Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Phần một ‘Chúa tể những chiếc nhẫn’ đến Việt Nam

Phần một ‘Chúa tể những chiếc nhẫn’ đến Việt Nam

“Đoàn hộ nhẫn” kể về cuộc hành trình gian lao của anh chàng Hobbit Frodo Bao Gai và những người bạn từ mọi chủng tộc của mình, nhằm giải cứu Trung Địa

khỏi rơi vào tay Chúa tể Sauro và chiếc nhẫn Chúa.
Bộ tiểu thuyết của tác giả John Ronald Reuel Tolkien (J.R.R. Tolkien) gồm ba phần, 6 quyển. Bản dịch tiếng Việt phần một vừa hoàn thành và ra mắt độc giả trong nước với tên Đoàn hộ nhẫn. “Đoàn hộ nhẫn” kể về cuộc hành trình gian lao của anh chàng Hobbit Frodo Bao Gai và những người bạn từ mọi chủng tộc của mình, nhằm giải cứu Trung Địa khỏi rơi vào tay Chúa tể Sauro và chiếc nhẫn Chúa.

Phần một này được chia thành 2 quyển, quyển đầu tiên nói về chuyến đi khỏi Quận của Frodo Bao Gai để chạy trốn những tay sai của Chúa tể Bóng tối Sauron, những Ma Nhẫn. Tiếp nối âm hưởng của Anh chàng Hobbit, câu chuyện bắt đầu với bữa tiệc sinh nhật của Bilbo Bao Gai.

Trong bữa tiệc, Bilbo đã đột ngột biến mất trước mắt dân làng để bắt đầu cái mà ông gọi là “kỳ nghỉ vô tận”, để lại cho Frodo toàn bộ tài sản, trong đó có chiếc Nhẫn Chúa, vật mà Chúa tể Sauron đang tìm kiếm, vật có thể giúp hắn một lần nữa cai trị vùng Trung Địa.

Được vị Phù Thủy già Gandalf cảnh báo, Frodo cùng những người bạn Hobbit của mình là Sam, Merry và Pippin đã bí mật rời khỏi nơi sinh sống, trốn tránh sự truy tìm của lũ Kị Sĩ Đen – những Ma Nhẫn, để đến Thung Đáy Khe. Trên suốt đường đi, họ đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cùng với sự xuất hiện của Sải Chân Dài và Glorfindel, cuối cùng nhóm Hobbit đã tới được Thung Đáy Khe.

Quyển thứ hai tiếp nối câu chuyện ở Thung Đáy Khe, nơi mọi người lên kế hoạch để huỷ diệt chiếc nhẫn ở Vùng Đất Đen Mordor.
Tác giả John Ronald Reuel Tolkien (1892 – 1973), một nhà ngôn ngữ, tiểu thuyết gia và giáo sư người Anh, được công chúng biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm Anh chàng Hobbit (The Hobbit) và Chúa tể những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings). Ông giảng dạy về ngôn ngữ Anglo-Saxon tại Đại học Oxford (giữ cương vị Giáo sư Rawlinson & Bosworth đầu ngành Anglo-Saxon của Oxford) từ năm 1925 đến 1945, và sau đó ông giữ ghế Giáo sư Merton đầu ngành ngôn ngữ và văn học Anh cũng tại Oxford từ năm 1945 đến 1959.

Thiên Lam

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *