạn bè với đồng đội tới “Khúc hành Vân” Vẫn đắm đuối trong trái tim ông ” Thương nhau thương có cánh rừng/ Thương con chim hót nửa chừng bom rơi/ Cánh cò lượn trắng chơi vơi/ Mênh mông sóng lúa chân trời trao nghiêng/ Ngổn ngang bao nỗi niềm riêng/ Tình ta như thể tháng giêng mặn nồng” ( Tháng giêng)
Ngay cả với vòng tuần hoàn luân chuyển của trời đất người cựu binh ấy cũng sẽ càng chiêm nghiệm, vẫn sáng lên trong ánh nhìn của người nặng tình, nặng nghĩa trước thế sự cuộc đời.
” Mùa xuân như cái xuân trời/ Mở ra khép lại một đời âu lo/Mùa hè là cái quạt mo/ Bờm phe phẩy đến bây giờ chưa thôi/ Mùa thu là cái bình vôi/ Quệt đi quệt lại cho môi tím bầm/Mùa đông là cái nong tằm/ Người ơi sao lại rút lầm ruột tôi” (Phiếm ngẫu)
Đọc “Khúc hành vân” người đọc bất ngờ trước rất nhiều bức tranh quê, đẹp dịu dàng, tràn trề mà sắc, thanh âm: ” Mây trắng ôm lưng núi trập trùng/ Nắng vàng vương vấn trải mặt sông/ Con diều dăng cánh trôi xa tít/ Lóc cóc đàn trâu tận cuối đồng” (Chiều thu ở xóm Thanh Nông)
Nhưng có lẽ ám ảnh nhất, vấn vương nhất trong ” Khúc hành vân” là những vần thơ nhìn cảnh nặng tình, cũng như bao người viết khác, có những lúc ông thấy lòng ngập tràn cảm xúc, cuộc sống vội vã xung quanh với bao điều thường nhật không khiến ông nhẹ nhõm trong lòng, cảm giác cô đơn bất chợt ùa về ” Một mình là một ngôi chùa/ Một mình một mõ vẫn thừa một chuông”( Thơ hai câu) ; hay ” Khi vui ngồi kể sự đời/Khi buồn nhặt lá trầu rơi cuối mùa” ( Thơ hai câu) để rồi ” Chân trời gió nổi sao thưa/ Một tia chớp giữa trời khuya khoắt buồn/ Đèn dầu tắt ngọn mưa tuôn/ Thạch sùng nhắc mãi thôi buồn làm chi” (Đêm hè) Trái tim người làm thơ vốn dĩ đã đầy rung cảm, trước hiện thực cuộc sống bất ngờ bật ra vô vàn tâm trĩu nặng: ” Chợ hoa nhìn lại mà thương/ Tạnh mưa tan chợ đầy đường hoa rơi” (Thơ hai câu) hay ” Bàn tay như cuộc đời/ Chỉ mở ra mới rõ/ Một bàn tay bé nhỏ/ Chứa đựng biết bao điều” ( Bàn tay)
Thơ cũng là người, điều ấy mỗi người cầm bút đều cảm thấu. Với một người điềm tĩnh như Nguyễn Ngọc Bội bạn đọc sẽ nhớ nhiều những vần thơ ông viết về nhân tình thế thái. Những câu thơ ấy như chắt chiu ra từ gan ruột, từ kho kinh nghiệm sống của chính cuộc đời ông: ” Câu thơ đem giũa chẳng mòn/ Trời sinh lưng thẳng mà khom cái đầu” ( Không đề II)
Hay: ” Có thừa nhân nghĩa đã đành/ Thiếu loài cầm thú đâu thành thế gian” ( Thơ hai câu)
Giờ thì ông đã đi xa, mang theo hành trang nhẹ nhàng với những vần thơ gắn vào mênh mang trời đất, con đường của ông bây giờ lại trở về với những gì thân thuộc nhất” Bâng khuâng lối nhỏ yêu thương/ Tôi về lại với con đường tôi đi” ( Ngõ xưa) dù đã có lúc ông tự nhận thấy ” Đôi chân đời gót đã mòn/ Chỉ thương con nhện vẫn còn giăng tơ”
Vâng! Người thơ như Nguyễn Ngọc Bội mãi còn trong tâm trí bạn đọc yêu mến ông, còn lại mãi bởi những vần thơ ông viết gửi lại thế gian này!
Hải Dương -Thu 2011
Trường Vĩnh Nguyên
(Trương Thị Thương Huyền & Nguyễn Đình Vinh)