Thầy lại tụng kinh, tiếng kinh nghe như gió thoảng trên mặt hồ chiều, tràng hạt lủng lẳng bên tay thầy. Mợ hỏi thầy sao cứ mỗi một vài dòng mà nhắc đi nhắc lại mãi thế. Thầy bảo: – con người đầu óc chỉ thông minh cho những thú vui xác thịt vật chất, muốn đưa cái thanh tịnh vào đầu rất khó, tràng hạt làm vật chất, tụng niệm làm thú vui, tụng đi tụng lại rồi sẽ nhập.
Mợ nhìn thầy lạ lắm, nhất là khi ánh mắt thầy chợt dừng lại trên trán mợ. Thầy bảo: mợ có vết lõm trên trán, con mắt thứ ba của loài quỉ sứ.
Mợ thì chả biết ma quỉ gì, nhưng lại nhớ vào ngày chông chênh nắng, mẹ sinh ra mợ lúc 2h chiều, có ba tràng hoa nó cuốn quanh cổ, thít chặt lại, tưởng chết. Mặt đứa bé mợ tím ngắt, bà đỡ phát những gần chục cái vào mông, thế là mợ chào đời ngằn ngặt khóc oe óe, bà đỡ nói với sản phụ: -con bé này khiếp, người ta cuốn một vòng, nó những ba, nhưng được cặp lông mày dài kéo lại, tính khí sẽ đáo để, nhưng tâm lành. Bà mẹ thôi bớt lo lắng.
Hài nhi mợ, con bé mợ, thiếu nữ mợ, và mợ cứ lớn dần qua những cung bậc cuộc đời, yên ả trong lòng 36 phố. Chả thích ra ngoài vòng phố bao giờ, có vẻ như mọi sự đã tự sản sinh ra mợ, ắt phải cung cấp đầy đủ cho mợ. Thế mà trong sâu tâm can mợ cũng có những hố nước sâu thăm thẳm, có một nỗi buồn diệu vợi mà chả biết san sẻ cùng ai. Có lúc chợt cảm xúc dâng lên, mang chia chác cho đồng loại một tí, họ cứ bĩu môi bĩu mỏ bảo mợ sướng quá hóa rồ, ăn lắm rực ruột.
Ngán ngẩm cái thế nhân, tại mợ ngốc, ngốc không đường ra, ngốc không lối thoát, đôi khi cho viên C màu hơi xanh nhạt vào cốc nước, nó sủi lên sùng sục như cõi lòng của mợ, rồi tan dần, tan dần…vào hư vô. Mợ cứ xoay cốc nước trên tay, lặng lẽ sầu muộn. Ai bảo…
Tại ngày sinh ra mợ, nắng chông chênh?
* * *
Đêm đó, anh mặc chiếc áo choàng hoa mềm mỏng rộng thùng thình của cô, cảm giác của cô ngắm anh thật lạ. Người ta hay phân biệt về phái giới. Có vẻ như dòng sông tự nhiên khoác lên mình một dải lụa đào, che đi sự chảy xiết đang cuồn cuộn. Còn cô thì măc chiếc áo sơ mi của anh, chiếc áo dài tới gần đầu gối, như mặt hồ phẳng lặng chợt có chiếc tàu thủy hùng dũng chạy ngang. Hai người nhìn nhau cười khanh khách, và họ thấy những điều lạ chầm chậm diễn ra giống như một lẽ tự nhiên.
Rồi bóng một người đàn ông khác hiện ra, chính là anh, cũng chính là thầy. Đời này cứ mông lung như con diều bay theo tiếng sáo, ẩn hiện giống một cuộc trao đổi chất trực thuộc hai thái cực âm dương, sức hút của một cuộc hùng biện gai góc cóc cần khán thính giả, điếc hay mù cũng có thể cảm nhận qua những cơn say mơ hoang trôi dạt giữa bao la bể người.
* * *
Thầy lấy tấm giẻ hoa lau vết son trên môi mợ, mợ hỏi:
-Sao phải thế?
Thầy cười cười:
– Môi các mợ đỏ loét cứ như hoa thuốc phiện, ngậm vào sợ say.
Ý thầy thế, cứ lau miết trên môi mợ, mợ chả thèm ngăn.
Nhưng đến quá vãng chiều thì thầy lại lấy một bông hoa hồng cắm ở chiếc lọ bằng thủy tinh trong veo, màu hoa rất thẫm, thầy vò nát, lấy thứ nước thâm đỏ quẹt vào môi mợ.
Mợ ngồi yên, như chờ những âm vực thẳm sâu diệu vợi từ ngón tay thật mẫn cảm ấy, thầy như đang hoàn thành một bức họa khổng lồ.
Mợ thấy gai hết cả người, ngón tay của thầy dìu dịu, chả giống mấy lũ mặt giặc, gặp mặt mợ là ngó nghiêng, thấy mợ có quả da trắng môi son đỏ là ngấu nghiến, chả thèm biết thứ độc dược từ cặp môi đỏ của mợ, cứ thích thú mê mải như loài ong vò vẽ, châm chích lên từng phân đoạn lên cái bản thể giời sinh ra mợ. Thế nên mợ chóng quên, chỉ cần qua công đoạn tẩy rửa từ vài khối nước là sạch sẽ, chả lưu luyến gì.
Bụp, thầy gõ nhẹ lên trán mợ: – này, nghĩ gì thế?
Ô, mà như lũ mặt giặc nó thường gõ chỗ khác chứ không gõ vào vầng trán yêu kiều với sự trân qúi tác phẩm tạo hóa ban cho mợ như thế, tự nhiên mợ thẹn, má bỗng đỏ bừng, hòa cùng màu hoa hồng trên cặp môi thầy đang miệt mài tô đi tô lại.
Thầy bảo lúc này mợ tinh khiết, không độc như mọi khi. Theo thầy, tất cả những cặp môi tô bằng son hóa học là những cặp môi đĩ, chỉ có tô bằng nước vắt ra từ cánh hoa là thanh.
Mợ lườm lườm, bảo thầy ăn nói thỉnh thoảng nghe cứ tởm tớm. Thầy bảo:
– Chứ không à? Nhìn thấy quanh quẩn loài người bên cạnh ta đấy, toàn những đánh bóng sơn phết lên nhau, có những ụ mặt không còn một kẽ nào để lách nổi một đường cọ vào kẽ tóc. Sơn phết lên nhau chán rồi chán nhau, rồi bóc nhau ra bằng mọi thủ đoạn, mang cả mấy xô phẩm xanh đen hắt vào nhau, tự thắt cổ nhau, tự quả báo nhãn tiền thanh toán nhau bằng những xô phẩm đẳng cấp.
Mợ thở dài, nhìn lên ban thờ có một vị đã hóa Thánh, bức ảnh làm mợ thấy yên lòng.
Mặc dù biết bao thiên lôi địa hạ giờ được ăn theo Ngài, giương Ngài lên như tấm bình phong để làm mấy trò chơi vận mệnh.
Mà thôi…chậc, ba con tắc kè trên tường kêu lắc tắc, như nhắc nhủ trở về cõi giới dung tục/dị này.
Hai chúng sinh mê mải bên nhau, thầy ngắm và mợ cứ đỏ tưng bừng như xuân nồng, lạ nhỉ.
Ngày hôm nay được ông Hoàng bà Chúa chứng dám tấm lòng thành của họ. Cặp đôi nghiêm túc từ ý niệm, nửa trang trọng, nửa khôi hài. Thật chẳng gì sánh nổi, cái lẽ từ cuộc đời cũng đừng nên nghiêm chỉnh quá thành hâm đơ, mà hài quá cũng bị gọi là lũ hề đồng chuyên mua vui cho thiên hạ.
Lòng thầy ngổn ngang giống như quảy đôi quang gánh cuộc đời của mợ, trong ấy có cả mớ trầu vôi bị trộn thành một đống hổ lốn nhưng bỗng cay cay thơm lừng, mong sao mợ hồi hương bản thể ngày xưa tinh khiết.
Hực, mợ đã từng bị nhúng chàm, thứ chàm rất khó tả, cứ bám lên thân xác mợ như những con vắt sống qua mấy thế kỷ đa đoan.
Thầy thắp lên một nén tâm hương nữa, mùi thơm nồng nàn như mùi thịt da trời đất, gần gũi như hương vị đàn bà, loài đàn bà không tục dị từ trong đáy tâm hồn.
Thế mà chưa bao giờ nhìn thấy mợ khóc. Vậy mà hôm nay mợ dám rơm rớm nước mắt rồi lại đổ cho lũ bọ xít trên giàn thiên lý nó phụt vào mắt, cặp mắt mơ màng pha chút lãng đãng của mợ, cặp môi nhoẻn ra đỏ loét thường nhật màu son, bị người ta kêu: trông mụ điêu vặt ruột.
Thế mợ cũng cóc thèm thanh minh. Ai hiểu thế nào thì hiểu, người thích mợ cũng lắm, người chả thích mợ cũng nhiều, có người đơm đặt bảo mợ kỵ loài khác giống.
Mà người yêu mợ…thì chắc chỉ có trong câu truyện cổ từ cả vạn thế kỷ trước.
* * *
Thầy thở dài thườn thượt, kéo mợ ra ngoài sân, ánh trăng đêm 11 meo méo giống như nụ cười của thầy mỗi khi nghĩ tới mợ. Thầy lôi ra một chiếc chậu nhôm gần gốc cây hoàng lan, lấy chiếc túi ni lông và bốc những con cua béo đen óng đang bò lổm ngổm chen chúc trong chậu. Thầy dặn mợ: -Đi qua Hồ Tây thả hết xuống, phóng sinh cho chúng mát mẻ, ra khỏi cái chậu chen chúc tục lụy này.
Mợ cằn nhằn có vẻ tiếc rẻ: -sao nhiều thế, cua béo nữa?
Thầy gắt:
– Thả hết, đừng có tham ăn rồi mang luộc chấm muối đấy nhé, bao giờ mới thoát khỏi sân si, lũ cua vừa ngang vừa lắm càng, ở trong chậu rồi tự quặp nhau cũng chết hết.
Mợ theo chuyến xe taxi đêm len lỏi qua mấy góc phố phường, về đến Hồ Tây, mở túi và thả chúng xuống.
Chợt nghĩ tới cái tấm chân tình của thầy, mắt mợ cũng nhòe nhòe trong sương đêm.
Dưới ánh đèn đường mờ mờ, những con cua sót lại trên kè hồ cũng đang lổm ngổm tìm đường bò dần xuống nước.
ĐHM- cuối năm 2012
Tác giả bài viết: ĐẶNG HÀ MY
Nguồn Thủy Hướng Dương