Mạc Ngôn
Báu Vật Của Đời
Chương 4(tiếp)
3
Chiếc kính lão mà mắt kính bằng đá thạch anh là quà của Tư Mã Khố thời hoàng kim tặng thầy dạy vỡ lòng Tần Nhị nhân dịp sinh nhật của thầy. Giờ đây thầy đeo món quà phản cách mạng đó ngồi trên bục giảng xây bằng gạch, hai tay cầm quyển sách giáo khoa dạy chữ quốc ngữ, kéo dài cái giọng run rẩy yếu ớt như đôi chân của thầy, giảng cho lớp Một chúng tôi – lớp Một đầu tiên của vùng Cao Mật, gồm những học sinh cao thấp không đều, tuổi tác chênh nhau khá xa. Chiếc kính nặng, trễ xuống giữa sống mũi cong queo của thầy, một giọt nước trong vắt treo lủng lẳng ở chóp mũi và cứ ở đấy không chịu rơi. Con dê to to…, thầy ngân nga. Mặc dù đang là tháng Sáu nóng nực, thầy vẫn đội chiếc mũ lông, mặc chiếc áo chùng màu đen. Con dê to to…, chúng tôi nhại giọng thầy đọc theo, hai tay cầm sách nhưng mắt không nhìn vào sách. Con dê bé bé…, thầy dẫn đọc bằng một giọng buồn thảm. Nóng ngột ngạt, trong nhà thờ vừa tối vừa ẩm, chúng tôi cởi trần, chân đất, mồ hôi mồ kê đầm đìa, nhưng thầy vẫn khăn áo chỉnh tề, mặt tái nhợt, đôi môi thâm tím như đang bị rét cóng. Con dê bé bé… chúng tôi đọc rõ to. Mùi khai nồng nặc, nhà thờ chẳng khác cái chuồng dê. Dê to dê bé chạy trên núi… Dê to chạy, dê bé kêu… Tôi hơi nghi ngờ sách giáo khoa. Căn cứ vào kinh nghiệm phong phú của tôi về loài dê thì con dê nào bầu vú quết đất thì không thể chạy, nó đi còn khó, nói gì đến chạy? Dê bé kêu thì có thể, chạy cũng có thể. Trên những vạt cỏ hoang, dê lớn ung dung gặm cỏ, dê nhỏ vừa chạy vừa kêu. Tôi rất muốn giơ tay hỏi thầy nhưng không dám. Trước mặt thầy là một cái thước kẻ, chuyên để đánh vào lòng bàn tay. Dê to ăn nhiều… dê bé ăn ít… Câu này thì đúng, dê to tất nhiên ăn nhiều hơn dê bé, dê bé tất nhiên ăn ít hơn dê to. Dê to to, dê bé bé, dê ăn no cỏ, dê quay đầu về.
Thầy vẫn đọc không mệt mỏi, nhưng trong lớp thì dần dần trở nên mất trật tự. Vu Vân Vũ mười tám tuổi, con trai một cố nông, to cao khỏe mạnh như con ngựa choai. Anh ta đã lấy Lam Thủy Liên, vợ góa một ông bán đậu phụ làm vợ. Lam Thủy Liên lớn hơn anh ta mười tuổi, bụng đã mang trống. Anh ta sắp làm bố. Anh chàng sắp sửa làm bố Vu Vân Vũ rút khẩu súng lục đã han gỉ giắt ở thắt lưng, giơ lên nhắm vào cái ngù đỏ trên mũ thầy. Dê to chạy… dê to… pằng!, ha ha ha. Thầy ngẩng lên, nhìn qua phần trên của mắt kính nên thầy chăng nhìn thấy gì cả. Thầy lại đọc tiếp. Dê to… pằng! Vu Vân Vũ bắn một phát súng miệng, chiếc ngù đỏ trên mũ thầy lắc lư. Cả lớp cười ầm, thầy vớ lấy cái thước đập đánh chát xuống bàn, quát to như quan tòa:
– Yên lặng!
Lại tiếp tục đọc.
Quách Thu Sinh mười bảy tuổi con trai một bần nông rời chỗ ngồi, lom khom trèo lên bục ra phía sau lưng thầy, hai chiếc răng cửa dài như răng thỏ cắn môi dưới, hai tay làm bộ ôm lấy đầu thầy giơ lên hạ xuống như thả đạn súng cối mà đầu thầy thì như nòng pháo, bắn liên hồi. Cả lớp hỗn loạn, học sinh cười nghiêng ngả, thằng Từ Liên Hợp to bự đấm xuống bàn rầm rầm, thằng Phương Thư Trai béo quay thì xé nát sách vở tung lên trời, những mẩu giấy bay như bươm bướm.
Thầy giáo đập thước liên hồi xuống mặt bàn cũng không làm sao hết cảnh nhốn nháo. Thầy nhìn xuống dưới lớp để tìm nguyên nhân. Quách Thu Sinh như một thằng điên, liên tục làm những động tác nhục mạ thầy trên đầu thầy. Những đứa trên mười lăm tuổi gào thét như điên cuồng.
Bàn tay Quách Thu Sinh chạm vào vành tai thầy. Thầy ngoảnh lại túm ngay được.
– Đọc thuộc lòng đi! – Thầy nghiêm giọng bảo.
Quách Thu Sinh đứng thõng hai tay trên bục làm ra vẻ hiền lành, nhưng khuôn mặt thì làm ngáo ộp. Nó chụm miệng cho môi dẩu ra như một cái rốn, nhắm một mắt lại cho miệng méo xệch sang một bên, nghiến chặt răng để hai tay vẫy vẫy.
– Đọc thuộc lòng đi! – Thầy gầm lên.
Quách Thu Sinh đọc: Bà to to, bà bé bé, bà to rượt đuổi bà bé té…
Trong tiếng cười như điên của bọn học trò, thầy Tần cầm thước, chụp lấy tay Quách Thu Sinh để lên bàn.
– Thằng ranh con này, bốp!
Cái thước vụt mạnh vào lòng bàn tay Quách Thu Sinh. Nó chỉ kêu lên một tiếng cộc lốc. Thầy nhìn nó một cái rồi lại giơ thước lên, nhưng tay thầy dừng lại giữa chừng vì trông thấy nét mặt hung hãn của tên lưu manh, cặp mắt đen rầm, những tia mắt hằn học đầy vẻ khiêu khích. Cặp mắt gà của thầy Tần đột nhiên dịu lại, cái tay cầm thước rũ xuống. Thầy lẩm bẩm điều gì đó, gỡ kính bỏ vào chiếc hộp kính bằng sắt, đậy chiếc giẻ lau kính lên trên, đậy nắp lại rồi bỏ vào túi. Thầy cũng cho luôn vào túi cái thước đã từng đánh Tư Mã Khố, rồi thầy bỏ mũ vái Quách Thu Sinh một vái, quay xuống lớp vái một vái nữa, nói với lớp bằng một giọng chua loét, nghe vừa khó chịu vừa thương hại:
– Thưa các ông lớn, Tần Nhị tôi chậm hiểu ngu lâu, không lượng súc mình, dám châu chấu đá xe, đánh chết mà không chết, mà không chết thì là đạo tặc. Tôi biết tội đã nhiều, rất mong các vị lượng thứ!
Nói xong thầy chắp tay trước bụng vái mấy vái rồi khom lưng tôm, nhón gót nhẹ nhàng đi ra khỏi nhà thờ. Từ bên ngoài vẳng lại tiếng ho đầy nước mắt của thầy. Bài học đầu tiên kết thúc là như vậy. Bài thứ hai là âm nhạc.
Âm nhạc. Cô giáo Kỷ Quỳnh Chi trên huyện cử về, dùng chiếc thước chỉ vào hai chữ viết bằng phấn trắng trên bảng đen, giọng lanh lảnh:
– Tiết này chúng ta học âm nhạc. Không có sách giáo khoa, sách giáo khoa ở đây ở đây ở đây! – Cô chỉ vào đầu, ngực và bụng mình. Cô quay mặt lại bảng đen, vừa viết vừa nói. – Âm nhạc bao gồm nhiều thứ, thổi sáo này, kéo nhị này, ca hát này, diễn kịch này… đều là âm nhạc, bây giờ các em chưa hiểu thì sau này sẽ hiểu. Ca hát là hát nhưng không hoàn toàn là hát, ca hát là một hoạt động âm nhạc quan trọng, và cũng có thể nói là một nội dung quan trọng của môn nhạc ở một trường tiểu học hẻo lánh như trường chúng ta. Hôm nay ta học một bài hát. Cô viết cành cạch trên bảng. Qua cửa sổ nhìn ra cánh đồng, tôi trông thấy Tư Mã Lương bị tước quyền đến trường vì là con phần tử phản cách mạng, thấy Sa Tảo Hoa, con gái Hán gian đang chăn dê, ngẩn ngơ nhìn vào lớp học. Chúng đứng trong vạt cỏ cao lút đầu gối, sau lưng là mười mấy cây hướng dương thân mập, lá to bản, hoa vàng rực. Cái bản mặt hoa hướng dương sao mà buồn, lòng tôi càng buồn hơn. Tôi liếc nhìn những cặp mắt long lanh trong cảnh u ám mà ứa nước mắt. Tôi ngắm nghía chiếc khung cửa sổ bằng gỗ liễu, thầm mong mình biến thành con chim họa mi, tắm mình trong ánh nắng rực rỡ của một chiều tháng Sáu, đậu trên dài hoa hướng dương đầy những con sâu nhỏ. Bài hát hôm nay chúng tôi học là bài Phụ nữ giải phóng ca. Cô giáo cúi viết nốt những lời cuối cùng của bài hát. Bờ vai của cô tròn lẳn như mông ngựa. Một mũi tên bằng gỗ, phần đuôi cắm lông gà, phần mũi gắn cục nhựa đào, bay vụt bên tôi, trúng vào mông cô giáo. Lớp học nổ ra một trận cười khả ố. Thằng Đinh Kim Câu ngồi sau lưng tôi là thằng bắn phát tên đó. Nó giơ cây cung lên để khoe, rồi giấu vội đi. Cô giáo dạy nhạc rút cái tên ở mông ngắm nghía, cười một tiếng rồi phóng xuống mặt bàn, cái tên rung lên rồi đứng yên.
– Bắn giỏi đấy! – Cô bình tĩnh nói.
Cô bỏ roi xuống, cởi áo quân phục đã bạc màu để lên bục giảng, một cô giáo hoàn toàn khác trước với chiếc áo sơ mi trắng bỏ trong quần, thắt lưng da to bản, vì dùng lâu ngày nên lên nước đen bóng. Vòng eo nhỏ, ngực nhô cao, mông nở, chiếc quần bộ đội ống rộng, giặt nhiều đến nỗi biến thành màu trắng, chân đi đôi giày thể thao hợp thời trang. Cô ăn mặc sao mà thanh thoát, sao mà gọn ghẽ. Để càng thanh mảnh hơn, cô còn thít thêm một nấc dây lưng. Miệng mỉm cười, cô đẹp như con hồ ly trắng. Nụ cười vụt tắt cô tàn nhẫn như con cáo trắng.
– Các em vừa làm cho thầy Tần tức giận bỏ đi, anh hùng nhỉ?
Cô nói mỉa, rút cái tên ở bàn lên, dùng ba ngón tay nắn nắn, nói:
– Một cung thủ đáng gờm đây, Lý Quảng hay Hoa Vinh đây? Có dám đứng dậy xưng tên xưng họ không? Cặp mắt đẹp của cô lướt trên đầu chúng tôi. Không ai đứng lên. Cô cầm chiếc roi quật đánh bốp lên bục giảng. Tôi cảnh cáo các em, cô nói, cái trò lưu manh mà các em thi thố ở lớp tôi thì hãy gói ghém lại cho kỹ rồi đưa cho mẹ các em cất đi!…
– Thưa cô, mẹ em chết rồi ạ! – Vu Vân Vũ nói to.
– Mẹ của ai chết rồi? Cô giáo hỏi, đứng dậy!
Vu Vân Vũ đứng lên, thái độ tỏ ra bất cần.
– Đi lên trên này- Cô nói – Lên đây, để tôi nhìn kỹ em một tí.
Vu Vân Vũ đội một chiếc mũ đơn bóng nhẫy như da trăn để che những cái sẹo trên đầu, nghe nói bốn mùa trong năm, chiếc mũ này không bao giờ bỏ ra, ngay cả khi ngủ, khi tắm dưới sông. Với chiếc mũ đó, Vu Vân Vũ nghênh ngang bước lên bục giảng.
– Em tên là gì? – Cô cười giọng ôn tồn hỏi.
Vu Vân Vũ xưng tên như một anh hùng.
– Các em, cô nói, tôi họ Kỷ, tên là Quỳnh Cái, từ nhỏ đã không cha không mẹ, lớn lên bên bãi rác, đến năm lên bảy tuổi thì theo một gánh xiếc rong phiêu bạt giang hồ, từng thấy lưu manh đủ loại. Học lái mô tô bay, đi trên dây, nuốt kiếm, phun ra lửa, rồi sau chuyển sang dạy thú, lúc đầu dạy chó, rồi dạy khỉ, rồi dạy gấu, cuối cùng là dạy hổ. Tôi có thể bắt chó nhảy tròng, bắt khỉ trèo cây, gấu cưỡi xe, hổ nhào lộn. Năm mười bảy tuổi tôi tham gia cách mạng, từng quần nhau với kẻ thù, đâm vào dao trắng, rút ra dao đỏ. Năm hai mươi tuổi tôi học trường đại học quân chính Hoa Đông, học đánh bóng, vẽ tranh, nhảy múa ca hát. Năm hai mươi lăm tuổi, tôi kết hôn cùng trưởng phòng trinh sát cục Công an Mã Thắng Lợi, anh tinh thông nghiệp vụ, khả năng chiến đấu không kém gì tôi.
Cô nói tất cả mọi chuyện, chỉ trừ chuyện về trấn Đại Lan phát động phong trào cải giá là không nói.
– Hừ, các em cho rằng tôi nói khoác phải không?
Cô giơ tay sửa lại mải tóc ngắn trên đầu. Nước da cô nâu bóng, khỏe mạnh, bầu vú tràn trề sức sống đẩy ngực áo sơ mi căng phồng. Mũi thanh tú, đôi môi đường nét rõ ràng, răng trắng bóng. Kỷ Quỳnh Chi này hổ còn không sợ – cô khinh bỉ nhìn Vu Vân Vũ, giọng anh chị – Chẳng lẽ sợ em?
Trong khi nói vậy, cô giơ cái roi dài luôn rất khéo vào viền mũ của Vu Vân Vũ rồi lắc cổ tay một cái hất chiếc mũ ra khỏi đầu như một bánh rán trong chảo. Tất cả chỉ diễn ra trong một giây. Vu Vân Vũ vội ôm lấy cái đầu đầy những sẹo, vẻ ngang tàng biến mất, mặt thộn ra. Nó nước mắt tìm cái mũ. Cô giơ cao cái oi rung rung cho cái mũ quay tít trên đầu roi một cách tài tình, khiến hồn vía Vu Vân Vũ bay đi đâu mất. Cô hất roi một cái, chiếc mũ bay lên không trung, rồi lại rơi một cách chính xác xuống đầu roi, tiếp tục quay tít. Tôi thấy hoa cả mắt. Cô lại hất cái mũ lên cao, đợi khi nó rơi xuống nửa chừng, khẽ vụt một cái khiến nó rơi dưới chân Vu Vân Vũ.
– Đội mũ vào, cút về chỗ của em! – Cô ngán ngẩm bảo nó – lượng muối tôi ăn còn nhiều hơn số bột mì em đã ăn, những cây cầu tôi đã đi qua còn nhiều hơn những con đường mà em đã đi. Rồi cô nhổ mũi tên cắm trên bàn, nói:
– Em, chính là em! Đem cái cung lên đây!
Đinh Kim Câu hốt hoảng đứng dậy, ngoan ngoãn cầm cái cung lên để trên bục giảng của cô giáo.
– Về chỗ! – cô nói.
Cô cầm cây cung lên giọng thử, nói:
– Cánh cung mềm quá, dây cũng không đủ căng. Dây cung phải dùng gân bò mới tốt. Cô lắp tên trên sợi dây cung kết bằng lông đuôi ngựa, kéo khẽ, nhằm thẳng vào đầu Đinh Kim Câu, nó vội vàng rúc xuống gầm bàn. Một con nhặng xanh đang bay trong tia nắng từ cửa sổ lọt vào. Kỷ Quỳnh Chi ngắm chuẩn con nhặng, dây cung bật đánh tách một tiếng, con nhặng bị bắn rơi xuống đất.
– Còn ai không phục nữa thôi? – Cô hỏi.
Lớp học im như thóc. Cô mỉm cười ngọt ngào, cái lúm đồng tiền trên má đầy quyến rũ. Cô nói:
– Bây giờ ta chính thức lên lớp, tôi đọc một lượt lời của bài hát: Xã hội cũ, như giếng sâu vạn trượng, nằm dưới đáy là các tầng lớp nhân dân, đáy của đáy là chị em phụ nữ? Xã hội mới, như mặt trời chói lọi, nắng trùm lên người làm ruộng chúng ta, vươn mình là phụ nữ chúng ta
4
Trong môn nhạc của cô Kỷ Quỳnh Chi, tôi đã tỏ ra có một trí nhớ xuất chúng và tố chất âm nhạc rất tốt. Mặc dù khi mới hát đến câu đáy của đáy là chị em phụ nữ trong bài Phụ nữ giải phóng ca, mẹ bê bình sữa bọc trong chiếc khăn mặt trắng đến dưới cửa sổ bằng gỗ liễu, luôn miệng gọi khẽ:
– Kim Đồng, Kim Đồng, uống sữa đi này?
Tiếng gọi của mẹ và mùi sữa đã phân tán ghê gớm sức chú ý của tôi, nhưng đến cuối tiết học, tôi là người duy nhất hát trọn vẹn bài Phụ nữ giải phóng ca một cách chuẩn xác. Cô Kỷ Quỳnh Chi biểu dương tôi trước lớp học bốn mươi học sinh. Cô hỏi tên tôi, bảo tôi đứng lên hát lại lần nữa. Cô vừa tuyên bố hết giờ thì mẹ đã đưa bình sữa vào bên trong cửa sổ. Tôi do dự, mẹ bảo:
– Con uống đi! Con giỏi giang như vậy, mẹ mừng lắm!
Trong lớp có tiếng cười rúc rích.
– Cầm lấy đi con, có gì mà ngượng kia chứ? – Mẹ nói.
Cô Quỳnh Chi thơm mùi kem đánh răng đi tới, chiếc roi chống trên nền nhà rất điệu nghệ, nói ra ngoài cửa sổ:
– Bác đấy ạ, khi đang lên lớp bác đừng đến làm mất trật tự nữa nhé!
Nghe giọng nói của cô, mẹ sững người, cố dướn lên ngó vào trong, lễ phép nói:
– Thưa cô, đây là thằng con một của tôi, đợt sữa đầu sáng này ít quá, nó ăn không đủ no, sợ nó không cầm cự được đến chiều!…
Cô Quỳnh Chi nhìn tôi cười, nói:
– Em cầm lấy đi, kẻo mẹ mỏi tay.
Tôi đỏ bừng mặt đón lấy bình sữa. Cô Quỳnh Chi nói với mẹ:
– Thế này mãi sao được? Phải cho em nó ăn cơm. Lớn lên đi học trung học, học dại học, chẳng lẽ vẫn phải dắt theo một con dê?
Cô tưởng tượng cái cảnh một sinh viên đại học dắt theo một con dê vào lớp mà bật cười không chút ác ý.
– Em nó bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Cô hỏi.
– Mươi ba tuổi rồi, tuổi Tý – Mẹ nói – Tôi cũng buồn lắm cô ạ, nhưng mà nó ăn vào thứ gì là nôn ra thứ ấy, bụng lại còn đau nữa, đau đến nỗi toát mồ hôi hột, sợ phát khiếp!…
Tôi bảo mẹ, giọng không vui:
– Thôi mà mẹ, mẹ dùng nói nữa, con không uống đâu!
Tôi đưa trả cái bình. Cô Quỳnh Chi búng búng tai tôi, nói:
– Trò Kim Đồng, đừng làm thế, thói quen sẽ sửa dần, uống đi!
Tôi nhìn cặp mắt long lanh của cô trong ánh sáng mờ mờ, trong lòng cảm thấy vô cùng xấu hổ. Cô Quỳnh Chi nói:
– Các em nhớ nhé, không được giễu cợt nhược điểm của người khác!
Nói xong, cô bỏ đi.
Tôi quay mặt vào tường, uống thật nhanh hết sạch bình sữa rồ tôi trả cái bình cho mẹ, nói:
– Lần sau mẹ đừng đến nữa!
Giờ nghỉ giữa hai tiết học, Vu Vân Vũ và Đinh Kim Câu vốn dĩ càn quấy, bây giờ trở nên nghiêm chỉnh, ngồi như phỗng trên ghế. Thằng Phương Thư Trai béo ị cởi dây lưng trèo lên bàn, buộc một đầu dây lên xà nhà, còn đầu kia làm thành cái thòng lọng, biểu diễn trò thắt cổ. Nó nhại giọng the thé của bà góa, khóc lảnh lót, kể lể: Anh ơi là anh, anh nhắm mắt xuôi tay về Tây phương cực lạc bỏ lại thân em vò võ một mình, trong lòng như có con trùng ngọ nguậy, chẳng thà em xuống suối vàng cho xong.
Khóc lóc, kể lể, hai má nó bạnh ra như hai má lợn, rồi thì nó khóc thật, hai dòng nước mắt chảy ròng ròng, nước mũi cũng chảy tràn qua môi.
– Tôi chẳng thiết sống nữa!
Nó gào lên, nhón gót chui đầu vào thòng lọng. Hai tay nắm hai bên thòng lọng, nó nhảy dựng lên, mỗi lần nhảy một lần kêu lên:
– Tôi chẳng thiết sống nữa!
Lớp học ồ lên tiếng cười quái dị. Thằng Vu Vân Vũ vẫn chưa hết bực, nó ấn tay xuống bàn, rồi như ngựa đá hậu, nó giơ chân đạp lại đằng sau một cái, chiếc bàn đổ kềnh. Thân hình to béo của thằng Phương Thư Trai treo lủng lẳng dưới xà nhà. Nó rú lên, hai tay cố ghì lấy dây thừng, hai chân ngắn ngủn quẫy lia lịa, rồi chậm dần lại, mặt tím ngắt, miệng sùi bọt, phát ra tiếng òng ọc của người đang giẫy chết.
– Treo cổ chết rồi! – mấy đứa nhỏ hốt hoảng kêu lên, vừa kêu vừa chạy ra ngoài sân, dẫm bành bạch mà gào:
– Treo cổ chết rồi! Phương Thư Trai treo cổ chết rồi!
Hai tay thằng Phương Thư Trai buông thõng, hai chân không quẫy đạp nữa, mình nó như dài ra, một tiếng rắm rất kêu vọt ra khỏi dũng quần. Ngoài sân, bọn học sinh chạy tán loạn, không biết làm gì. Cô giáo Kỷ Quỳnh Chi và mấy giáo viên không biết tên, càng không biết các thầy dạy môn gì, từ phòng giáo viên chạy ra.
– Ai chết? Ai treo cổ chết? – Họ vừa hỏi to vừa chạy về phía lớp học, những đống rác trên sân níu chân họ.
Kỷ Quỳnh Chi nhảy tâng tâng như con hươu cái, chỉ trong vài giây cô đã vào đến lớp học. Đang từ ngoài nắng chạy vào chỗ tối, cô thoáng vẻ ngỡ ngàng, hỏi to:
– ở đâu?
Thân hình nặng nề của Phương Thư Trai rơi bịch xuống đất dải thắt lưng đen đứt tung vì không chịu nổi sức nặng của nó.
Cô Kỷ Quỳnh Chi ngồi xổm bên cạnh thằng Phương Thư Trai, luồn tay vào nách lật nó nằm ngửa. Tôi trông thấy cô chau mày, môi trên dẩu ra che lấy mũi. Người Phương Thư Trai thối hoắc. Cô đưa tay trước mũi xem nó còn thở hay không, rồi ấn huyệt nhân trung, nét mặt cô tỏ ra vô cùng bực bội. Phương Thư Trai giơ tay gạt tay cô ra. Cô chau mày đứng dậy, đá cho nó một cái, nói:
– Đứng dậy?
– Ai đá đổ chiếc bàn? – cô Quỳnh Chi đứng trên bục, nghiêm giọng hỏi.
– Em không biết, em không biết, em không biết!
– Vậy thì ai trông thấy? Hoặc ai đã đá đổ? Thử dũng cảm một lần xem nào?
Mọi người cúi gằm, Phương Thư Trai khóc òa.
– Có câm miệng lại không – cô Quỳnh Chi đập bàn quát – muốn chết thì quá dễ, lát nữa tôi sẽ cho em biết vài kiểu chết. Tôi không tin là không ai trông thấy kẻ đã đá đổ chiếc bàn. Kim Đồng, em là một học sinh thực thà, em nói đi!
Tôi cúi đầu.
– Em hãy ngửng lên nhìn cô đây này – cô nói – Cô biết là em sợ, cô chịu trách nhiệm về chuyện này, em đừng sợ?
Tôi ngẩng nhìn đôi mắt rất dẹp của người chiến sĩ cách mạng, nhớ lại mùi kem đánh răng tỏa ra từ miệng cô, trong lòng dễ chịu như đứng trước luồng gió mát.
– Cô tin rằng em có đủ can đảm tố cáo người xấu việc xấu, vậy mới là phẩm chất của thanh thiếu niên của nước Trung Quốc mới.
Cô nói rất hào hùng. Tôi liếc ngang, bắt gặp ánh mắt uy hiếp của Vu Vân Vũ. Tôi lại gục đầu xuống ngực.
– Vu Vân Vũ, đứng dậy? – cô bình tĩnh gọi
– Không phải em! – Vu Vân Vũ kêu to.
Cô mỉm cười hỏi:
– Sao em cuống lên thế? Sao em lại gào lên?
– Dù sao cũng không phải là em! – Vu Vân Vũ xiết móng tay xuống mặt bàn, nói khẽ.
Cô Quỳnh Chi nói:
– Vu Vân Vũ, có gan ăn cắp có gan chịu đòn!
Vu Vân Vũ đứng dậy, từ từ ngẩng đầu lên, nét mặt trở nên dữ dằn. Nó quăng sách vở xuống đất cho bảng đả và phấn viết vào chiếc cặp màu xanh kẹp dưới nách, giọng khinh miệt:
– Tôi đá đổ cái bàn đấy làm gì tôi nào? Tôi đ. vào học nữa! Ông có thích học đâu tại các người cứ vận động ông đấy chứ!
Hắn nghênh ngang bước ra cổng, người nó mới cao làm sao, xương cốt nó mới to làm sao, nó hoàn toàn có dáng vóc của một thằng đàn ông ngạo mạn và ngỗ ngược. Cô Quỳnh Chi đứng chặn lối ra cổng, nó quát:
– Tránh ra! Nhà người dám làm gì ông?
Cô Kỷ Quỳnh Chi cười mát:
– Ta phải cho cái thằng hèn này biết tay! Rồi phóng chân đá trúng đầu gối Vu Vân Vũ. Nó ối lên một tiếng quị xuống.
– Kẻ ác thì phải bị trừng phạt – cô Quỳnh Chi nói.
Vu Vân Vũ móc cái bảng đá trong túi xách liệng trúng ngực cô Quỳnh Chi, cô rên lên một tiếng, ôm lấy bầu vú bị thương.
Vu Vân Vũ nói:
– Mày tưởng tao sợ mày hả? Nhà tao ba đời cố nông, cô dì bà ngoại tao đầu là bần nông, mẹ tao đẻ ra tao trên đường đi ăn xin.
Cô Quỳnh Chi xoa xoa bầu vú, nói:
– Ta thật tình không muốn nhà ngươi làm bẩn tay ta – Hai bàn tay cô đan vào nhau, những đốt ngón tay kêu răng rắc – Đừng nói nhà mi ba đời cố nông mà ba mươi đời cố nông thì ta cũng phải cho mi một bài học!
Cô vừa nói vừa tung một quả đấm như chớp trúng cằm Vu Vân Vũ. Hắn rú lên một tiếng, lảo đảo. Quả đấm thứ hai mạnh hơn, trúng giữa ngực, tiếp theo là một cú đá trúng mắt cá chân. Hắn ngã lăn ra, khóc hu hu như một đứa trẻ. Cô Quỳnh Chi túm cổ áo dựng hắn dậy, xoay hắn lại rồi thúc gối vào bụng dưới của hắn, đồng thời phóng tay ra. Vu Vân Vũ ngã ngửa trên một đống gạch vụn. Cô Quỳnh Chi tuyên bố:
– Mi đã bị đuổi học!