Home > Uncategorized > Báu Vật Của Đời- Chương 6 tiếp 4

Báu Vật Của Đời- Chương 6 tiếp 4

Mạc Ngôn

Báu Vật Của Đời

Chương 6(tiếp)

9
Dù tôi nước mắt đầm đìa, dù tôi tự vả sưng cả hai má, Uông Ngân Chi chỉ cười khẩy, không hề có ý tha thứ cho tôi. Người đàn bà kênh kiệu, đầu óc lạnh như bằng này mặc chiếc áo có hai cửa sổ tròn ở ngực – một sáng tạo của mẹ tôi Thượng Quan Lỗ Thị, để tiện cho con bú – tay nghịch chùm chìa khóa, nhìn tôi biểu diễn. Cô ta quả là một thiên tài về thiết kế thời trang, phải công nhận như vậy. Mẹ tôi chỉ khoét hai lỗ thủng trên ngực áo bông dài. Nhưng Uông Ngân Chi đã biến hai lỗ thủng đó thành sân khấu biểu diễn. Chúng quả là đẹp. Trên vạt áo màu xanh cánh trả kiểu đời Thanh viền đăng ten, khoét hai lỗ tròn vừa khít với nịt vú bên trong, để lộ nhãn hiệu Thú Một sừng. Đúng là sơn thủy vùng Quế Lâm, nét bút điên rồ của một tay công đạo, khiêu khích một cách trang trọng, khêu gợi dục mà lại đẹp. Điều quan trọng là nó phá vỡ tính kín đáo có tính nghi thức của nịt vú, nó trở thành một bộ phận quan trọng để phô trương cái đẹp của thời trang. Phụ nữ khi ra đồng phải cân nhắc màu sắc của nịt vú, thay một kiểu áo thì phải thay luôn một kiểu nịt vú. Bốn mùa trong năm đều tiêu thụ được nịt vú, như vậy doanh số sẽ tăng lên đáng kể. Giờ thì tôi mới hiểu cô ta sáng tạo kiểu nịt vú lông chồn không chỉ để khiêu khích thằng cha mặt đỏ, mà còn có ý nghĩa thương mại. Chính mỹ học đã quan tâm và nhấn mạnh đặc biệt bộ phận đẹp đẽ ấy của người phụ nữ không phân biệt xuân hạ thu đông. Tôi hiểu rằng cô ta sẽ không khi nào thất bại.
– Ngân Chi, vợ chồng một ngày nên nghĩa! – Tôi khẩn khoản – Hãy cho tôi một cơ hội sửa chữa sai lầm.
– Vấn đề là – Cô ta mỉm cười, nói – chúng ta chưa ngày nào là vợ chồng!
– Cái lần – Tôi nhớ lại quang cảnh đêm mồng 7 tháng 3 năm 1991, nói – lần ấy không tính à?
Rõ ràng là cô ta cũng nhớ lại quang cảnh đêm 7 tháng 3 năm 1991, mặt đỏ gay, làm như bị hạ nhục ghê gớm lắm
– Không, hôm đó không tính! Hôm đó chỉ là trò hạ lưu vô liêm sỉ, một lần cưỡng hiếp không thành công!
Cô ta bưng mặt, vẫn cái động tác quen thuộc đêm 7 tháng 3 năm 1991. Có thể bưng mặt là để nhìn tôi qua kẽ ngón tay thói quen này duy trì cho đến buổi sáng ngày 8 tháng 3 năm 1991, khi ánh nắng ban mai đỏ rực rèm che cửa sổ. Vì mút vú suốt đêm, sáng ra, miệng tôi vừa mỏi vừa tê. Cô ta trần truồng đứng trước ánh ban mai, trơn bóng, vàng vọt, những nốt ruồi đen lấm tấm và những nếp nhăn, y như một con chạch đang có chửa. Cặp vú bầm máu như hai cái vây ngực, run rẩy một cách đáng thương theo nhịp thở. Khi tôi thử mặc chiếc nịt vú màu lam cho cô, cô liền gieo mình xuống giường, nằm sấp mà khóc ti tỉ, hai vai nhô lên, rãnh xương sống rất sâu, cặp mông thô và đầy vẩy. Tôi thử đắp chăn cho cô, nhưng cô nhảy dựng dậy – chạch mà cũng biết nhảy như cá chép bưng mặt chạy ra ngoài, vừa chạy vừa gào lên the thé khiến tôi sợ run lên. Còn mặt mũi nào trông thấy ai nữa, xấu hổ quá, làm sao sống nổi. Nếu như từ phòng Kim Đồng chạy ra một phụ nữ trần truồng, bưng mặt khóc thảm thiết, thì hậu quả không thể trang trọng được. Rõ ràng là cô ta đang trong tình trạng vừa điên vừa khùng. Sáng sớm ngày 8 tháng 3 năm 1991, trên đại lộ Nhân Dân chỉ có những vũng nước đọng, những cánh hoa bạch dương vật vờ trên mặt nước như những con sâu, trời rét như cắt thịt. Mồng 8 tháng 3 là ngày Quốc tế bảo vệ phụ nữ, làm sao dám để cô ta như vậy mà chạy ra đường? Chỉ trong mười phút là cô ta sẽ lạnh cứng, miệng ứa máu. Cô ta đã không kể sống chết thì cô ta đâm vào ô tô hay ô tô đâm vào cô ta có khác gì nhau. Tôi mường tượng tiếng va chạm đáng sợ của ô tô đâm vào một khối thịt như con chuột túi bị chẹt xe ở châu úc. Xưa nay chuột túi không hề mặt quần áo. Không kịp suy nghĩ gì nữa, tôi đuổi theo, giằng tay cô ta khỏi quả đấm cửa. Cô ta giãy giụa, húc đầu vào ngực tôi, cắn tay tôi. Buông tôi ra, buông tôi ra, tôi không thiết sống nữa, để cho tôi chết, cô ta gào lên. Tôi ghét cay ghét đắng cái loại đàn bà giả vờ thơ ngây như một thiếu nữ. Càng đáng sợ hơn, cô ta đập đầu côm cốp vào cánh cửa. Sợ quá, cô ta mà vỡ đầu ra đấy, thì chí ít tôi phải ngồi tù mười lăm năm, mà lần này thì không mong ngày trở về! Đương nhiên, tử hình hay ngồi tù đối với tôi vẫn không phải là vấn đề làm, mà nghiêm trọng hơn là vì tôi mà một phụ nữ chết đi sống lại. Kim Đồng, mi là thằng khốn kiếp! Sao mi mời cô ta vào nhà? Giờ hối thì đã muộn, cái cấp bách hiện nay là phải xoa dịu người đàn bà độc thân và muốn phá hủy mọi thứ này. Tôi ôm lấy vai cô ta nói một cách khẳng khái:
– Cô ơi, tôi sẽ chịu trách nhiêm về cô. Cô ta không giãy giụa nữa, nhưng vẫn vừa khóc vừa kể lên nói:
– Em sống là người của anh, chết làm ma nhà anh!
Tôi nói:
– Cô ơi, cùng cảnh lang thang góc biển chân trời, không hắn quen nhau mới gặp được nhau!
– Đi, đi đăng ký kết hôn! Em không muốn anh thương hại em.
Khi nói câu này, những dấu vết điên khùng trên khuôn mặt cô dần tan biến, thay vào đó là một nét mặt rất thực dụng làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi hết sức kinh ngạc khi cô định nghĩa ngày mồng 7 tháng 3 năm 1991 là ngày của trò hạ lưu vô liêm sỉ và cưỡng hiếp không thành công, thậm chí tôi cảm thấy tức điên lên. Lưu luyến làm gì người đàn bà tráo trở này? Kim Đồng, ngươi cả đời toàn nhưng chuyện oan uổng, chịu đựng thêm một lần nữa thì đã sao? Cho béng cô ta cửa hiệu này, cho tất, ngươi chỉ cần tự do. Tôi bèn bảo:
– Vậy xin hỏi, khi nào thì ta đi làm thủ tục ly hôn?
Cô ta lấy ra một tờ giấy, nói:
– Chỉ cần ông ký tên vào đây là xong! – Cô ta nói – Đương nhiên, tôi là người có tình có nghĩa, cho ông ba vạn tệ để ông thu xếp nơi ăn chốn ở. Đây, ông cầm lấy!
Tôi ký tên. Cô ta đưa cho tôi sổ hộ khẩu đã trích xuất mang tên Kim Đồng. Tôi hỏi:
– Không cần ra tòa chứ?
Cô ta nói:
– Mọi việc sẽ có người lo liệu! Cô ta ném cho tôi bản xác nhận ly hôn, nói:
– Ông được tự do!
Tôi và thằng cha mặt đỏ đâm sầm phải nhau, hai bên đều cười lên một tiếng tỏ ý nhường nhịn lẫn nhau rồi chia tay không nói gì. Tấn trò đã hạ màn, tôi thực sự cảm thấy mình đã giành lại được tự do. Ngay đêm hôm ấy tôi trở về với mẹ.
Trong khoảng thời gian trước khi mẹ mất, thị trưởng thành phố Đại Lan Lỗ Thắng Lợi bị tử hình vì nhận hối lộ một khoản tiền cực lớn. Cảnh Liên Liên và Hàn Vẹt cũng vì tội hối lộ mà bị bắt giam. Kế hoạch Phượng Hoàng thực tế chỉ là một trò bịp. Số tiền mấy trăm triệu mà Lỗ Thắng Lợi lợi dụng chức quyền cho Trung tâm nuôi chim Phương Đông vay, quá nửa đã bị Cảnh Liên Liên đem đi hối lộ, số còn lại cũng không còn một xu. Nghe nói riêng tiền lãi của khoản vay này mỗi năm tới bốn mươi triệu nhân dân tệ. Đây là khoản nợ không bao giờ trả được, nhưng ngân hàng không muốn Trung tâm nuôi chim Phương Đông tuyên bố phá sản, thành phố Đại Lan cũng không muốn Ttrung tâm nuôi chim Phương Đông phá sản. Cái trung tâm bịp bợm này chim chóc đã bay đi hết, sân xướng mọc đầy cỏ dại, phân chim vương vãi, lông chim chỗ nào cũng có, các công nhân đã đi kiếm ăn nơi khác, nhưng Trung tâm nuôi chim Phương Đông vẫn nghiễm nhiên tồn tại trên trương mục của ngân hàng. Cái trò dối trá này rốt cuộc lãi mẹ đẻ lãi con mà không ai dám cho nó phá sản, mà cũng không có xí nghiệp nào dám sáp nhập nó.
Sa Tảo Hoa bặt tin đã lâu, nay từ một nơi nào đó trở về. Cô ta giữ gìn nhan sắc khá tốt, như chỉ mới ngoài ba mươi tuổi. Cô ta đến thăm mẹ, nhưng thái độ của mẹ tương đối lạnh nhạt. Những ngày tiếp theo, cô ta yêu mê yêu mệt Tư Mã Lương theo kiểu cổ điển. Cô ta lấy ra quả cầu bằng pha lê, nói rằng đó là quà của Tư Mã Lương tặng cô để tỏ tình. Rồi lại dám ra khoe một chiếc gương rất to, nói rằng đây là quà tặng của cô để tỏ tình với Tư Mã Lương. Cô nói rằng, vì Tư Mã Lương, cho đến nay cô vẫn còn trinh. Lần trở lại này, Tư Mã Lương vẫn thuê phòng Tổng thống trên tầng cao nhất của khách sạn Quế Hoa, nhưng tâm trạng thì nặng nề, không còn lòng dạ nào ôn lại mối tình xưa với Sa Tảo Hoa. Còn Sa Tảo Hoa thì bám riết Tư Mã Lương như bóng với hình, khiến Tư Mã Lương bực mình nhảy như choi choi, gầm lên:
– Này cô em con dì con già, cô làm sao thế! Cho tiền cô không lấy, cho quần áo cô không nhận, tặng đồ nữ trang cô không cần, vậy thì cô muốn gì?
Cậu ta giận dữ bứt vạt áo khỏi tay Sa Tảo Hoa, ngồi phịch xuống xô pha, giở chân đá văng chiếc lọ hoa bằng pha lê trên bàn. Nước trong bình băn tung tóe đầy mặt bàn và dưới thảm, những bông hoa lăn lóc mỗi bông một nơi. Sa Tảo Hoa mặc chiếc áo choàng mỏng như cánh ve sầu, nép sát như bám dính vào Tư Mã Lương, đôi mắt đen láy nhìn cậu ta không chớp, khiến Tư Mã Lương không thể không nhìn thẳng vào cô. Mái đầu xinh xắn, cổ cao và mảnh, gáy mịn chỉ loáng thoáng vài nếp nhăn mờ nhạt. Với một người nhiều kinh nghiệm về phụ nữ như Tư Mã Lương, hiểu rằng cổ là nơi người phụ nữ khó mà che giấu được tuổi tác. Nói đàn bà năm mươi tuổi cái cổ nếu không bùng nhùng như một khúc dồi thì cũng khô như một củi mục. Vậy mà Sa Tảo Hoa, không hiểu bằng cách nào mà cô ta vẫn giữ được cái gáy phẳng và mịn màng đến thế! Tư Mã Lương nhìn xuôi dọc theo cổ Sa Tảo Hoa, cậu ta trông thấy chỗ lõm của xương quai xanh và cặp vú thấp thoáng sau lần áo, từ góc độ nào cũng không thế nói đây là người đàn bà đã năm mươi? Cô là một bông hoa bị ướp lạnh gần nửa thế kỷ, là bình rượu Hoa Quế chôn dưới gốc thạch lựu đã gần năm mươi năm. Hoa ướp lạnh đang đợi người hái, rượu Hoa Quế đang đợi người thưởng thức. Tư Mã Lương đưa ngón tay trỏ gãi nhẹ vào đầu gối để trần của Sa Tảo Hoa. Cô ta rên lên một tiếng, mặt đỏ bùng như ráng chiều. Cô bất chấp tất cả, sà vào lòng Tư Mã Lương, vòng tay ôm lấy cổ cậu ta, bộ ngực nóng hổi chà xát lên khuôn mặt khiến mũi cậu đỏ lựng, nước mắt ứa ra từ khóe mắt. Sa Tảo Hoa nói:
– Anh Lương, em đợi anh đã ba mươi năm!
Tư Mã Lương nói:
– Tảo Hoa, cô đừng có bịa chuyện! Đợi tôi ba mươi năm, đổ lên đầu tôi cái tội tày đình ấy ư?
Sa Tảo Hoa nói:
– Em vẫn vẫn còn trinh!
Tư Mã Lương nói:
– Một con nữ tặc mà vẫn còn trinh? Nếu cô còn trinh thì tôi nhảy lầu tự tử?
Sa Tảo Hoa khóc tấm tức, rồi cô nổi điên lên, nhảy như con choi choi để váy tụt dần xuống chân chẳng khác con rắn đang lột xác rồi năm ngửa trên thảm, gào lên:
– Tư Mã Lương, anh cứ thử xem nào, nếu không còn trinh, em sẽ nhảy lầu không đợi anh phải nhảy!
Tư Mã Lương ngẩn người trước tấm thân trinh nữ của cô gái già, luôn miệng than thở:
– Lạ thật, lạ thật Mẹ kiếp, đúng là còn trinh! – Miệng thì nói giọng khinh bạc, nhưng mắt thì đã ướt đầm. Sa Tảo Hoa nằm ườn trên thảm như một xác chết, nhưng đôi mắt thì nhìn Tư Mã Lương như ngây như dại. Một mùi ẩm mốc như mùi ruột gối cũ tỏa ra khắp căn phòng. Trong một thoáng, cậu thấy Sa Tảo Hoa mình đầy nếp nhăn, những vết đồi mồi to bằng đồng tiền hiện rõ trên làn da trăng ngà. Giữa lúc Tư Mã Lương đang ngạc nhiên hết sức, một diễn viên đoàn kịch Mậu Xoang vác cái bụng to tướng đẩy cửa bước vào.
Cô ta có một thân hình rất đẹp, nếu như không có cái bụng to. Mặt thuỗn ra, môi thâm tím, những vết tàn nhang trên má nổi rõ như được dán vào.
– Cô là ai? – Tư Mã Lương hỏi với vẻ lạnh nhạt. Cô diễn viên khóc òa, ngồi phệt xuống thảm, hai tay vỗ bụng:
– Anh phải chịu trách nhiệm Anh làm em to bụng dây này!
Tư Mã Lương giở quyển sổ ghi, tìm đoạn ghi chép có liên quan đến cô diễn viên: Đêm, gọi cô Đinh X, diễn viên đoàn kịch Mậu Xoang đến hầu ngủ, xong việc, phát hiện bao cao su bị thủng. Cậu ta gấp quyển sổ lại, chửi: Mẹ cha nó, chất lượng sản phẩm tồi, làm hại người ta! Cậu ta chẳng nói chẳng rằng, nắm lấy cánh tay cô diễn viên lôi ra khỏi phòng. Cô ta cưỡng lại:
– Anh lôi em đi đâu? Em không đi đâu cả, em chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy ai nữa!
Cậu ta bóp cằm cô gái, dằn giọng nói:
– Ngoan nào, cô không thiệt đâu mà sợ!
Cô diễn viên sợ trước thái độ hung hăng của Tư Mã Lương. Lúc này, cậu ta mới nghe thấy tiếng thì thào của Sa Tảo Hoa:
– Anh Lương, anh đừng đi!
Tư Mã Lương vẫy một xe tắc-xi màu vàng da cam. Người phục vụ khách sạn mặc quần áo màu đỏ, đội mũ vàng giúp cậu mở cánh cửa xe. Tư Mã Lương đẩy cô diễn viên vào trong xe.
– Đi đâu, thưa ông – Người lái tắc-xi dưới cổ hỏi.
– Đến Hiệp hội những người tiêu dùng – Tư Mã Lương nói.
– Em không đi, em không đi? – Cô diễn viên gào lên. Sao không đi? – Tư Mã Lương nhìn vào mắt cô diễn viên như ra lệnh – Đây là chuyện đứng đắn mà!
Chiếc tắc xi chạy vòng vèo trên con đường đầy bụi. Hai bên đường là những công trường nối tiếp nhau, cái đang xây, cái đang phá. Ngân hàng công thương đã phá được một nửa, hơn chục công nhân như những cái bóng uể oải vung búa đập gạch trên tường, những mảnh gạch vỡ bay ra tận giữa lòng đường, bánh xe chà xát kêu lộc cộc. Khoảng trống giữa các công trường hai bên đường là các quán rượu, mùi rượu nồng nặc bay ra từ các cửa sổ khiến các cây bên đường say ngả say nghiêng. Chốc chốc lại có một khuôn mặt đỏ gay ló ra ngoài cửa sổ khung nhôm, ọe ra những thứ sền sệt như cháo đủ màu sắc. Phía dưới cửa sổ các quán rượu tập trung hàng lũ chó bẩn thỉu, hóng đợi thức ăn người ta mửa ra. Xe cộ chen chúc, bụi bay mù mịt, tài xế tắc xi sốt ruột bóp còi inh ỏi. Tư Mã Lương vui vẻ nhìn quang cảnh bên ngoài qua cửa xe, không mảy may đoái hoài đến cô diễn viên đang khóc sụt sịt bên cạnh. Chiếc tắc xi chạy vào gần ốc đảo trung tầm thành phố thì suýt nữa đâm phải chiếc xe tải cồng kềnh như một chiếc xe tăng choán hết phần đường. Lái xe tải, một cô gái mặt đỏ như táo chín đeo găng trắng, ló đầu ra cửa xe, chửi rất tục:
– Đ. mẹ nhà anh!
Anh lái tắc xi mỉm cười khinh bỉ.
– Đ. được không?
Tư Mã Lương hạ thấp cửa kính xe, nhìn cô lái xe tải một cách đĩ thõa, hỏi to:
– Này cô em, đi chơi với anh đi!
Cô gái dọn họng rồi nhổ một bãi nước bọt vào mặt Tư Mã Lương. Thùng xe tải trùm lưới, bên trong là mấy chục con khỉ có màu lông xanh lá cây, vừa nhảy vừa kêu chí chóe. Tư Mã Lương gào to với mấy con khỉ:
– Người anh ơi. Các vị từ đâu đến, bây giờ thì đi đâu?
Lũ khỉ đứng yên, nhíu mày nhăn mặt với Tư Mã Lương. Anh lái xe tắc-xi giọng trầm trần:
– Trung tâm nuôi chim không thành, Trung tâm nuôi khỉ liệu có xong không?
Tư Mã Lương hỏi:
– Ai thành lập Trung tâm nuôi khỉ thế!
– Ai mà làm nổi! – Anh lái tắc xi đánh mạnh tay lái, lướt sát đùi một cô đi mô tô rồi phóng như tên bắn khiến cô kia sợ nổi dà gà, suýt vãi đái ra quần. Ông nông dân già ngồi phía sau cất tiếng chửi thề. Dưới cái nắng cháy da của tháng Năm mà ông già vẫn đội chiếc mũ lông chó. Trên xe còn thồ hai sọt hạnh chín vàng.
Tư Mã Lương cầm tay cô diễn viên bước vào Hiệp hội những người tiêu thụ. Cô ta ra sức vùng vẫy nhưng không giằng khỏi cánh tay khỏe mạnh của Tư Mã Lương. Các cán bộ Hiệp hội đang chơi tú lơ khơ, ba nữ chơi với một nam. Trên cái đầu hói nhẵn bóng của người đàn ông bị dán chi chít hơn chục mẩu giấy trắng vì thua bài.
– Các bạn, tôi có chuyện khiếu nại đây!
Cô nữ thanh niên đánh môi son liếc xéo Tư Mã Lương, vừa chia bài vừa hỏi:
– Khiếu nại về chuyện gì?
– Bao cao su! – Tư Mã Lương nói.
Những người đánh bài ngớ ra rồi linh hoạt hẳn lên. Anh chàng hói không kịp gỡ bỏ những mẩu giấy trên đầu, nhảy vọt đến chỗ bàn làm việc, giọng nghiêm túc:
– Thưa hai vị công dân, Hiệp hội những người tiêu dùng hết lòng phục vụ các vị. Xin hai vị hãy trình bày cụ thể trường hợp bị hại như thế nào?
Tư Mã Lương nói:
– Cách đây 5 tháng, tôi có mua một hộp bao cao su màu nhãn hiệu Hạnh phúc tại gian hàng của khách sạn Quế Hoa. Tôi và cô đây chỉ mần chừng nửa tiếng, cái bao đã thủng. Da bao cao su chất lượng không đảm bảo nên cô đây đã có thai, nếu phá thai, tất sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng, nếu không phá, tất sẽ ảnh hưởng sinh đẻ có kế hoạch. Do vậy, tôi yêu cầu nhà sản xuất bao cao su bồi thường một triệu nhân dân tệ!
Một bà trung niên hỏi:
– Vừa nãy ông khách nói mần bao lâu?
Tư Mã Lương nói: – Mới được có nửa giờ!
Bà trung niên lè lưỡi:
– Trời đất, những nửa giờ!
Tư Mã Lương nói:
– Đúng nửa tiếng, tôi rất thích nhìn đồng hồ khi hành sự, không tin cứ hỏi cô đây!
Cô diễn viên xấu hổ cúi gầm mặt, Tư Mã Lương khẽ hích cô ta:
– Cô dừng im lặng như vậy. Cô là người trực tiếp bị hại. Nói đi, có đúng là nửa tiếng đồng hồ không?
Cô diễn viên thẹn quá hóa giận, nói:
– Nửa tiếng! Tiên sư nhà anh! Cả nửa buổi vẫn không chịu xuống!
Các cán bộ nữ của Hiệp hội vừa ngượng vừa tủm tỉm cười tỏ vẻ hâm mộ.
Ông đầu hói hỏi: – Hai vị là vợ chồng chứ?
Tư Mã Lương ngạc nhiên:
– Vợ chồng là thế nào? Nếu là vợ chồng lại làm những chuyện như vậy sao? Ông đúng là ngu như lừa!
Ông đầu hói bị cứng họng không biết nói gì.
Bà trung niên nói:
– Thưa ông, ông có bằng chứng gì về việc bao cao su bị rách dẫn đến bạn gái của ông có thai?
Tư Mã Lương hỏi: – Lại còn phải bằng chứng nữa kia?
Bà trung niên nói:
– Tất nhiên, rách giày phải có giày rách làm chứng; nồi áp suất nổ phải có nồi áp suất vỡ làm chứng; bao cao su bị thủng phải có bao cao su rách làm chứng!
Tư Mã Lương hỏi cô diễn viên:
– Cô có lưu giữ chứng cứ không?
Cô diễn viên giật tay ra, ôm mặt bỏ chạy, cặp giò nhanh nhẹn, săn chắc, căn bản khống giống người có thai. Tư Mã Lương đưa mắt nhìn theo cô ta, mỉm cười láu cá.
Khi Tư Mã Lương trở về phòng Tổng thống trong khách sạn Quế Hoa, vẫn thấy Sa Tảo Hoa không manh quần áo trên người, đang ngồi đợi cậu ta trên bậu cửa sổ.
Cô ta lạnh nhạt hỏi: – Anh có thừa nhận em còn trinh không?
Tư Mã Lương nói: – Cô em họ, cô hãy thôi ngay cái trò đánh trống qua cửa nhà sấm ấy đi! Tôi biết tỏng gan ruột đám đàn bà, cô bịp tôi sao được? Nếu tôi định lấy cô thì tôi cần gì cô còn trinh hay không?
Sa Tảo Hoa thét lên một tiếng chói tai khiến Tư Mã Lương sợ toát mồ hôi. Người đàn bà ngồi trên bậu cửa sổ kia khi gào thét mặt mũi méo xệch, ánh mắt sắc lạnh như mắt tượng bằng sứ. Cậu ta chồm tới phía cửa sổ theo bản năng. Sa Tảo Hoa ngả người ra sau, hai gót chân rất đỏ chấp chới một thoáng rồi mất hút sau bậu cửa.
Tư Mã Lương thở dài:
– Chuyện là như vậy, cậu ạ. Nếu cháu nhảy lầu thì cháu không phải là con trai Tư Mã Khố, nếu cháu không nhảy lầu thì cũng không phải là con trai Tư Mã Khố. Cậu bảo nên như thế nào?
Anh cứng họng, không nói được gì.
Tư Mã Lương giương chiếc ô của một cô gái nào bỏ quên trong phòng, nói:
– Cậu ơi, cháu chết, cậu thu lượm thi hài hộ cháu, nếu không chết thì cháu sẽ sống đời!
Cậu ta giương ô lên, nói:
– Mẹ kiếp, một liều ba bảy cũng liều! Nói rồi nhảy qua cửa sổ, rơi vun vút như một trái cây khổng lồ còn vương ở cuống một chiếc lá. Anh nhô hẳn nửa người ra ngoài cửa sổ, mắt tối sầm, la lớn:
– Mã Lương, Mã Lương!…
Tư Mã Lương không thèm để ý đến anh, rơi vun vút với chiếc ô căng phồng, thật kinh hồn táng đởm! Những người hiếu kỳ phía dưới đều nhìn lên tán thưởng một pha kỳ lạ. Sáo điều buộc ở chân bồ câu kêu vo vo ngang trời, phân chim rơi đầy bậu cửa. Thân thể Tư Mã Lương nằm co quắp như xác chết của một con chó trên mặt bê tông. Tư Mã Lương rơi trúng tán cây ngô đồng, cái ô mắc lại như một bông hoa, còn người thì lọt qua chạc cây rơi xuống hàng rào cây thông non được xén tỉa vuông vúc như bộ ria. Những cành thông non rẽ ra như bùn đặc. Mọi người xúm quanh. Tư Mã Lương từ trong hàng rào chui ra, phủi đít quần như không có chuyện gì, giơ tay vẫy chào người trên lầu. Nét mặt sáng ngời, trông cậu ta như mảnh kính màu trong nhà thờ của chúng tôi hồi nhỏ.
– Mã Lương ơi! – Anh vừa gọi vừa khóc.
Tư Mã Lương rẽ đám ngươi vây quanh buộc tới gian tiền sảnh gọi chiếc tắc-xi màu da cam, mở cửa xe chui vào. Các nhân viên khách sạn mặc đồng phục màu đỏ vụng về chạy theo. Chiếc tắc-xi nhả khói đằng đít, khéo léo lượn qua một khúc của rồi nhập vào dòng xe cộ trên phố.
Anh ngẩng đầu lên, khoan khoái thở dài như vừa sực tỉnh sau một giấc mộng triền miên. Nắng chói chang trùm lên thành phố Đại Lan say khướt và lười nhác, đầy hy vọng và cũng vô vàn cạm bẫy. Ngọn tháp bảy tầng của mẹ rục rỡ ở ven đô.
Mẹ thểu thào bảo anh:
– Con đi cùng với mẹ đến nhà thờ?
Anh cõng mẹ chẵn năm tiếng đi vòng vèo qua con hẻm ngập ngụa nước bẩn thải ra từ một xưởng hóa chất phía sau đoàn kịch Mậu Xoang, tìm thấy ngôi nhà thờ đã được sửa sang lại trên cơ sở mấy gian nhà mái bằng cũ, vẻ nguy nga và trang nghiêm không còn nữa, chỉ còn lại sự mộc mạc thô thiển. Trước cửa nhà thờ và hai bên hẻm bày rặt những xe đạp bọc trong vải nhựa hoa. Một bà lão đẫy đà vẻ mặt hiền từ ngồi bên cổng, hình như bà là người bán vé, và cũng có vẻ là người trông chừng cho một hoạt động bí mật nào đó. Bà lão gật đầu tỏ vẻ thân thiện, cho anh và mẹ vào trong nhà thờ. Người ngồi kín ngoài sân, trong nhà lại càng đông hơn. Một linh mục cao tuổi đang giảng kinh bằng những lời lẽ khó hiểu. Một tia nắng chiếu chênh chếch trên bục giảng, soi rõ hai bàn tay khô quắt như những tiêu bản được xử lý đặc biệt. Trong đám con chiên có người già, người trẻ, quá nửa là nữ thanh niên. Họ ngồi trên ghế hăng, cuốn Kinh thánh mở rộng để trên đầu gối, tay cầm bút đánh dấu những đoạn cần chú ý. Một bà cụ quen mẹ, kiếm được hai chiếc ghế đẩu, thu xếp cho mẹ con tôi ngồi sát chân tường, trên đầu là cây hòe cổ thụ với tán lá rộng, hoa nở rộ từng cụm như tuyết đầu mùa, mùi thơm thoang thoảng. Trên thân cây sù sì có mắc loa phóng thanh đã cũ phóng đại lời rao giảng của vị linh mục. Chiếc loa kêu sọt sẹt, không hiểu đó là hơi thở của vị linh mục hay là tiếng thở dốc của chiếc loa. Chúng tôi im lặng nghe giảng.
Vị linh mục có giọng khàn khàn, tuy không trông rõ mặt ông, nhưng anh đoán chắc hai bên mép ông sùi bọt trắng.
Các con, phải tử tế với mọi người, ngay cả với kẻ thù, người Chúa đã dạy, thấy bò hay lừa của kẻ thù lạc đường thì hãy dắt chúng về trả cho họ. Hoặc như thấy con lừa của kẻ ghét mình ngã quị dưới sức nặng của vật thồ, thì hãy cùng với chủ của nó đỡ con lừa đứng lên!
Các con đừng tham ăn tham uống, như lời Chúa đã dạy, không ăn thịt chim điêu, điêu đầu chó, điêu đầu dỏ, chim ưng, chim cắt và cùng loại; quạ và cùng loại; đà điểu, chim cú, chim bói cá, điều hâu và cùng loại… Chúng đã phạm điều răn, đã bị trừng phạt!
Các con, phải kiên nhẫn như lời Chúa đã dạy, người ta tát con má bên trái thì giơ má phải ra. Dù gặp phải chuyện bất bình đến mấy, cũng không nên oán thán? Nếu con mắc tội thì có nghĩa là số phận con phải tội đó. Bụng con dù đói, thân con dù ốm đau, cũng không nên oán thán làm gì! Kiếp này chịu khổ để kiếp sau hưởng phúc! Con phải cắn răng mà sống, Chúa Giêsu không thích người nào tự sát, linh hồn họ sẽ không được cứu rỗi. Các con, không được tham tiền tài, tiền tài là con hổ, nuôi hổ tất bị hổ ăn thịt!
Các con, không được tham sắc! Đàn bà là con dao rót thịt, tham sắc là dùng dao tự rót xương mình?
Các con, phải hết sức nghiêm cẩn, không được quên nạn hồng thủy, không được quên lửa trời giáng xuống, phải vĩnh viễn tôn vinh tên tuổi Chúa. A men!
A men!
Các con chiên đồng thanh cầu nguyện, có người rưng rưng nước mắt.
Tiếng phong cầm vang lên từ phía bên bục giảng. Đội đồng ca lĩnh xướng, các con chiên hát theo, người biết hát thì hát, người không biết hát thì mấp máy môi.
Ngày phán xét cuối cùng sẽ tới, ngày ấy sẽ tới, chưa biết khi nào nhưng sẽ tới. Khi đó các thánh đồ sẽ đứng hàng bên trái, các tội nhân sẽ đứng hàng bên phải. Các con đã chuẩn bị gì cho ngày đại phán xét đó, A men!
Giờ giảng kinh đã kết thúc, các con chiên gấp Kinh thánh lại, có người đứng dậy vươn vai ngáp, có người vẫn cúi đầu lẩm bẩm điều gì đó. Một cậu choai choai đường ngôi rẽ lệnh, miệng ngậm thuốc lá thơm, một chân ghếch lên ghế dùng tờ giấy bạc 10 tệ lau bụi trên giày da. Một ông già dáng vẻ như ăn mày, nhìn không chớp bàn tay cậu choai choai. Một thiếu phụ trẻ, xinh xắn, đút quyển Kinh thánh vào chiếc túi dệt bằng tơ cục kỳ tinh xảo, liếc nhìn đồng hồ trên cổ tay trắng như ngó sen. Cô để tóc chấm vai, môi tô son, ngón tay đeo nhẫn kim cương. Một thiếu tá không quân vai tròn lẳn, khuôn mặt hiền hậu gập nhỏ tờ bạc một trăm tệ bỏ vào hòm công đức màu xanh. Trên tường viết bốn chữ thật to bằng phấn: Y ma ly a! Một bà lão nét mặt đau khổ, ngồi trên nửa viên gạch ở chân tường, cởi hầu bao lấy ra chiếc bánh rán mỏng như tờ giấy, ghé răng cắn từng miếng. Từ phòng tập của đoàn kịch Mậu Xoang vọng lại giọng nữ cao: ới a… tháng Sáu nóng sau ngày Tam phục… Nhị vị cô nương cưỡi lừa đến Dương Quan, ới a…. Một thằng bé cởi truồng đang đái vào tổ kiến. Nước tiểu nóng, lũ kiến gặp đại họa. Một bà trạc trung niên quở thằng bé, dọa sẽ cắt chim của nó. Thằng nhỏ không hiểu vì sao mình bị cắt chim, cứ ngẩn ra mà nhìn bà trung niên. Một ông trung niên đeo kính, lưng thẳng đuỗn, kéo lê đôi chân cứng đờ đi về phía người đàn bà đang cho con bú. Người đàn bà đầu quấn bằng, máu khô còn bết trên tóc. Một ông già ngồi trên chiếc bao tải rách, từng đàn nhặng xanh bay quanh cặp chân trần đảy mụn nhọt của ông ta. Đậu trên đầu gối ông là một con chim gõ kiến mổ như máy vào các vết thương, lòi ra những con giòi màu trắng. Ông già lim dim đôi mắt nhìn lên mặt trời, miệng mấp máy như đang niệm thần chú. Từ phía sau nhà thờ vọng lại tiếng loa oang oang: Đẻ con ít, trồng nhiều cây thì mới giầu. Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có một con. Đẻ con thứ hai thì phải triệt sản. Bà, cô nào không triệt sản thì bị phạt năm nghìn tám trăm nhân dân tệ. Chiếc xe tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch diệu võ giương oai một lúc rồi chạy đi nơi khác. Tiếp theo là đôi múa ương ca của nhà máy rượu. Tám mươi thanh niên mặc áo vàng, đội khăn vàng, tám mươi cô gái mặc áo lụa đỏ dàn thành đội ngũ mà nhảy, bụi bốc cao che phủ nóc nhà thờ. Mấy năm nay, đội ương ca này đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Đại Lan. Quần áo ho đều tẩm đẫm rượu, hơi thở sặc mùi rượu. Họ nhảy điệu ương ca say, lảo đảo ngất ngưỡng, nhưng thực ra rất nghiêm túc, đúng bài bản. Trống đệm cũng say, người đánh trống ăn mặc như những trang hào kiệt thời cổ dại, oai phong lẫm hệt. Người ta cứ cho rằng người xưa trọng nghĩa khinh tài, coi cái chết nhẹ như lông hồng, uốạnh như hũ chìm, lòng gang dạ sắt? Thực ra chưa hẳn thế, có lẽ phóng đại cũng nên! Những người trong sân nhà thờ, có người ngó ra ngoài vì bị thôi thúc bởi tiếng thanh la, tiếng trống; có người gục đầu suy nghĩ, có người thản nhiên như không, có người ánh mắt ngây dại, vô cảm. Cây thánh giá trên nóc nhà thờ ẩn hiện trong bụi đỏ, bí ẩn như gương mặt của Chúa Giêsu. Một bà trung niên mặc đồ tang, vừa khóc vừa đi vào sân, đôi mắt sung mọng chỉ còn một kẽ hở, tiếng khóc ai oán như một diệu dân ca buồn của Nhật Bản. Bà ta kéo lê cây gậy bằng cành liễu, chiếc áo xô rộng thùng thình dính đầy mũi rãi và bùn đất. Một con chó cún gầy gò len lén theo sau bà ta, đuôi kẹp giữa hai chân sau. Bà ta quì xuống, ngước nhìn Chúa Giêsu đội chiếc mũ đầy gai nhọn, lớn tiếng cầu khẩn:
– Chúa ơi, mẹ con đã về với Chúa! Xin Chúa phù hộ cho mẹ con được lên thiên đàng, không phải xuống địa ngục!… Chúa Giêsu đau khổ nhìn bà ta. Những giọt máu tươi rỉ ra trên trán rớt xuống đất. Ba viên cảnh sát mặt sắc phục đứng ngó nghiêng ngoài cổng, hình như có điều e ngại. Họ thì thầm trao đổi với nhau một lúc, rồi rụt rè đi vào sân. Cậu choai choai đang dùng tiền lau giày bỗng nhảy dựng lên, mồ hôi lập tức túa ra trên khuôn mặt có nước da tai tái, nhìn phản úng có thể đoán ra cậu ta định cướp đường mà chạy. Nhưng ba viên cảnh sát đã triển khai theo hình rẽ quạt bịt chặt lối chạy ra cổng, cậu choai choai quay ngoắt lại, xông tới bức tường vây xây bằng gạch của nhà thờ, nhảy lên bám đầu tường định nhảy qua, liền bị viên cảnh sát túm được chân lôi tuột xuống, dằn sấp, bẻ quặt tay ra sau, còng lại bằng còng số 8, rồi dựng dậy giải đi. Một bên mặt cậu choai choai dính đầy đất, kẽ răng rỉ máu. Cậu ta kêu lên, giọng thê thảm:
– Xin Chúa hãy cứu con!
Một em nhỏ đeo thùng kem lẻn vào sân, miệng rao:
– Ai kem đây kem sữa đây!
Em có cái đầu to tướng, tròn xoay, tai to, vầng trán đầy những nếp nhăn, cặp mắt đen ánh lên những tia tuyệt vọng không hợp với tuổi. Hai chiếc răng cửa trắng nhởn nhô ra như răng thỏ. Em mặc chiếc áo lót cũ rách, xương sườn giơ cả ra. chiếc quần cộc rộng thùng thình khiến đôi chân càng khẳng khiu, bắp chân đầy mụn nhọt. Đôi giày cao su to quá cỡ, mỗi bước đi đều phát ra tiếng kêu oàm oạp. Không ai mua kem, em bỏ đi đầy vẻ thất vọng. Nhìn cái bóng xiêu xiêu của em nhỏ, anh thấy trong lòng xót xa, nhưng trong túi anh không có đồng nào. Tiếng rao lanh lảnh của em lại vang lên trong ngõ bên cạnh nhà thờ không có vẻ bi thương như anh tưởng.
Mẹ hai tay ôm gối, ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, nhắm mắt, hình như mẹ ngủ. Không một gợn gió, những bông hòe nở đầy cành bỗng đồng loạt rớt xuống đất theo phương thăng đứng, y như trước đó chúng bị sức hút của nam châm rồi nguồn nam châm dột nhiên bị ngắt. Cánh hoa tơi tả, hương thơm man mác. Hoa hòe như những bông tuyết đầu mùa rơi trên tóc, trên cổ, trên vành tai và cả trên tay mẹ, trên mặt đất trước mặt mẹ. A men!
Lúc này vị linh mục vừa rao giảng xong, ông đi ra khỏi nhà nguyện. Ông vịn cửa như mê đi trước hiện tượng kỳ lạ của hoa hòe rụng. Ông có bộ tóc màu gạch nung, cặp mắt xanh, mũi cao to và đỏ lựng, bộ râu màu vàng thưa thớt, miệng đầy răng bằng thép không gỉ. Anh hoảng sợ đứng lên: Anh trông thấy rõ ràng là cha anh, y như trong truyện cổ tích.
Bà lão Lật với đôi bàn chân nhỏ xíu lạch bạch chạy tới giới thiệu hai người với nhau:
– Đây là linh mục Mã, con trai cố linh mục Malôa. Linh mục từ Lan Châu về đây chủ trì buổi lễ. Đây là Thượng Quan Kim Đồng, con trai của giáo hữu Thượng Quan Lỗ Thị…
Thực ra, sự giới thiệu của bà Lật là thừa, vì rằng trước khi bà lão giới thiệu tên tuổi, Thượng đế đã khai mở tâm trí cho cả hai, hai người đã biết gốc gác của nhau. Người anh em cùng cha khác mẹ của anh, ngươi con lai giữa linh mục Malôa với người đàn bà dân tộc Hồi, giơ hai cánh tay lông lá ôm chặt anh, cặp mắt xanh nước mắt vòng quanh, ông nói:
– Người anh em, anh chờ em đã lâu rồi!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *