Năm nào cũng có người “chê” giải thưởng
Chỉ một ngày sau khi Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 được công bố, nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam lên tiếng từ chối giải thưởng vì không đồng tình với phương thức bỏ phiếu và cách xét giải.
Lý giải về lý do từ chối giải thưởng, nhà văn Y Ban dẫn chứng về cách bỏ phiếu: hội đồng có 8 thành viên nhưng chỉ có 5 người có mặt, một người bỏ phiếu qua email, 1 người bỏ phiếu qua điện thoại, 1 người bỏ phiếu sau…
Điều này đã cho thấy sự lộn xộn, thiếu tôn trọng giải thưởng. Không những thế, thành viên Ban giám khảo đến lúc bỏ phiếu còn chưa đọc hết các tác phẩm được bình bầu?
“Một chị ở Hội Nhà văn nghe điện thoại nói lại, anh Tuấn bảo anh ấy bỏ tất cho mọi người vì… chưa kịp đọc. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cầm điện thoại nói với nhà văn Trần Văn Tuấn: Không bỏ thế được đâu. Ông đọc ai rồi thì bỏ. Nhà văn Trần Văn Tuấn bỏ phiếu duy nhất cho tác phẩm “Thành phố đi vắng”. Kết quả cuối cùng, có 4 cuốn lọt vào chung khảo: Thành phố đi vắng (6/7 phiếu), Một thế kỷ bị mất (6/7 phiếu), Trò chơi hủy diệt cảm xúc (5/7 phiếu) và Sông núi nước Nam được đề nghị bằng khen”, nhà văn Y Ban kể lại nội tình cuộc bầu chọn vào vòng chung khảo.
Nhà văn Y Ban cho hay việc chị lên tiếng có thể không thay đổi được kết quả giải thưởng năm nay nhưng đó là việc cần phải làm.
“Ít nhất cũng từ năm sau, cách xét giải phải khác đi. Tôi muốn nhận xét về những tác phẩm lọt vào chung khảo phải được công khai minh bạch. Hội Nhà văn Việt Nam là hội nghề nghiệp, những người ngồi ghế giám khảo đều là những chuyên gia. Vì thế, họ phải lên tiếng chính thức chứ không phải bỏ phiếu kín như thế này”, nhà văn Y Ban nhấn mạnh.
Cũng theo nhà văn này, việc ban giám khảo bỏ phiếu trắng cho tác phẩm được bình chọn là điều không thể chấp nhận được.
“Làm giám khảo mà không dám đối mặt với chỉ một cái tên trên một tờ giấy? Vậy tại sao họ vẫn thích ngồi ở ghế ban giám khảo? Là vì oai?”
“Nếu tôi sáng suốt, nếu tôi không đi trên con đường dại thì ngay từ đầu tôi phải từ chối ban giám khảo này. Họ không đủ tâm, đủ tầm để bỏ phiếu cho tác phẩm. Họ chỉ đủ tâm, đủ tầm để bỏ phiếu cho tên tác giả”, nhà văn Y Ban gay gắt.
Sau nhà văn Y Ban, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cũng từ chối nhận bằng khen cho cuốn tiểu thuyết “Một thế kỉ bị mất” với lý do đơn giản: “Giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là văn học”.
Năm 2011, hai tên tuổi lão làng trong danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cũng đã xin rút lui. Đó là nhà văn Sơn Tùng và Sơn Nam.
Nhà văn Sơn Tùng là một trong số 56 tác giả lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước 2011 nhưng sau đó (ngày 18/8) gia đình nhà văn đã nộp đơn xin rút vì “Nhận thấy sự không rõ ràng trong thông tin về giải thưởng và cách hành xử khó hiểu của Hội nhà văn”.
Bà Hồng Mai – vợ nhà văn Sơn Tùng cho biết, ban đầu, gia đình đăng ký cho nhà văn Sơn Tùng ở Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng sau đó họ nhận một cuộc gọi từ Hội Nhà văn Việt Nam, đề nghị chuyển hồ sơ sang Giải thưởng Nhà nước do “năm nay không có Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, sau đó, gia đình đọc báo và biết năm nay vẫn có Giải thưởng Hồ Chí Minh với 10 nhà văn được đề cử.
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN lúc bấy giờ cho biết, do nhà văn Sơn Tùng không đủ số phiếu để lọt tiếp vào danh sách đề cử của Giải thưởng Hồ Chí Minh nên gợi ý gia đình làm hồ sơ xét giải Nhà nước.
Tại mùa giải năm 2005 của Hội nhà văn Việt Nam cũng có hai tác giả từ chối nhận giải thưởng là nhà thơ Ly Hoàng Ly với tập “Lô Lô” và nhà thơ Hữu Thỉnh (lúc đó là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) với tập thơ “Thương lượng với thời gian”.
Còn tại lễ trao giải của Hội nhà văn Việt Nam 29/12/2002, Hồ Anh Thái cũng đã từ chối nhận tặng thưởng cho cuốn “Tự sự 265 ngày” vì “tự thấy rằng không nên nhận”. Có lẽ anh là người đầu tiên lên tiếng chối nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam.
Theo nhà văn Hồ Văn Thái, cơ chế xét tặng giải thưởng có nhiều hạn chế. Ban chung khảo chỉ gồm toàn bộ ban chấp hành và các chủ tịch hội đồng. Ban chấp hành do đại hội bầu ra, không thể thay đổi được, vì thế, cũng không thể thay đổi gu, khó hy vọng quyết được một cái gì mới mẻ. Nhiều khi rất muốn mời thêm một số tác giả chấp nhận cái mới vào ban xét giải, nhưng ban chấp hành không cho.
Hội nhà văn VN ngộ nhận?
Trên Báo Người Lao Động, nhà văn Y Ban cho biết, bà sẵn sàng đương đầu với dư luận sau khi lên tiếng từ chối giải thưởng của Hội nhà văn.
“Đã có người nói tôi vì không được giải chính thức thì hờn giận. Nhưng câu trả lời của tôi là nếu không vào hang thì sao bắt được cọp. Nếu không ngồi ghế ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam thì làm sao tôi hiểu được nội tình vụ việc như thế nào”, nhà văn Y Ban lý giải.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Hội nhà văn bị hội viên “vạch áo cho người xem lưng” bởi trước khi Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII khai mạc, có nhiều vấn đề đã được xới lên, từ cả nhận thức tư tưởng đến công tác tổ chức, khiến văn giới và dư luận quan tâm.
Trên báo Dân Việt ngày 3/8/2010, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã chỉ ra ra “hai điều ngộ nhận về Hội Nhà văn Việt Nam” và nó cần phải “thanh toán” thì Hội mới rảnh rang làm phận sự của mình đúng tư cách một hội đoàn.
Theo phân tích của ông Nguyên, “vấn đề” thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là quá “quan trọng hoá” vai trò của Hội. Hội Nhà văn Việt Nam thực ra chỉ là một tổ chức tập hợp những người cầm bút viết văn chương nhưng lại ngộ nhận là văn học Việt Nam
“Không thể nói văn chương của các hội viên Hội nhà văn Việt Nam là toàn thể văn học Việt Nam được. Nhưng lại đang có sự ngộ nhận như vậy. Ngộ nhận từ chính cấp lãnh đạo, từ bản thân Hội, đến các hội viên và một bộ phận độc giả. Cho nên người ta đã quá quan trọng hóa vai trò Hội nhà văn, chất lên nó quá nhiều sứ mệnh, nhiệm vụ, khoác cho nó quá lắm trọng trách, ý nghĩa”, ông Nguyên nói.
Cũng theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, bản thân Hội nhà văn cũng tự coi mình như là người “phụ trách” văn học Việt Nam. Từ đó, nảy sinh nhiều rắc rối, lình xình đủ chuyện quanh một tổ chức hội bình thường như bao hội đoàn khác mà cứ mỗi kỳ đại hội lại nóng lên một cách bất bình thường để rồi đại hội xong thì đâu vẫn lại vào đấy.
“Cần chấm dứt ngay sự ngộ nhận cơ bản và sâu xa này thì HNVVN mới biết mình là ai và mới biết cách hoạt động cho đúng một hội nghề nghiệp như các hội nghề nghiệp khác”, ông Nguyên nhắn nhủ.
Điều ngộ nhận thứ 2 của Hội nhà văn là “hội viên HNVVN mới là nhà văn”. Theo ông Nguyên, đây là ngộ nhận ấu trĩ và nực cười nhất. Thậm chí đến mức có trường hợp người viết chỉ được gọi là tác giả thay vì gọi là nhà văn chỉ vì người đó chưa phải hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Thực tế, có những nhà văn hội viên và có những hội viên không phải là nhà văn, lại có những nhà văn nhưng không hội viên.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, chỉ khi nào giải quyết được hai điều ngộ nhận trên thì Hội nhà văn mới có vai trò đích thực trong việc phát triển văn học nước nhà.
Còn theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, để có được các tác phẩm văn học chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thời đại, ngoài việc đầu tư cho các phong trào, để tạo động lực cho văn học phát triển, Hội nhà văn Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy trong việc xét và chấm giải thưởng. Thay vì việc trao thưởng cho những tác phẩm “lành lành”, “xinh xinh”, “ấm áp” như mọi khi cũng cần phải có sự quan tâm tới những cách thể hiện mới.